Vào tuần tới, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ có chuyến công du tới Ấn Độ, một đối tác quan trọng trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại Trung Quốc.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới nền dân chủ lớn nhất thế giới với tư cách là ngoại trưởng của Tổng thống Joe Biden. Ông Blinken dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Narendra Modi và Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar vào thứ Tư (28/7).
Sau đó, ông Blinken cũng sẽ đến thăm Kuwait từ ngày 26-29/7 trước khi kết thúc chuyến đi.
Washington coi Ấn Độ là quốc gia quan trọng trong nỗ lực giúp Hoa Kỳ chống lại các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở châu Á và các nơi khác.
Chuyến đi của ông Blinken diễn ra sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới Trung Quốc. Nó cũng trùng với chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Bộ Ngoại giao cho biết, chương trình nghị sự của ông Blinken sẽ bao gồm “sự tham gia của Hoa Kỳ vào chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, chia sẻ lợi ích an ninh khu vực, chia sẻ các giá trị dân chủ, và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu cũng như ứng phó với đại dịch virus corona.”
Ông Blinken cũng có khả năng sẽ thảo luận về kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của nhóm Bộ Tứ Kim Cương, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Cuộc họp này dự kiến sẽ tập trung vào các cách phát triển cơ sở hạ tầng khu vực đối mặt với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm Bộ Tứ hồi tháng 3. Tại đó, các nước đã đồng ý rằng nhà sản xuất thuốc Ấn Độ Biological E Ltd sẽ sản xuất ít nhất một tỷ liều vắc-xin ngừa virus corona vào cuối năm 2022, chủ yếu cho các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đây là khu vực đã đang chứng kiến các ca nhiễm COVID-19 gia tăng đột biến và là nơi Washington đã đang cạnh tranh trong lĩnh vực ngoại giao vắc-xin với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ – nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, sau đó đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bệnh thảm khốc nên đã phải tạm dừng xuất khẩu vắc-xin.
Washington đã gửi nguyên liệu thô làm vắc-xin, thiết bị y tế và đồ bảo hộ đến Ấn Độ. Ấn Độ dự kiến sẽ nhận được 3-4 triệu liều vắc-xin do Mỹ sản xuất vào tháng 8.
Ông Blinken nói với đài MSNBC hôm thứ Sáu rằng: “Ấn Độ là một quốc gia rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19,” đồng thời nói thêm rằng nước này cuối cùng sẽ trở thành nguồn cung cấp vắc-xin quan trọng cho thế giới.
“Dễ hiểu là họ đang cần tập trung vào những thách thức nội bộ của chính họ, nhưng khi bộ máy sản xuất đó hoạt động trở lại hoàn toàn và có thể phân phối lại cho thế giới, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.”
Ông Dean Thompson, quyền trợ lý thư ký về các vấn đề Nam và Trung Á của Bộ Ngoại giao, cho biết Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ đề cập đến hồ sơ nhân quyền của Ấn Độ trong chuyến đi.
Khi được hỏi trong một cuộc trao đổi qua điện đàm với các phóng viên về việc Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề nhân quyền ở mức nào trong chương trình nghị sự, đặc biệt trong bối cảnh đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu của ông Modi đang đề ra luật quốc tịch nhưng bị cáo buộc là gây phân biệt đối xử với người Hồi giáo, ông Thompson trả lời rằng Hoa Kỳ “sẽ nêu lên vấn đề này.”
Tiến Minh (theo Reuters)
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…