Nhân Dân Tệ giảm giá, ngành sản xuất Trung Quốc đình trệ, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm là các tin xấu liên tiếp đến đối với nền kinh tế Trung Quốc trong ngày cuối tháng 10.
Theo Reuters ngành sản xuất hàng loạt của Trung Quốc trong tháng 10 đạt tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong vòng 2 năm, chủ yếu do nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu sử dụng trong nước giảm. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại kéo dài với Hoa Kỳ lên nền kinh tế số 2 thế giới.
Các nhà đầu tư ngày càng tỏ ra lo ngại về tốc độ tăng trưởng giảm sút của Trung Quốc cũng như việc công bố chỉ số PMI không khả quan hôm thứ Tư (31/10) cũng gây áp lực nhiều hơn lên nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc giảm xuống 50,2 điểm trong tháng 10, mức thấp nhất từ tháng 7/2016, theo Reuters. Chỉ số PMI này được các nhà đầu tư quốc tế dùng để quan sát tình hình kinh doanh tại Trung Quốc vào thời gian bắt đầu quý 4 năm nay. Điểm số này bị coi là nguy hiểm vì PMI dưới 50 điểm bị coi là kinh tế suy giảm.
“Các con số về chỉ số PMI Trung Quốc được công bố hôm nay đã xác nhận việc suy thoái diện rộng trong các hoạt động kinh tế”, Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ viết trong một thông báo gửi khách hàng. Ông nói thêm rằng tình hình đối với khu vực kinh tế tư nhân “tồi tệ hơn nhiều” so với những gì con số này chỉ ra.
Các đơn hàng xuất khẩu mới cũng giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp và ở mức độ lớn nhất trong ít nhất một năm nay, theo Reuters.
Cho đến nay, ngành xuất khẩu Trung Quốc vẫn không phải chịu nhiều tác động của thương chiến là do các nhà xuất khẩu đã lên đơn hàng từ trước khi thương chiến khai mào để tránh thuế. Tuy nhiên trong dài hạn, ngành xuất khẩu nước này chắc chắn sẽ cảm nhận được tác động của nó. Việc đơn đặt hàng ngoại quốc liên tục suy giảm là một cảnh báo rõ ràng cho việc này.
Hơn nữa, sang năm 2019, Tổng thống Trump tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn lớn hơn.
“Thuế suất 25% sẽ được áp dụng vào tháng Một … có thể việc suy giảm đơn hàng xuất khẩu mới trong chỉ số PMI là một cảnh báo cho điều gì sẽ tới mặc dù nó vẫn chưa được phản ánh trong các số liệu cứng”, kinh tế gia trưởng Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nói.
Theo Reuters, khảo sát về PMI cũng cho thấy một chỉ số phụ về sản xuất công nghiệp giảm xuống 52 điểm từ 53 điểm trong tháng 9. Trong khi đó, các đơn hàng sản xuất trong nước cũng giảm mạnh từ 52.0 xuống 50,8 điểm từ tháng trước, một chỉ dấu cho thấy nhu cầu quốc nội suy giảm không nhỏ.
Sáng nay 31/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu giữa NDT và USD xuống mức thấp nhất từ tháng 5/2008. Theo đó, tỷ giá hiện tại là 6,9574 NDT một USD. Đồng NDT đã giảm hơn 9% so với đồng bạc xanh kể từ tháng 1, trong bối cảnh Mỹ vừa tăng lãi suất và ảnh hưởng của thương chiến.
Trung Quốc tiếp giá đồng tiền sau khi có cảnh báo rằng Nhà Trắng sẽ tiếp tục đánh thuế hàng hóa TQ trong tháng 12 nếu cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập không đạt kết quả tích cực. Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu công nghệ Hoa Kỳ cho các công ty sản xuất chip điện tử được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Tỷ giá NDT/USD đang nhích gần đến mức 7 NDT đổi 1 USD, vốn được xem là ngưỡng tâm lý đối với các nhà thương mại và có thể khiến ông Trump tức giận trả đũa bằng các đòn thương mại mới.
Ông Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cố tình phá giá đồng tiền để chiếm lợi ích trong thương mại với Mỹ.
“Các nhà đầu tư sẽ bị đá khỏi vùng thoải mái. Khi tỷ giá vượt mức 7, bạn sẽ thấy rất nhiều áp lực bán tháo”, Kevin Lai, nhà kinh tế Hong Kong tại ngân hàng đầu tư Daiwa Capital Markets nói với CNN.
Bộ Thống kê TQ giải thích việc đình trệ sản xuất trong tháng 10 là do tác động của kỳ nghỉ lễ toàn quốc và thách thức từ môi trường quốc tế.
Theo Reuters, hơn 70% các công ty Mỹ đang hoạt động ở miền nam Trung Quốc đang cân nhắc việc trì hoãn đầu tư thêm ở TQ hoặc di dời một số hoặc toàn bộ cơ sở sản xuất ra khỏi TQ trong bối cảnh thương chiến ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trong khi sản lượng công nghiệp và đầu tư vào hạ tầng đều giảm. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc sẽ chỉ trở nên kém hơn trong tương lai gần.
Kết quả kinh tế mới nhất của Trung Quốc cho thấy sự trượt dốc tiếp tục của động lực kinh tế và suy giảm môi trường kinh doanh. Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể phải tiếp tục kéo dài các gói kích thích kinh tế.
Ngành sản xuất của Trung Quốc vốn đã bị gây sức ép bởi việc giảm nguồn tín dụng do chiến dịch kiểm soát nợ công ty và phong tỏa các hoạt động cho vay nhiều rủi ro, đặc biệt là các công ty nhỏ.
Vì thương chiến với Mỹ, Bắc Kinh đã phải dừng chiến dịch “đánh nợ xấu” trên và liên tiếp nới lỏng tín dụng. Ngân hàng Trung ương TQ vừa thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư nhằm kích thích ngân hàng cho vay tiền. Ngoài ra Bắc Kinh cũng đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng mới và cam kết giảm thuế cho năm sau.
Theo Reuters, một khảo sát do NBS công bố thứ Tư cũng cho thấy ngành dịch vụ quy mô khổng lồ của TQ cũng chững lại trong tháng 10.
Nhìn chung, các kinh tế gia dự đoán chính quyền Bắc Kinh sẽ sớm phải ban hành giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh thương chiến đang căng thẳng.
Trọng Đức
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…