Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã bước sang tháng thứ 7, cả phía Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau vi phạm nhân quyền, nhưng cả hai bên đều phủ nhận các cáo buộc đối với mình. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc/LHQ (OHCHR) công bố báo cáo cho biết cả Nga và Ukraine đều vi phạm nhân quyền trong chiến tranh.
Reuters (Anh) đưa tin, ngày 27/9 Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) đã đưa ra một báo cáo cho biết tình hình nhân quyền ở Ukraine trong cuộc chiến Nga-Ukraine là rất tồi tệ, “xung đột vũ trang và các hoạt động quân sự kéo dài đã dẫn đến tình hình nhân quyền (tại Ukraine) rất nghiêm trọng, với tình trạng vi phạm nhân quyền lan rộng ảnh hưởng đến mọi người dân và quân nhân”.
Báo cáo cũng cho biết các hành vi vi phạm nhân quyền ở cả hai phía Nga và Ukraine, bao gồm cả những vụ giết người và tra tấn ngoài tư pháp, có thể được coi là tội ác chiến tranh.
OHCHR cho biết đang tiếp tục xác minh các cáo buộc cho rằng quân Nga đã giết hại bất hợp pháp hàng trăm dân thường ở các khu vực Kyiv, Sumy và Kharkiv – những khu vực này hiện đã được các lực lượng Ukraine kiểm soát.
Báo cáo còn ghi lại việc giết hại ít nhất 6 thường dân Ukraine bị cho là những kẻ phản bội, họ bị cáo buộc hợp tác với Nga tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Báo cáo cho rằng do Nga phát động chiến dịch quân sự xâm lược Ukraine nên cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại về việc quân đội Nga và các lực lượng vũ trang thân Nga tra tấn và đối xử tệ với các tù nhân chiến tranh Ukraine.
Báo cáo được tổng hợp từ ngày 1/2 – 31/7 năm nay, hoàn thành dựa trên hồ sơ công việc của Phái bộ Giám sát Nhân quyền của LHQ tại Ukraine (United Nations Human Rights Monitoring Mission in Ukraine, HRMMU). Cả Nga và Ukraine đều bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Nga và Ukraine chưa có bình luận ngay lập tức về báo cáo của OHCHR.
Từ tháng 4 – 7 năm nay, các nhân viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã điều tra các cuộc tấn công quân sự của Nga ở miền nam Kharkiv và các khu vực Mykolaiv và Donbas tại Ukraine. Tổ chức đã kiểm tra nơi xảy ra vụ tấn công quân sự, phỏng vấn những người sống sót, nhân chứng và người thân của nạn nhân, đồng thời tiến hành điều tra và phân tích hiện trường.
Ngày 4/8, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo liệt kê các vụ việc xảy ra ở 19 thị trấn tại Ukraine và cho biết quân đội Ukraine đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế (International humanitarian law) khi biến các cơ sở dân sự thành cơ sở quân sự. Ví dụ, quân đội Ukraine đã thiết lập căn cứ quân sự ở nơi dân cư đông đúc như trường học và bệnh viện, đã đặt vũ khí và trang thiết bị… ở đó, và từ các khu vực đông dân cư này tiến hành các cuộc tấn công quân sự.
Báo cáo cho biết, quân đội Ukraine cũng sử dụng khu vực kho lương và kho dự trữ lương thực nông nghiệp ở Mykolaiv làm cơ sở quân sự, nhà kho này đối diện với một trang trại nơi thường dân sinh sống và làm việc. Một công nhân nông trường đã bị thương khi quân đội Nga tấn công cơ sở quân sự ở Mykolaiv.
Tại Bakhmut, người dân địa phương được phỏng vấn tiết lộ rằng quân đội Ukraine sử dụng một tòa nhà chung cư mà chỉ cách đó 20 mét là một tòa nhà dân cư cao tầng. Vào ngày 8/5, tòa nhà chung cư bị một tên lửa Nga bắn trúng phá hủy một phần và gây thiệt hại cho các tòa nhà dân cư gần đó. Người của Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tìm thấy bằng chứng về việc sử dụng quân sự bên trong và bên ngoài tòa nhà chung cư, bao gồm xe quân sự, bao cát và tấm nhựa đen che cửa sổ, cũng như thiết bị sơ cứu chấn thương hoàn toàn mới do Mỹ sản xuất.
Một người dân địa phương nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế: “Chúng tôi không thể lên tiếng về những gì quân đội (Ukraine) làm, nhưng việc đó đã khiến chúng tôi phải trả giá”.
Ngoài ra, quân đội Ukraine cũng sử dụng một tòa nhà đại học ở Bakhmut cho mục đích quân sự.
Người của Tổ chức Ân xá Quốc tế chứng kiến ở 5 khu vực khác nhau có cảnh quân đội Ukraine sử dụng bệnh viện làm căn cứ quân sự, trong đó có một bệnh viện ở Kharkiv, nơi bị quân đội Nga không kích hôm 28/4. Rõ ràng việc sử dụng bệnh viện cho mục đích quân sự là vi phạm Luật Nhân đạo Quốc tế. Tại khu vực Donbas và Mykolaiv, quân đội Ukraine thường sử dụng các trường học ở thị trấn và thôn làng cho mục đích quân sự, những trường này nằm gần các cộng đồng dân sự đông đúc. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tìm thấy bằng chứng về hoạt động quân sự của Ukraine tại 22 trường học, bao gồm quân phục rằn ri, đạn dược bị loại bỏ, các gói khẩu phần quân đội và xe quân sự. Quân đội Ukraine cũng không yêu cầu hoặc hỗ trợ dân thường sơ tán khỏi các khu dân cư và có giải pháp thay thế khả thi không gây nguy hiểm cho an toàn dân sự, chẳng hạn như các cơ sở quân sự gần đó hoặc rừng rậm, hoặc các công trình khác xa khu dân cư.
Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng các chiến thuật thời chiến như vậy của quân đội Ukraine khiến người dân thường gặp nguy hiểm, và khi quân đội Nga tiến hành một cuộc tấn công quân sự thì sẽ không chỉ khiến dân thường bị thương mà còn tàn phá cơ sở hạ tầng dân sự. Luật nhân đạo quốc tế yêu cầu các bên tham gia xung đột quân sự hạn chế tối đa việc thiết lập các cơ sở quân sự trong hoặc gần các khu vực đông dân cư, thay vào đó phải có các biện pháp bảo vệ dân thường khỏi bị tấn công quân sự bao gồm sơ tán họ rời khỏi các cơ sở quân sự cũng như cảnh báo một cách hiệu quả những nguy cơ tấn công gây nguy hiểm.
Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cho rằng việc quân đội Ukraine bố trí các cơ sở quân sự tại các khu vực đông dân cư cũng không thể trở thành lý do để quân Nga tiến hành các cuộc tấn công quân sự tai họa cho người dân.
Đáp lại, Tổng thư ký Agnès Callamard của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận các hành động của quân đội Ukraine vi phạm Luật chiến tranh (Law of war), đặt dân thường ở các khu vực đông dân cư vào nguy cơ chiến lược (thời chiến)”. Ngay cả khi ở tư thế phòng thủ trong cuộc chiến Nga – Ukraine, thì quân đội Ukraine cũng không thể vi phạm luật nhân đạo Quốc tế.
Truyền thông Mỹ Politico đưa tin, Tổng thống Zelensky của Ukraine đã chỉ trích Tổ chức Ân xá Quốc tế trong một bài phát biểu vào tối ngày 4/8. Ông cho biết bất kỳ ai đưa ra lý do ân xá cho Nga và hợp lý hóa các cuộc tấn công khủng bố phải nhận ra rằng lời nói và hành động của họ bị ảnh hưởng bởi Nga. Ông Zelensky cáo buộc Tổ chức Ân xá Quốc tế “có ý đồ đặc xá cho quốc gia reo rắc khủng bố, chuyển trách nhiệm trên thân họ từ kẻ xâm lược sang nạn nhân”.
Các quan chức chính phủ cấp cao khác ở Kyiv cũng cáo buộc Tổ chức Ân xá Quốc tế báo cáo về quân đội Ukraine là sai sự thật và mang tính tuyên truyền. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine cho biết trong một tuyên bố video rằng ông “cảm thấy bị xúc phạm” khi Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London đã công bố báo cáo mà ông tin rằng đã đưa ra “kết luận không công bằng”.
Ông Kuleba nói: “Động thái của Tổ chức Ân xá Quốc tế không phải tìm kiếm sự thật và đưa vấn đề ra công luận quốc tế, mà là tạo ra sự cân bằng giả tạo giữa kẻ phạm tội và nạn nhân. Tổ chức Ân xá Quốc tế phải ngừng tạo ra ‘thực tế giả dối’”.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov của Ukraine cho biết mọi ý tưởng ‘không phân biệt’ hành động xâm lược của Nga với các nỗ lực tự vệ của Ukraine, “giống như báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho thấy họ tự làm mất uy tín và cũng đang làm tổn hại thẩm quyền của họ”, “Chúng tôi sẽ không cho phép [bất kỳ ai] vu khống quân đội và những người bảo vệ của chúng tôi”.
Cố vấn Mykhailo Podoliak của văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết chính quyền Moscow đang cố gắng sử dụng các mối liên hệ với những người có ảnh hưởng để làm mất uy tín của quân đội Ukraine, qua đó gây gián đoạn việc cung cấp vũ khí từ châu Âu và Mỹ cho Kyiv. “Thật tiếc khi các tổ chức như Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng tham gia vào chiến dịch tuyên truyền và thông tin méo mó này”, ông viết trên Twitter.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…