Tư lệnh hạm đội quân sự Thái Lan kiểm tra mức độ sẵn sàng của hạm đội, lực lượng không quân và các đơn vị tác chiến đặc biệt của hải quân để hỗ trợ kế hoạch Phuwanath Chakrapong. (Ảnh: Fanpage Royal Thai Navy)
Sáng sớm ngày 24/7/2025, 6 máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hoàng gia Thái Lan đã xé toạc bầu trời biên giới, tiến hành cuộc không kích chính xác vào 2 căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Campuchia. Đến rạng sáng ngày 25, giao tranh biên giới vẫn chưa ngừng, tiếng nổ liên tục vang lên, dân thường phải chạy loạn, quan hệ giữa hai nước bị cắt đứt mạng lưới liên lạc và ngoại giao, tình hình chỉ trong một đêm đã rơi vào hố sâu chiến tranh.
Nhưng đây thật sự là một sự kiện đột ngột “bùng nổ trong một đêm” hay sao? Có lẽ không phải vậy. Cuộc xung đột tưởng chừng chỉ mang tính khu vực này thực ra đã âm thầm được ấp ủ trong nhiều năm bởi lịch sử, tình cảm dân tộc và sự tranh chấp quyền lực giữa các cường quốc. Sự bùng phát của nó chính là một tranh chấp biên giới “đóng băng cả trăm năm” bỗng nhiên tan băng, đồng thời là một làn sóng ngầm địa chính trị dâng trào.
Điểm khởi đầu của cuộc xung đột không nằm ở hiện tại hay tuần trước, mà là ở bản đồ biên giới được các thực dân Pháp vẽ vào cuối thế kỷ 19.
Trung tâm của tranh chấp là một ngôi đền cổ nghìn năm — Đền Preah Vihear. Ngôi đền này tọa lạc trên vách núi, là di sản lịch sử của triều đại Angkor, nhưng cũng đã trở thành biểu tượng cho tình cảm dân tộc của hai nước và là ngòi nổ cho chiến tranh. Năm 1962, Tòa án Quốc tế đã phán quyết ngôi đền thuộc về Campuchia, nhưng quyền sở hữu các vùng đất xung quanh vẫn bỏ ngỏ, để lại một vụ án lịch sử “phán quyết dở dang”.
Mỗi khi làn sóng chính trị và tình cảm dân tộc dâng cao, ngôi đền trên vách núi này lại trở thành mục tiêu nhắm bắn. Năm 2008, phía Campuchia đề nghị công nhận Đền Preah Vihear là Di sản Thế giới, khiến cả nước Thái Lan phản đối rầm rộ; năm 2011 lại bùng nổ giao tranh dữ dội. Đến nay, năm 2025, bóng ma lịch sử lại một lần nữa xuất hiện từ những tấm bản đồ và ngôi đền này.
Ngòi nổ trực tiếp của cuộc giao tranh lần này là một cuộc điện thoại giữa Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Trong cuộc gọi, bà gọi ông là “chú”, thậm chí còn chỉ trích quân đội nước mình quá cứng rắn. Khi đoạn ghi âm bị rò rỉ, dư luận dậy sóng, phe bảo thủ đồng loạt phản ứng, Tòa án Hiến pháp Thái Lan nhanh chóng đình chỉ chức vụ của bà.
Nhưng bước ngoặt quyền lực thực sự lại diễn ra phía sau hậu trường: quân đội lợi dụng tình hình giành lại quyền kiểm soát chính trường, triển khai không quân, trục xuất đại sứ, đóng cửa các cửa khẩu biên giới, mọi quyết định không còn qua chính phủ dân cử mà do quân nhân đứng đầu, tái hiện “dân sự lui bước, quân đội trị quốc” — mô típ chính trị đã trở nên quen thuộc của Thái Lan.
Đây không phải lần đầu tiên. Năm 2006 và 2014, quân đội Thái Lan từng 2 lần thực hiện đảo chính, lật đổ chính phủ dân cử. Giờ đây, lợi dụng vụ “bê bối điện thoại” và một quả mìn tại biên giới, quân đội lại một lần nữa chiếm ưu thế trong bối cảnh chiến tranh biên giới, khiến người ta lo ngại bóng ma đảo chính đang hồi sinh dưới hình thức mới.
Đối với Campuchia, cuộc chiến này cũng là một sự lựa chọn để “ổn định quyền lực nội bộ”. Ông Hun Sen từ chức, con trai Hun Manet kế vị, nhưng bị nghi ngờ là “dựa vào cha để lên”, thiếu kinh nghiệm thực chiến và uy tín lãnh đạo.
Một cuộc chiến tranh trở thành sân khấu để thể hiện “máu dân tộc và lòng trung thành”. Dù không thể thắng được ưu thế về không quân và trang bị của Thái Lan, chỉ cần không rút lui, không đầu hàng, vẫn có thể nhận được “lợi ích chính trị từ việc bảo vệ được phẩm giá”. Nhưng chiến lược này thực chất là dùng người dân và an ninh quốc gia làm công cụ trong cuộc chuyển giao quyền lực, với cái giá rất đắt.
Điều trớ trêu hơn, ngày 24/7 khi ông Hun Sen công bố nhiều hình ảnh cuộc họp thời chiến, lại vô tình để lộ bản đồ bố trí quân đội Campuchia lên mạng toàn cầu, vô tình “tiếp sức” cho việc dẫn đường của chiến đấu cơ F-16 Thái Lan, đồng thời cũng phơi bày sai sót lớn trong quản lý quân sự của quân đội Campuchia.
Về mặt chiến thuật, đây là một cuộc xung đột trên bản đồ; về mặt chiến lược, đây là sự mở rộng của một cuộc chơi địa chính trị. Tâm điểm của cơn bão thực sự không phải ở chùa Preah Vihear, mà nằm ở sự đan xen bóng dáng giữa Trung Quốc và Mỹ trên bán đảo Đông Nam Á.
Thái Lan là “đồng minh chính không thuộc NATO” của Mỹ tại châu Á, với hệ thống vũ khí không quân, huấn luyện liên quân và mạng lưới chiến thuật được tích hợp sâu với Mỹ. Trong khi đó, Campuchia là “quasi-chư hầu” (quasi trong tiếng Pháp có nghĩa là “gần như” hoặc “hầu như”) của Trung Quốc trên bán đảo Đông Nam Á: từ trang bị quân sự, xây dựng cảng đến hệ thống tình báo, đều gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc.
Đặc biệt, căn cứ Yunrang của Trung Quốc ở phía nam Campuchia đã trở thành “Djibouti thứ hai” trong mắt Mỹ (tức là Mỹ coi căn cứ quân sự Trung Quốc ở Campuchia như một điểm then chốt tương tự căn cứ ở Djibouti, ảnh hưởng đến an ninh và quyền lực khu vực). Trung Quốc lợi dụng viện trợ quân sự để thâm nhập hệ thống chỉ huy, mục đích không cần nói nhiều: biến một nước nhỏ “lực chiến thấp, phụ thuộc cao” thành quân cờ tiền tuyến để kiềm chế đồng minh Mỹ.
Đây cũng chính là ý nghĩa chiến lược thực sự của trận chiến này: Trung Quốc không cần thắng, chỉ cần “gây rối”. Chỉ cần tạo ra khe hở trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, khiến ASEAN rơi vào hỗn loạn, khiến Thái Lan phải lo đối phó, dù thua trận này cũng là “chiến thắng về mặt chiến lược”.
Cuộc xung đột này có mở rộng thành chiến tranh toàn diện không? Chưa chắc. Nhiều dấu hiệu cho thấy hai bên đang tính toán lợi ích chính trị và không gian ngoại giao.
Thái Lan tiến hành không kích rồi rút, vừa thể hiện sức mạnh quân sự, vừa giữ chỗ cho đàm phán. Campuchia tuy lớn tiếng không nhượng bộ dù một tấc đất, thực tế lại âm thầm vá lỗi bảo mật quân sự. Hai bên đều dùng một dạng “xung đột có kiểm soát” để thay thế đối đầu toàn diện.
Nhưng điều nguy hiểm thật sự là, cuộc xung đột này có thể trở thành “mô hình”. Nếu các nước trên bán đảo Đông Nam Á bắt đầu học theo cách đối đầu hạn chế như giữa Campuchia và Thái Lan, biến những va chạm biên giới thành “công cụ chính trị có thể tái sử dụng”, thì sự ổn định địa chính trị cả châu Á có thể sẽ bị định nghĩa lại.
Cuộc chiến Thái lan-Campuchia không chỉ là cuộc chiến của các nước nhỏ, mà còn là bài kiểm tra của các cường quốc lớn. Nó không chỉ thử thách sức mạnh quân sự và ngoại giao của hai nước, mà còn là thử thách toàn bộ Đông Nam Á: rốt cuộc phải dựa vào ai? Rốt cuộc sẽ đi theo con đường nào?
Sự thâm nhập sâu rộng của Trung Quốc vào Campuchia đã trở thành mối lo an ninh khu vực; trong khi cam kết và tốc độ phản ứng của Mỹ với đồng minh cũng sẽ được toàn cầu kiểm nghiệm trong cuộc xung đột này.
Chùa Preah Vihear vẫn còn hương khói, nhưng bên ngoài tiếng pháo vẫn nổ vang. Hòa bình chưa bao giờ được giành lấy bằng chiến thắng, mà bằng sự lựa chọn — bằng trí tuệ nhìn xa trông rộng và lòng dũng cảm biết lùi một bước. Mong rằng ánh lửa chiến tranh này không chỉ thắp sáng tình cảm dân tộc, mà còn soi rõ con đường tương lai.
Mưa lớn đêm 26/7 và sáng 27/7 tại Sơn La gây lũ quét, sạt lở…
Hàng nhập khẩu giá rẻ xuyên biên giới đang lấn lướt thị trường nội địa…
Tối 26/7, một xe máy SH sụt lún trên đường Trường Chinh, TP. Hà Nội…
Giao tranh pháo kích và bộ binh giữa quân đội Campuchia và Thái Lan vẫn…
Gần đây, nền tảng thông tin ô tô nổi tiếng của Trung Quốc Dongche Di,…
Hôm Thứ Bảy, Giáo hoàng Leo XIV tiếp đãi Tổng giám mục Nga Anthony tại…