Hiện tại, Myanmar đang tiến hành đánh giá lại công trình cảng Kyaukpyu do Trung Quốc tham gia đầu tư. Quan chức Myanmar cho biết, họ lo lắng một khi Myanmar không thể trả được nợ thì cảng này cuối cùng có thể bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát.
Cảng Kyaukpyu nằm ở bang Rakhine, miền tây Myanmar, số vốn xây dựng cảng này là 7,5 tỉ đô la Mỹ, ngoài ra còn cần thêm 2 tỉ đô la Mỹ để xây dựng khu kinh tế ven cảng này. Công trình này nằm ở điểm đầu của đường dẫn dầu khí thông đến tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) mới được xây dựng, do đó vị trí có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh đưa tin, ý đồ thực sự của chính quyền Trung Quốc là đánh thông một hành lang thương mại từ Tây nam bộ Trung Quốc, đi qua Myanmar nối thẳng ra Ấn Độ Dương, và cảng Kyaukpyu là một mắt xích quan trọng trong hành lang này, để cho doanh nghiệp Trung Quốc có thể đi vòng qua eo biển Malacca khi cần thiết.
Năm 2015, Tập đoàn CITIC là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã thắng thầu công trình này, Trung Quốc chiếm 70% cổ phần, trong khi chính phủ Myanmar và doanh nghiệp địa phương chỉ chiếm 30%.
Sean Turnell, Cố vấn kinh tế cấp cao của chính phủ Myanmar cho biết, lấy tỉ lệ nắm giữ cổ phẩn để tính, trong công trình này, Myanma cần phải gánh vác số nợ khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, tương đương với khoảng 3% GDP của nước này, việc này sẽ làm “tăng mạnh số nợ của Myanmar”.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời của ông Soe Win, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trung ương của đảng chấp chính Liên minh Dân chủ tại Myanmar cho biết, khác với việc Myanmar có được khoản vay từ chính phủ Nhật Bản, “vay nợ của Trung Quốc sẽ đắt hơn nhiều, số lãi cũng tương đối lớn”. Ông nói: “Trung Quốc đang có ý đồ gây ảnh hưởng đến chính trị của Myanmar, điều chúng tôi lo lắng là, kết cục của chúng tôi sẽ giống như Sri Lanka”.
Thời báo Á châu (Asia Times) cho biết, cùng với việc chính phủ Myanmar ngày càng nhìn rõ ý đồ của Trung Quốc, nước này đã bắt đầu cảm thấy lo lắng đối với việc chính quyền Trung Quốc đầu tư số vốn lớn vào nước mình. Ông Sean Turnell, Cố vấn kinh tế cấp cao của chính phủ Myanmar nói, việc đầu tư 7,5 tỉ đô la Mỹ vào công trình này là “điên rồ” và “xằng bậy”, “nó vượt xa rất nhiều so với quy mô đầu tư cần thiết để xây dựng một bến cảng”, chính phủ Myanmar cần phải lưu ý đến vấn đề này.
Báo cáo gần đây chỉ ra, hiện tại, công trình này đang được chính phủ Myanmar thẩm tra lại. Công trình này được công bố lần đầu tiên vào năm 2007, khi đó, Myanmar chưa suy xét cẩn thận đến trách nhiệm của Trung Quốc.
Thời báo Tài chính đưa tin, một quan chức nắm rõ tình hình thảo luận nội bộ của Myanmar nói thẳng, công trình này mang đến cơn “ác mộng” đối với những nhà hoạch định chính sách, họ lo lắng, nếu Myanmar không trả được nợ, thì cảng này có thể sẽ bị Trung Quốc kiểm soát.
“Nếu công trình vận hành không tốt, thì sẽ có rủi ro là làm trái với thỏa thuận, cảng này có thể sẽ biến thành sở hữu của Trung Quốc”, vị quan chức này nói.
Ngoài cơ sở hạ tầng, năm 2013, chính quyền Trung Quốc còn cho Myanmar vay khoản tiền lên đến gần 200 triệu đô la Mỹ để mua sắm “thiết bị máy móc cơ giới dùng cho nông nghiệp”. Nhưng một học giả kinh tế của Myanmar chia sẻ với Thời báo Á châu rằng: “Trên thực tế không có một đô nào vượt qua được biên giới Trung Quốc. Tất cả khoản vay đều phải dùng để mua các thiết bị Trung Quốc, cuối cùng chứng minh số tiền này không mục đích gì tốt”.
Số nợ này đến nay vẫn đang trả. Nếu như cảng Kyaukpyu được tiến hành theo đúng kế hoạch, Myanma sẽ phải gánh nhiều nợ của Trung Quốc hơn nữa. Nhà chỉ trích nói, công trình cảng Kyaukpyu trên thực thế là phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc nhiều hơn.
Thời báo Á châu đưa tin nói, hiện tại Myanmar có thể đối mặt với rơi vào rủi ro bẫy nợ của Trung Quốc. Khi nước này không thể trả được nợ cho Trung Quốc, thì sẽ bị ép phải nhượng bộ về chủ quyền. Ví dụ điển hình nhất chính là cảng Hambantota của Sri Lanka đã rơi vào tay Trung Quốc.
Tháng 12 năm ngoái, do Sri Lanka không thể trả được nợ cho Trung Quốc, nên đành phải nhượng lại quyền kiểm soát cảng Hambantota (một cảng chiến lược của Sri Lanka) cho Trung Quốc. Những nhà chỉ trích chính phủ Srilanka đã lên án hành động làm tổn hại đến chủ quyền của đất nước.
Một nước nhỏ ở châu Phi là Djibouti hiện tại cũng cần phải trả nợ do Trung Quốc cho vay để xây dựng bến cảng, đường sắt, sân bay và đường ống dầu khí.
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), số tiền vay này ít nhất là 1,1 tỉ đô la Mỹ. Một công ty phân tích rủi ro cho biết, số nợ này quá khả năng chi trả được của Djibouti.
Ngày 4/3/2018, Trung tâm Phát triển toàn cầu (Center for Global Development) tại Washington đã công bố một bản báo cáo nghiên cứu và chỉ ra, tính đến cuối năm 2016, trong tất cả khoản nợ nước ngoài của Djibouti có đến 82% là nợ Trung Quốc.
Huệ Anh
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…