Hội nghị thượng đỉnh phòng chống lừa đảo châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Đài Bắc vào ngày 20 -21/11, các chuyên gia tham gia cảnh báo nguy cơ lừa đảo ở châu Á đang tăng nhanh. Một báo cáo khảo sát do hội nghị công bố cho thấy hơn 50% số người được hỏi cho biết, mỗi tuần có ít nhất một lần họ nhận được tin nhắn lừa đảo.
Hội nghị thượng đỉnh chống lừa đảo châu Á kéo dài hai ngày có chủ đề, “Ngăn chặn nạn lừa đảo ở châu Á”, theo đó tập trung vào tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra đối với an toàn thông tin và hoạt động kinh doanh của nhiều quốc gia.
Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (The Global Anti-Scam Alliance) và nhà sản xuất công nghệ Đài Loan Gogolook thực hiện khảo sát về lừa đảo tại 11 khu vực ở châu Á, cho thấy nguy cơ lừa đảo đang gia tăng ở châu Á với hơn 50% người dân gặp phải lừa đảo ít nhất một lần một tuần: trong đó Hồng Kông có tần suất cao nhất với 45% người Hồng Kông nói rằng họ “gặp phải lừa đảo hàng ngày”, tiếp theo là Thái Lan với 16%, thứ ba là Malaysia và Đài Loan.
Báo cáo cho thấy các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn văn bản truyền thống là kênh lừa đảo phổ biến nhất ở châu Á. Hơn 75% người dân ở Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông và Việt Nam cho biết họ đã nhận được các cuộc gọi lừa đảo; hơn 75% người dân ở Philippines, Hàn Quốc và Indonesia cũng đã nhận được tin nhắn lừa đảo.
Ngoài ra, phần mềm nhắn tin tức thời, mạng xã hội và email cũng là những công cụ của những kẻ lừa đảo. Cuộc khảo sát cho thấy hơn 50% người dân ở Hồng Kông, Singapore và Indonesia đã từng gặp phải tình trạng lừa đảo trên các kênh phần mềm liên lạc. Ví dụ: Facebook được xếp hạng trong top 5 có nguy cơ lừa đảo cao nhất trong 10 khu vực hàng đầu bên ngoài Trung Quốc, trong đó 4 vị trí đầu là Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. WhatsApp là kênh lừa đảo hàng đầu ở Malaysia, Hồng Kông, Singapore và Indonesia. Đối với Trung Quốc, hơn 50% người dân Trung Quốc cũng chỉ ra rủi ro lừa đảo của WeChat và QQ.
Instagram và TikTok vốn phổ biến trong giới trẻ cũng đã lọt vào bảng xếp hạng rủi ro, cho thấy độ tuổi nạn nhân lừa đảo ngày càng giảm.
CEO Jorij Abraham của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (The Global Anti-Scam Alliance) nói với VOA: “Facebook và Google cũng thường được sử dụng, còn có các kênh mạng xã hội địa phương như TikTok, Line được nhiều người tại những khu vực nhất định ưa chuộng. Ngoài ra, lừa đảo hẹn hò và kết hôn trực tuyến cũng rất phổ biến ở châu Á và ngày càng phổ biến ở châu Âu và Mỹ, cho thấy thủ đoạn lừa đảo có xu hướng xuyên biên giới.”
Ông cho biết nhiều nước đã xây dựng chính sách phòng chống lừa đảo, trong đó có Trung Quốc đang tích cực trấn áp tội phạm; Úc và Singapore đã mở các trung tâm chỉ huy chống lừa đảo, theo đó lưu ý xu hướng lừa đảo xuyên biên giới và thiết lập hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa các đơn vị chống lừa đảo toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy các kịch bản lừa đảo rất khác nhau trên khắp châu Á, trong đó lừa đảo liên quan đến mua sắm là tình huống thường gặp nhất ở Thái Lan, Philippines và Trung Quốc. Trộm cắp thông tin cá nhân và lừa đảo thẻ tín dụng là những hình thức lừa đảo phổ biến nhất ở Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hồng Kông và Singapore.
Liên quan đến cuộc chiến chống lừa đảo, Phó Cục trưởng Huang Rencong của Cục Hình sự Đài Loan chỉ ra rằng, vào tháng 5 năm nay Đài Loan đã triển khai cơ chế lọc cuộc gọi ra nước ngoài, đến nay đã chặn hơn 10 triệu cuộc gọi lừa đảo xuyên biên giới, tuy nhiên đây là một “cuộc chiến trường kỳ”.
Đại diện Alexander Ramos của Trung tâm điều tra tội phạm mạng Philippine cũng cho biết, những kẻ lừa đảo có xu hướng chuyển mục tiêu từ chính phủ và doanh nghiệp sang cá nhân. Ông Ramos nói với VOA: “Những kẻ lừa đảo không còn nhắm mục tiêu vào một hoặc hai công ty nữa, chúng đang nhắm mục tiêu vào hàng nghìn nạn nhân, gây ra những hậu quả chính trị cho các chính phủ, nhưng rất khó tìm ra giải pháp”.
Ông cho biết, ở Philippines mỗi năm có hơn một triệu nạn nhân của các trang web lừa đảo, nhưng tỷ lệ báo cáo của họ thấp khiến các cơ quan thực thi pháp luật khó truy tìm nguồn gốc, hơn nữa các tổ chức lừa đảo trên toàn cầu ngày càng chuyên nghiệp hơn là thách thức đối với an ninh của nhiều quốc gia..
Về khả năng nhận diện lừa đảo của mọi người, cuộc khảo sát cho thấy người dân ở Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Singapore và Đài Loan nằm trong top 5 nơi người dân có nhận thức cao về phòng chống lừa đảo. Trong đó tỷ lệ phanh phui lừa đảo của truyền thông Đài Loan cao giúp nâng cao cảnh giác của người dân. Tuy nhiên, CEO Công ty Gogolook của Đài Loan là Kuo Chien Fu cảnh báo rằng, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào bẫy lừa đảo hơn khi chúng ta quá tự tin, việc nghi ngờ và kiểm chứng là thói quen tốt để tránh được lừa đảo.
Các chuyên gia từ nhiều nước cũng cảnh báo rằng, sự trỗi dậy của AI đã trở thành vũ khí phụ trợ tốt nhất cho hoạt động lừa đảo.
Chuyên gia Jorij Abraham của Liên minh phòng chống lừa đảo quốc tế cho hay, AI hỗ trợ tốt trong thương mại, tuy nhiên bị lạm dụng để tạo ra âm thanh và hình ảnh giả mạo đánh lừa người tiêu dùng, theo đó là công cụ cho tội phạm mạng, đây là vấn đề đáng lo ngại trong tương lai AI tiếp tục có nhiều tiến bộ.
Tại hội nghị, CEO Kuo Chien Fu của công ty Gogolook đã có bài phát biểu trực tiếp bằng tiếng Anh rồi thông qua AI để ngay lập tức tạo ra nhiều ngôn ngữ như tiếng Thái, tiếng Malaysia, tiếng Philipin, tiếng Nhật…, nhằm thể hiện những đột phá mới nhất trong công nghệ AI tạo sinh; nhưng ông cảnh báo, sau khi ngưỡng sử dụng AI trong bối cảnh mọi người đều có thể dùng, có thể mở ra cơ hội cho lừa đảo AI.
Tại hội nghị, CEO Kevin Shepherdson của công ty bảo mật Straits Interactive (Singapore) cũng đã chiếu video chống lừa đảo, trong video ông đã sử dụng một chatbot AI tạo sinh nói thông thạo tiếng Trung để nhằm hình dung đó có thể là công cụ bị những kẻ lừa đảo lạm dụng. Ông cho biết, trên thị trường không thiếu các ứng dụng ChatGPT miễn phí, hồ sơ trò chuyện cũng như thông tin cá nhân của người dùng có thể bị một số công ty AI chặn hoặc bán để kiếm lời, trở thành đồng phạm lừa đảo.
Nhà nghiên cứu Farah Putri đến từ Indonesia cảnh báo rằng, sự phổ biến của công nghệ giọng nói giả và tiền ảo khiến lừa đảo kỹ thuật số khó bị phát hiện hoặc ngăn chặn. Ông cho biết, nội dung ngôn ngữ do ChatGPT tạo ra giống như con người thực, hầu hết các cuộc gọi điện thoại im lặng mà chúng ta thường nhận được đều do robot AI thực hiện, mục đích là thu thập thông tin giọng nói và vị trí của người nhận, sau đó giả giọng nói qua điện thoại đó để lừa gạt người thân và bạn bè của người nhận.
Putri cảnh báo, sang năm các nước châu Á như Indonesia và Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử, theo đó nội dung lừa đảo chính trị do AI tạo ra có thể tràn lan và cần được lọc cẩn thận.
Ví dụ theo truyền thông Đài Loan “Truyền hình Công cộng” (PTS) vào ngày 18/11, gần đây ở Đài Loan xuất hiện loại video công nghệ giả mạo sâu dùng AI (deepfake AI) về các ứng viên tổng thống, giả mạo hình ảnh và giọng nói của tổng thống và phó tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn và ông Lại Thanh Đức để quảng bá tiền điện tử, lừa đảo đầu tư.
Về vấn đề này, người phụ trách Cục Hình sự Đài Loan nói với VOA rằng họ đã phát triển phần mềm kiểm nghiệm để khi có báo án sẽ ngay lập tức xác định và làm rõ, để hạn chế ảnh hưởng đến bầu cử.
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…