Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc đã cảnh báo hôm thứ Ba (13/4) về “những tội ác chống lại loài người ở Myanmar” và cho biết dường như nước này đang hướng tới một cuộc xung đột toàn diện kiểu như Syria.
Trong một tuyên bố, văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước có hành động ngay lập tức và dứt khoát để thúc đẩy các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar ngừng “chiến dịch đàn áp và tàn sát người dân của họ.”
Michelle Bachelet, cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho biết: “Tôi lo rằng tình hình ở Myanmar đang hướng tới một cuộc xung đột toàn diện.”
“Các quốc gia không được phép lặp lại những sai lầm chết người trong quá khứ như ở Syria và những nơi khác.”
Myanmar đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và nền kinh tế của nước này bị tê liệt kể từ khi quân đội giành chính quyền từ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2.
Theo nhóm giám sát địa phương AAPP, tính đến hết ngày thứ Hai (12/4), cuộc đàn áp của quân đội chống lại những người bất đồng chính kiến đã khiến ít nhất 710 người thiệt mạng, bao gồm 50 trẻ em.
Trong khi đó, các nhóm nổi dậy có vũ trang sắc tộc đã tăng cường các cuộc tấn công vào quân đội và cảnh sát trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại về việc Myanmar sẽ rơi vào những cuộc xung đột dân sự rộng lớn hơn.
Quân đội Myanmar cũng đã trả đũa bằng các cuộc không kích, khiến hàng nghìn dân thường phải di tản.
“Quân đội dường như có ý định tăng cường chính sách bạo lực tàn nhẫn đối với người dân Myanmar, sử dụng vũ khí cấp quân sự và bừa bãi”, bà Bachelet nói.
Bà cảnh báo: “Đã có những dấu hiệu rõ ràng lặp lại tình trạng Syria vào năm 2011, thời điểm khởi đầu của cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỷ khiến gần 400.000 người thiệt mạng và hơn6 triệu người phải rời bỏ đất nước.”
Bà nói: “Sự đàn áp tàn bạo, dai dẳng của nhà nước đối với người dân của họ đã dẫn đến việc một số cá nhân buộc phải cầm vũ khí, theo sau đó là một vòng xoáy bạo lực mở rộng nhanh chóng trên khắp đất nước.”
Bachelet chỉ ra rằng người tiền nhiệm Navanethem Pillay của bà đã cảnh báo vào năm 2011 “rằng việc cộng đồng quốc tế không phản hồi với quyết tâm thống nhất có thể là một thảm họa đối với Syria và hơn thế nữa.”
Bà nói: “10 năm qua đã cho thấy hậu quả khủng khiếp như thế nào đối với hàng triệu dân thường.”
Bachelet đề cập đến “các báo cáo đáng tin cậy”, trong đó chỉ ra rằng lực lượng quân đội Tatmadaw của Myanmar đã nổ súng bằng súng phóng lựu, lựu đạn phân mảnh và súng cối ở thành phố Bago, miền nam nước này vào cuối tuần trước.
Ít nhất 82 người biểu tình chống đảo chính đã bị giết trong cuộc đàn áp tàn bạo vào ngày thứ Sáu.
Các lực lượng an ninh cũng được cho là đã ngăn cản nhân viên y tế giúp đỡ những người bị thương và buộc người thân của những người thiệt mạng phải chi khoảng 90 đô la Mỹ để được nhận thi thể họ, văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết.
Ít nhất 3.080 người hiện đang bị giam giữ trên khắp đất nước, trong khi 23 người được cho là đã bị kết án tử hình sau các phiên tòa bí mật, bao gồm 4 người biểu tình và 19 người khác bị cáo buộc phạm tội chính trị và hình sự.
Bà Bachelet kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động.
“Các tuyên bố lên án và các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hạn chế, rõ ràng là không đủ”, bà nói.
“Các quốc gia có ảnh hưởng cần khẩn trương áp dụng các biện pháp phối hợp đối với quân đội ở Myanmar để ngăn chặn hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và các tội ác có thể xảy ra chống lại loài người đối với người dân ở nước này.”
Lê Xuân (theo CNA)
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…