Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo những người từ 60 tuổi trở lên nên hoãn kế hoạch du lịch vì lo ngại về biến thể Omicron.
Ngày 26/11 WHO nhận định Omicron là một biến thể đáng lo ngại (VOC), đồng thời thông báo họ đang theo dõi sự lây lan của biến thể này. Theo đó, tổ chức này khuyên một số du khách nên hoãn các chuyến đi đến “những khu vực có sự lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng”.
WHO nhấn mạnh trong một tuyên bố hôm 30/11: “Những người sức khỏe không tốt, hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ, hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 trước đó và có nhiều nguy cơ phát triển bệnh nặng và tử vong, bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên hoặc những người có bệnh nền làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 nghiêm trọng (ví dụ như bệnh tim, ung thư và tiểu đường) nên hoãn việc đi du lịch đến các khu vực có lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng.”
Trong bản cập nhật mới nhất của mình, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh công bố, những người ở độ tuổi từ 65 đến 74 tuổi chiếm gần 22% tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ này tiếp tục tăng khi tuổi tác tăng lên, với 26% ở những người này từ 75 đến 84 và 28% cho 85 tuổi trở lên.
WHO cho hay, tính đến ngày 28/11, hơn 50 quốc gia đã thực hiện một số lệnh hạn chế du lịch ở từng mức độ nhất định, chẳng hạn như tạm thời cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ các quốc gia từ phía Nam châu Phi, bao gồm Nam Phi – quốc gia lần đầu tiên báo cáo về biến thể Omicron hôm 24/11.
WHO cho biết thêm, biến thể Omicron mới dự kiến sẽ được phát hiện trên khắp thế giới khi các quốc gia tăng cường nỗ lực giám sát và giải trình tự gen. Tổ chức này đề xuất các quốc gia có thể tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hành khách trước khi xuất/nhập cảnh và cách ly khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, họ khuyến nghị không nên cấm du lịch toàn diện, nhận xét rằng các biện pháp đó “sẽ không ngăn chặn sự lây lan ra quốc tế” của Omicron, trong khi lại “tạo gánh nặng lên cuộc sống và sinh kế”.
Đồng thời, các lệnh cấm còn tác động tiêu cực đến những nỗ lực y tế toàn cầu khi mà “khiến các quốc gia e ngại trong công tác báo cáo, chia sẻ dữ liệu dịch tễ và giải trình tự gen”.
“Tất cả các quốc gia phải đảm bảo rằng các biện pháp được xem xét và cập nhật thường xuyên khi có bằng chứng mới về đặc điểm dịch tễ học và lâm sàng của Omicron, hoặc bất kỳ biến thể đáng lo ngại nào khác,” WHO nêu rõ.
Trong khi các quốc gia nỗ lực gấp đôi nhằm ngăn chặn lây nhiễm biến thể mới, WHO cho rằng, hoạt động đi lại thiết yếu vẫn nên được ưu tiên trong thời gian đại dịch. Đi lại thiết yếu bao gồm các chuyến đi vì nhiệm vụ khẩn cấp và nhân đạo, vận chuyển hàng hóa để cung cấp nhu yếu phẩm.
Trong khi đó, toàn bộ các du khách cũng được nhắc nhở “phải luôn cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng của COVID-19, sẵn sàng tiêm phòng khi đến lượt và tuân thủ các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng, bất kể tình trạng tiêm chủng như thế nào,” WHO nhấn mạnh.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…