Cựu trưởng khoa Hóa, Đại học Harvard đã bị truy tố hôm 9/6 với cáo buộc che giấu thông tin về tiền tài trợ ông nhận được từ Trung Quốc, theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Ông Charles Lieber, 61 tuổi, đã bị bắt vào hồi tháng 1 với cáo buộc nói dối về việc tham gia chương trình “Ngàn nhân tài” do nhà nước cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Hôm 9/6, bồi thẩm đoàn liên bang đã truy tố vị cựu trưởng khoa Hoá, Đại học Harvard về hai tội danh liên quan đến khai báo sai cho chính quyền liên bang.
Kế hoạch “Ngàn nhân tài” nhằm thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới làm việc cho các dự án ở Trung Quốc đã khiến các quan chức Mỹ để ý, cho rằng nó tạo điều kiện cho việc chuyển giao tài sản trí tuệ của Mỹ sang Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc “Ngàn nhân tài” và các chương trình tương tự khác của Trung Quốc thưởng cho những cá nhân có công đánh cắp bí mật công nghệ.
Ông Lieber, một giáo sư chuyên về khoa học nano, được cho là đã có nhiều năm tham gia chương trình “Ngàn nhân tài” trong khi thực hiện các nghiên cứu nhạy cảm của Mỹ, các công tố viên cho biết. Ông đã nhận được hơn 15 triệu USD tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia (NIH) và Bộ Quốc phòng Mỹ kể từ năm 2008.
Khi nhận được tiền tài trợ từ chính phủ liên bang như vậy, theo luật, các cá nhân phải thông báo về các khoản tài trợ và hợp tác nước ngoài khác.
Theo cáo trạng, ông Lieber bắt đầu làm việc với Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) với tư cách là “một nhà khoa học chiến lược” vào năm 2011, và đã hợp đồng tham gia vào chương trình “Ngàn nhân tài” từ năm 2012 đến 2017.
Theo hợp đồng, WUT đã trả cho ông Lieber mức lương 50.000 USD/ tháng và sinh hoạt phí lên tới 1 triệu NDT (tương đương 158.000 USD) trong ba năm. Đổi lại, vị cựu giáo sư Harvard sẽ làm việc cho WUT ít nhất chín tháng mỗi năm với các công việc: xin cấp bằng sáng chế và nghiên cứu xuất bản cho WUT, tư vấn cho sinh viên và giáo viên và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế.
Cáo trạng cũng cho hay, vào tháng 1 năm 2013, ông Lieber đã thay mặt trường Harvard ký thỏa thuận cho một chương trình nghiên cứu hợp tác 5 năm mà không hỏi ý kiến các quan chức Harvard. Theo đó, thỏa thuận này cho phép các nhà nghiên cứu của WUT đến thăm khoa Hóa học trong vòng 2 tháng mỗi năm. Mục tiêu của thỏa thuận là thúc đẩy các nghiên cứu nâng cao về pin lithium-ion dựa trên công nghệ nano cho xe điện.
Đại diện của trường Harvard đã nói với các nhà điều tra rằng ông Lieber không có thẩm quyền ký kết các hợp đồng như vậy.
Ông Lieber cũng nhận được 1,5 triệu USD khi thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu liên kết tại WUT bằng cách sử dụng tên và logo của Harvard mà không có sự chấp thuận từ lãnh đạo trường Harvard. Khi bị lãnh đạo trường Harvard truy hỏi, ông Lieber đã nói dối rằng WUT tự ý làm như vậy.
> Ngoại trưởng Mỹ lên án ĐCSTQ tìm cách đánh cắp nghiên cứu vắc-xin COVID-19
Theo lời khai, ông Lieber phủ nhận tham gia vào chương trình “Ngàn nhân tài” khi được các nhà điều tra của Bộ Quốc phòng thẩm vấn về các nghiên cứu có yếu tố nước ngoài vào tháng 4 năm 2018. Ông nói rằng ông chưa bao giờ nhận được yêu cầu tham gia chương trình, nhưng ông “không chắc chắn” về cách Trung Quốc ‘phân loại’ ông.
Sau đó, ông Lieber đã gửi email cho cộng sự của mình, nói rằng ông “không ngủ được vì lo lắng” khi tên ông được ghi là giám đốc của phòng thí nghiệm trên trang web của WUT. Ông Lieber cũng nói thêm rằng ông “sẽ cẩn thận về những gì thảo luận với Đại học Harvard” và “không điều gì trong số này được phép chia sẻ với các nhà điều tra của chính phủ.”
Theo một cuộc điều tra tương tự từ NIH vào tháng 11 năm 2018, Charles Lieber đã khiến trường Harvard cung cấp thông tin sai lệch cho NIH rằng ông này không có mối liên hệ chính thức nào với WUT, và ông không tham gia chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc.
Ông Lieber sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm và mức phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh cung cấp thông tin sai.
Chính quyền Mỹ đã tăng cường nỗ lực chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của nhà nước Trung Quốc từ các tổ chức nghiên cứu và học thuật Hoa Kỳ. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy thị thực của sinh viên từ các trường đại học liên kết với quân đội Trung Quốc nhằm giải quyết mối đe dọa gián điệp học thuật.
Cũng trong tháng 5, ba nhà nghiên cứu đã bị bắt với các cáo buộc nói dối về nguồn tài trợ nhận được từ chế độ Trung Quốc.
Một giáo sư tại Đại học Arkansas đã bị bắt vì gian lận hôm 8/5 vì không tiết lộ việc nhận tài trợ từ chương trình “Ngàn nhân tài” và từ và các công ty Trung Quốc. Vài ngày sau, một cựu giáo sư của Đại học Emory cũng bị kết án vì gian lận thuế liên quan đến thu nhập của ông khi tham gia chương trình do Trung Quốc tài trợ.
Một cựu nghiên cứu viên tại Bệnh viện Cleveland, một trong những bệnh viện hàng đầu trên thế giới, cũng đã bị bắt vào hôm 13/5 vì cáo buộc nói dối về việc nhận tài trợ từ các nguồn của Trung Quốc trong khi ông này vẫn nhận hơn 3,6 triệu USD tiền tài trợ từ NIH.
Lê Xuân (theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…