Các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận về đề xuất cho một hiệp ước thương mại kỹ thuật số bao gồm các nền kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương khi Hoa Kỳ đang tìm kiếm các phương thức để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, tờ SCMP đưa tin hôm 13/7.
Chi tiết về hiệp ước tiềm tàng còn đang được soạn thảo, nhưng nó có thể bao gồm các nước Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Úc, New Zealand và Singapore, theo một người yêu cầu giấu tên vì tiến trình chưa được công khai.
Thoả thuận có thể đặt ra các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm nguyên tắc sử dụng dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch và các hiệp ước hải quan điện tử.
Nó cũng cho thấy chính quyền Biden đang quan tâm đến việc theo đuổi các cơ hội kinh doanh mới sau những tháng đầu tập trung nhiều hơn vào thúc đẩy các thoả thuận hiện có.
Có lẽ, điều quan trọng nhất, là chính sách này tượng trưng cho nỗ lực gần đây của chính quyền Biden nhằm đưa ra một kế hoạch kinh tế cho khu vực có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược nhất thế giới này sau quyết định của tổng thống Donald Trump rút khỏi cuộc đàm phán về thỏa thuận Đối tác Thương mại Xuyên Thái bình Dương (TPP) năm 2017.
Những người ủng hộ một hiệp ước như vậy, gồm có cựu phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler, cho rằng có thể dựa trên những thoả thuận hiện có trong khu vực, bao gồm Thoả thuận Thương mại kỹ thuật số Mỹ – Nhật, cũng như các thoả thuận khác giữa các nước trong khu vực như Thỏa thuận Thương mại Kỹ thuật số Singapore – Úc, và Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số Singapore – New Zealand – Chile.
Một thoả thuận thương mại kỹ thuật số có thế “đưa nước Mỹ trở lại cuộc chơi thương mại tại châu Á trong khi họ đang cân nhắc các ưu điểm của việc tái gia nhập Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),” ông Cutler, một nhà đàm phán thương mại lâu năm hiện là phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, đã viết hồi tháng Tư trong một bài báo cùng Joshua Meltzer, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings.
“Chúng tôi rất ủng hộ đàm phán về một hiệp ước kỹ thuật số, đặc biệt là khi không còn có TPP,” Charles Freeman, phó chủ tịch cấp cao về châu Á tại phòng Thương mại Mỹ ở Washington, nói. “Chúng tôi muốn thấy một vài hiệp ước hướng tới tương lai, dựa trên cơ sở các nguyên tắc trong khu vực, đặc biệt như một hình mẫu cho một hiệp ước toàn cầu. Chúng tôi nghĩ bây giờ là lúc thực hiện điều đó.”
Một thoả thuận như vậy không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, nơi sự phản đối của các đảng viên Đảng Dân chủ cấp tiến đã ngăn chặn một số thoả thuận trong nhiều năm. Thậm chí trong số các đảng viên Đảng Cộng hoà cũng không có mấy người ủng hộ các hiệp ước tự do thương mại toàn diện, đặc biệt sau khi ông Trump chỉ trích các thỏa thuận mà những người tiền nhiệm của ông đạt được.
“Đối với Mỹ, để trở nên có ảnh hưởng thực sự tại châu Á, chúng ta cần có một kế hoạch kinh tế, một loạt cam kết và bạn sẽ thấy chúng trong một khoảng thời gian nữa thôi,” ông Kurt Campbell, quan chức hàng đầu về châu Á của Nhà Trắng, cho biết vào tuần trước.
Ông Campbell nói thêm rằng chính quyền đang xem xét “những điều có thể có thể xảy ra trên mặt trận kỹ thuật số,” mà không cho biết chi tiết.
Ngân Hà (theo SCMP)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…