“Gián điệp cát” của TQ đóng giả du khách: Mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ
- Minh Ngọc
- •
Hàng năm, rất nhiều công dân Trung Quốc muốn đến Mỹ du lịch, và Lý Thanh Sơn cũng không ngoại lệ. Ngày 28/6/2019, Lý Thanh Sơn nhập cảnh Nam California bằng visa du lịch Mỹ, theo kế hoạch ông sẽ ở lại Mỹ 10 ngày. Nhưng điều không ai ngờ rằng, người đàn ông này lại là một “gián điệp cát” do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố tình sắp xếp.
Ông Christopher Wray, Giám đốc FBI (Ảnh: Getty Images)
Thế nào là “gián điệp cát”? Cựu chuyên gia FBI Paul Moore hai năm trước đã tiết lộ trên Thời báo New York Times về hoạt động gián điệp “nghìn hạt cát” của ĐCSTQ. Trung Quốc sẽ phái đi 1.000 du khách đến một quốc gia được chỉ định, mỗi người trong số họ được “chỉ huy” thu thập một hạt “cát” (thông tin tình báo). Khi những du khách này trở về nước, họ sẽ trình bày thông tin thu thập được cho chính phủ Trung Quốc. Sau khi thu gom đủ “cát” thành một “tòa tháp”, ĐCSTQ sẽ có được thông tin đầy đủ mà họ muốn.
Ngày 5/1, tờ Quartz đưa tin, Lý Thanh Sơn, trong vai trò một khách du lịch, ngay ngày thứ hai sau khi đến Mỹ (29/6/2019), đã thuê xe ô tô đi đến một cơ sở lưu trữ ở khu vực San Diego gặp gỡ một người không xác định tên tuổi trong hồ sơ tòa án, chỉ gọi là “AB”, người này đã sắp xếp giúp Lý mua một số thiết bị quân sự nhạy cảm.
Một trong những thiết bị mà Lý từng liên hệ với AB để mua chính là Đài phát thanh Harris Falcon III AN/PRC 152A, một danh mục được liệt kê trong Danh sách Đạn dược của Mỹ, phải tuân theo quy định buôn bán vũ khí quốc tế. Điều này có nghĩa là Harris Falcon III phải được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp phép mới có thể tiến hành giao dịch.
Lý Thanh Sơn đề nghị mua nó với giá 50.000 nhân dân tệ (khoảng 7.200 đô la Mỹ) và nói với “AB” rằng đài phát thanh Harris Falcon III AN/PRC sẽ được chuyển đến Tijuana, Mexico (cách San Diego khoảng 30 phút lái xe), sau đó được đưa trở lại Trung Quốc nhằm lách luật của Mỹ.
Theo bài báo, sau cuộc gặp với “AB” cùng ngày, Lý Thanh Sơn đã nhận radio, đặt vào túi của mình và trả khoản tiền 600 đô la đầu tiên. Khi hai bên nghĩ rằng giao dịch đã hoàn tất, nhân viên FBI đã xuất hiện và chặn đứng Lý Thanh Sơn tại hiện trường.
Nhân viên FBI còn phát hiện một đài phát thanh Harris Falcon III AN/PRC thứ hai, một số ăng-ten, thẻ nhớ kỹ thuật số và bản đồ của Căn cứ Không lực Hải quân North Island thuộc sở hữu của Lý Thanh Sơn. Căn cứ Không lực Hải quân North Island nằm ở phía bắc Coronado và là nơi có tổng hành dinh của Các lực lượng Không lực Hải quân và Không lực Hải quân Thái Bình Dương, gồm phần lớn các phi đoàn trực thăng của Hạm đội Thái Bình Dương và một phần của hạm đội hàng không mẫu hạm bờ Tây Mỹ.
Sau khi Lý Thanh Sơn bị thẩm vấn, anh ta thừa nhận rằng một quan chức quân đội của ĐCSTQ đã liên lạc và đưa cho anh ta một danh sách cần thu gom, bao gồm cả đài phát thanh Harris Falcon III AN/PRC.
Lý Thanh Sơn đã bị một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố trong vòng hai tuần sau khi bị bắt. Đến tháng 9, Lý đã nhận tội cố ý xuất khẩu trái phép các mặt hàng quốc phòng. Lý có thể sẽ tuyên phạt 1 triệu đô la Mỹ và bị kết án 20 năm tù. Hiện Lý Thanh Sơn vẫn bị giam giữ và sẽ có phiên điều trần trước khi tuyên án vào ngày 7/2 tới.
Theo Quartz, vụ việc Lý Thanh Sơn bị cáo buộc là gián điệp của Bắc Kinh đã gióng thêm một hồi chuông cảnh báo về hoạt động gián điệp của Trung Quốc gây đe dọa đến an ninh Mỹ.
Hồi năm ngoái, Giám đốc FBI Christopher Wray đã công khai nêu rõ thực tế ĐCSTQ không từ thủ đoạn thu thập thông tin tình báo Mỹ. Trung Quốc đang dùng trăm phương nghìn kế để thực hiện kế hoạch đánh cắp. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã đánh giá thấp mối đe dọa từ Trung Quốc, hiện nay nhiều người đã ý thức được rằng cần đối đãi cẩn thận hơn với mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông nói: “Trung Quốc đi đầu động viên toàn xã hội đánh cắp, thông qua các loại công ty, trường đại học và các tổ chức, cố gắng đánh cắp sự sáng tạo của chúng ta trong khả năng có thể của họ; thông qua cơ quan tình báo, doanh nghiệp nhà nước, thông qua nhiều doanh nghiệp tư nhân thông qua nghiên cứu sinh và học giả, và các nhân viên nhà nước để đánh cắp.”
Ông William Evanina – Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Mỹ (Ảnh: Getty Images)
Ngoài ra, William R. Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia cũng cảnh báo rằng ĐCSTQ vẫn đang tăng cường chiêu mộ người cho các đường dây gián điệp tình báo phi truyền thống. Họ đã tuyển dụng các kỹ sư, doanh nhân và sinh viên để thu thập thông tin. Ông nhấn mạnh: “ĐCSTQ triển khai một cách toàn diện để có được những gì họ cần từ chúng tôi.”
Ông Evanina mô tả vụ việc của Lý Thanh Sơn là một “ví dụ kinh điển” về hoạt động gián điệp của ĐCSTQ, lợi dụng một công dân bình thường nhằm mua bán các thiết bị quân sự bị cấm ở Mỹ. Đáng lo ngại hơn, ĐCSTQ thậm chí còn sử dụng nhiều “đặc vụ” tiến hành cùng một lúc để đảm bảo có thể hoàn thành nhiệm vụ, và đây khẳng định là một mối đe dọa không nhỏ đối với an ninh Mỹ.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa FBI Dòng sự kiện Gián điệp cát gián điệp Trung Quốc