Thế Giới

Nguy hiểm tiềm ẩn lớn nhất của Ukraine nằm ở chính trị, không phải quân sự – The Economist

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm, và Tổng thống Mỹ Donald Trump – người hiện đang thúc đẩy hòa đàm – dường như đã mất kiên nhẫn với Ukraine, nhiều lần kêu gọi nước này nên tổ chức bầu cử. Truyền thông Anh The Economist mới đây đăng bài viết nổi bật, cho rằng quyền lực của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày càng bành trướng và ông thường xuyên mắc sai lầm; vấn đề lớn nhất của Ukraine có thể không còn nằm ở mặt quân sự mà là ở chính trị.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp mặt với Friedrich Mertz (Đức) (ảnh từ video, 9/12/2024)

The Economist: Zelensky ngày càng tập trung quyền lực, hiểm họa lớn nhất của Ukraine có thể nằm ở chính trị chứ không phải quân sự

Ngày 16/4, tạp chí The Economist của Anh đăng bài viết mang tiêu đề “Quyền lực ở Ukraine đang bị thâu tóm”, nhận định rằng kể từ sau khi Nga tấn công Ukraine, nhiều người Ukraine theo xu hướng tự do và ôn hòa rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nếu phơi bày sự bất tài, tham nhũng hoặc yếu kém trong quản lý của chính phủ thì có nguy cơ làm suy giảm sự ủng hộ quốc tế dành cho Kyiv; nhưng nếu giữ im lặng thì lại đồng nghĩa với việc chấp nhận việc Tổng thống Zelensky dần dần thâu tóm quyền lực, điều này đôi khi lại làm suy yếu hiệu quả của Ukraine và thậm chí làm phản tác dụng trong nỗ lực chiến tranh.

Tổng biên tập báo điện tử độc lập ZN.UA của Ukraine – bà Yulia Mostovaya – nói: “Khi các phương tiện truyền thông phương Tây và các lãnh đạo châu Âu tung hô Zelensky như một anh hùng và giúp ông nổi tiếng, chúng tôi cảm thấy như bị trói chặt.”

(Ảnh chụp màn hình bài viết trên The Economist)

Tổng biên tập của một tờ báo mạng quan trọng khác là “Ukrainska Pravda” (Sự thật Ukraine) – bà Sevgil Musaeva cho biết: Văn phòng tổng thống không giải quyết căn nguyên của vấn đề do báo chí điều tra đưa tin, mà thay vào đó lại hạn chế phỏng vấn, gây áp lực với các nhà quảng cáo, thậm chí xem việc tiếp xúc với phóng viên là hành vi phản quốc.

Một quan chức Ukraine giấu tên nói rằng: “Khi ông Zelensky cảm thấy không còn đối thủ nữa, điều đó có nghĩa là kỳ bầu cử đang đến gần.”

The Economist nhận định chính quyền của Zelensky dường như cũng đang tăng tốc kiểm soát để chuẩn bị cho điều này.

Lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất Ukraine, cựu Tổng thống Petro Poroshenko, vào tháng Hai năm nay đã bị áp dụng lệnh trừng phạt chỉ vì một cáo buộc “đe dọa an ninh quốc gia” mơ hồ, bị đóng băng tài sản và còn bị khởi tố tội phản quốc. Các nhà phê bình cho rằng việc truy tố này là một công cụ chính trị nhằm loại ông khỏi cuộc đua tranh cử.

Các nhà hoạt động xã hội dân sự cũng bị ảnh hưởng. Ông Vitaly Shabunin, một nhà hoạt động chống tham nhũng, từng tham gia quân đội từ đầu chiến tranh, vẫn tiếp tục vạch trần các vụ tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Ukraine, và vì vậy đã trở thành mục tiêu bị đàn áp. Gần đây, ông bị điều ra tiền tuyến vì một cuộc điều tra, và mọi hoạt động thường ngày của ông đều được báo cáo lại cho nhà chức trách.

The Economist chỉ ra rằng dưới danh nghĩa “hiệu quả”, Chính phủ Kyiv đang dồn quyền lực từ các cơ quan chính thức và Quốc hội về tay một nhóm nhỏ các quan chức không qua bầu cử gần gũi với tổng thống, bao gồm Chánh văn phòng Andriy Yermak, cố vấn của ông Zelensky – Dmytro Lytvyn, và người giám sát các cơ quan an ninh Oleh Tatarov.

Những người trung thành với ông Zelensky thường được bổ nhiệm vào các vị trí béo bở như hội đồng quản trị các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, những người có chính kiến mạnh mẽ, có tỷ lệ ủng hộ cao hoặc có quan hệ trực tiếp với phương Tây lại lần lượt bị cách chức hoặc bị đẩy ra rìa. Ví dụ điển hình là cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, ông Valery Zaluzhny, người rất được dân chúng ủng hộ, đã bị cách chức vào tháng 2/2024 và được điều đi làm Đại sứ tại Anh.

Trước đó, báo The Hill của Mỹ đưa tin rằng chính quyền Ukraine đã cấm nhiều đảng đối lập và phong tỏa một số phương tiện truyền thông, khiến dư luận quốc tế bắt đầu nghi ngờ liệu quốc gia vốn tự xưng là một nền dân chủ này có còn duy trì được các giá trị dân chủ cơ bản hay không.

Ukraine dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2024, nhưng do tình trạng thiết quân luật vẫn đang tiếp diễn, cuộc bầu cử đã bị hoãn vô thời hạn. Chính phủ của Zelensky giải thích rằng: “Không thể tiến hành bầu cử dân chủ trong thời chiến”. Tuy nhiên, các nhà phê bình đặt câu hỏi: Điều đó có đồng nghĩa với việc quyền chính trị của người dân bị tước bỏ vô thời hạn?

Truyền thông Mỹ: Canh bạc đẫm máu của Zelensky – Một con đường bị quyền lực che mờ lý trí, dẫn đến khi Ukraine cạn giọt máu cuối cùng

Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được các phương tiện truyền thông phương Tây tô vẽ thànhChurchill của Kyiv”, là một anh hùng kiên định, quyết không đầu hàng. Thế nhưng, khi chiến sự bước sang năm thứ ba, tiền tuyến ngày càng bất lợi và đất nước ngày càng bị tàn phá, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi: Cuộc chiến này thực sự vì sự sống còn của Ukraine, hay là vì sự nghiệp chính trị của riêng ông Zelensky?

Trong bài viết đăng hồi tháng Hai năm nay trên The Hill, tác giả John Mac Ghlionn đã có những phân tích sắc bén về vai trò của ông Zelensky trong cuộc chiến này.

Bài viết đăng hồi tháng Hai trên The Hill, tác giả John Mac Ghlionn. (Ảnh chụp màn hình)

Tác giả thẳng thắn cho rằng chiến tranh chính là con đường duy nhất để ông Zelensky duy trì quyền lực, và ông đang bước đi trên một con đường bị quyền lực che hai mắt, một con đường mà dù đất nước đang sụp đổ, ông vẫn không buông tay.

Tác giả viết, từ một diễn viên hài kịch trở thành tổng thống thời chiến, ông Zelensky nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc tế. Song, sự ủng hộ rộng rãi mà ông có được trong giai đoạn đầu chiến tranh đang dần tan biến bởi các thất bại trên chiến trường và bất ổn trong nước.

Gần đây, chính quyền Ukraine gia tăng cưỡng bức nhập ngũ, thậm chí xuất hiện cảnh tượng bắt ép nam giới trong độ tuổi quân sự ngay trên đường phố, nhiều đoạn video lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, làm dấy lên làn sóng chỉ trích về nhân quyền.

Song song đó, ông Zelensky tiếp tục gia hạn thiết quân luật và hoãn bầu cử, điều này khiến người dân không có cơ hội lựa chọn lãnh đạo mới trong thời chiến. Bài viết chỉ ra, nhiều nhà phân tích tin rằng việc kéo dài chiến tranh không chỉ để bảo vệ Ukraine, mà còn là điều kiện sống còn đối với sự nghiệp chính trị của ông Zelensky. Bởi một khi chiến tranh kết thúc, quyền lực của ông cũng có thể không cách nào duy trì được. 

Chính quyền Biden và các đồng minh châu Âu vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng lại giữ im lặng trước những diễn biến chính trị nội bộ nước này.

Hiện Ukraine đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu binh lính, trong khi quân Nga vẫn liên tục áp sát và chiếm lợi thế ở mặt trận phía Đông. Trong bối cảnh đó, sức ép chính trị và xã hội trong nước Ukraine cũng ngày một gia tăng. Một số quan chức bắt đầu đặt nghi vấn về khả năng tiếp tục chiến tranh, trong khi người dân thì ngày càng bi quan về tương lai. Chính phủ Ukraine lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu tiếp tục chiến tranh, cần siết chặt hơn việc huy động nhân lực và tài nguyên; nhưng nếu đàm phán hoặc tìm kiếm hòa bình, tính chính danh và sự ổn định của chính quyền có thể bị lung lay.

Tác giả nhấn mạnh, trong lịch sử từng có nhiều nhà lãnh đạo chọn tiếp tục chiến tranh khi quyền lực bị đe dọa, thay vì thỏa hiệp – chẳng hạn như Napoleon sau thất bại ở Nga vẫn lao vào cuộc chiến, khiến nước Pháp lún sâu vào khủng hoảng; Saddam Hussein dù sắp thua vẫn cố bám giữ quyền lực và cuối cùng kết thúc trong bi kịch; hay Muammar Gaddafi tại Libya từ chối nhượng bộ và bị giết trong nội chiến.

Tác giả cho rằng những nhà lãnh đạo ấy có điểm chung là khi quyền lực bị đe dọa, họ chọn để chiến tranh tiếp diễn thay vì tìm kiếm thỏa hiệp.

Bài viết nhấn mạnh, mặc dù truyền thông phương Tây vẫn miêu tả ông Zelensky như biểu tượng của tự do và dân chủ, nhưng thực tế ở Ukraine đang dần phơi bày. Chiến dịch phản công năm 2023 không thu lại được lãnh thổ đã mất; bước sang 2024, Ukraine lại rơi vào cảnh thiếu viện trợ nghiêm trọng. Mỹ đang giảm hỗ trợ quân sự, còn các quốc gia châu Âu cũng dần cạn kiệt nguồn lực vì khủng hoảng năng lượng và áp lực nội bộ nên cũng không thể cung cấp hỗ trợ không giới hạn.

Lối thoát khả dĩ duy nhất lúc này là đàm phán. Tuy nhiên, chính quyền Zelensky vẫn giữ lập trường cứng rắn khi yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn và không chấp nhận bất kỳ sự mất mát lãnh thổ nào. Trong khi đó, Nga yêu cầu Ukraine phải giữ trung lập và công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát. Hai bên đều không nhượng bộ, khiến đàm phán rơi vào bế tắc, cũng khiến cho chiến tranh không có hồi kết.

Nếu ông Zelensky tiếp tục con đường chiến tranh, Ukraine sẽ cần thêm nhiều binh lính và tài nguyên, có thể dẫn tới việc đẩy mạnh cưỡng bức nhập ngũ. Tuy nhiên, nếu chọn ngừng bắn, ông có thể phải đối mặt với những thách thức chính trị và thậm chí có thể dẫn đến thay đổi chế độ. Tương lai của cuộc chiến này dường như không chỉ phụ thuộc vào thắng bại trên chiến trường, mà còn phụ thuộc vào những tính toán chính trị và những thay đổi của tình hình quốc tế.

Cuộc chiến ở Ukraine đang bước sang năm thứ ba nhưng hòa bình vẫn còn xa vời.

Tác giả kết luận: “Một nhà lãnh đạo có lý trí cần nhìn rõ hiện thực, đối mặt với sự thật không thể né tránh, và đưa ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết, đó là ngồi xuống bàn đàm phán, để cứu lấy phần còn lại của quốc gia, thay vì để toàn bộ đất nước chìm trong biển lửa”. “Nhưng Zelensky đã chọn một con đường khác, con đường bị quyền lực che mờ đôi mắt, phớt lờ hậu quả, phớt lờ nỗi thống khổ của người dân, cho đến khi Ukraine cạn giọt máu cuối cùng.”

Trí Đạt (theo The Economist, The Hill)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Bộ Công Thương bất ngờ thu hồi quyền cấp chứng nhận xuất xứ của VCCI

Bộ Công thương rút quyền cấp C/O của VCCI, bàn giao cho Cục Xuất nhập…

1 giờ ago

Trung Quốc trừng phạt một số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ vì ủng hộ nhân quyền

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (21/4) đã công bố lệnh trừng phạt…

2 giờ ago

Hà Nội: 20 tấn gà ủ muối, nội tạng gia cầm không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Theo công an Hà Nội, 20 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc bị thu…

2 giờ ago

Phu nhân ông Lý Hiển Long chia sẻ bài viết ví ông Tập Cận Bình “như trùm mafia”

Phu nhân của cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chia sẻ trên Facebook…

3 giờ ago

Hoàng Trình Thanh và 7 kế sách giúp nhà Lê Sơ

Trải qua 4 đời Vua, Hoàng Trình Thanh đã ra các kế sạch giúp ổn…

3 giờ ago

Sự kiên trì của các học viên Pháp Luân Công là để đánh thức thế giới – Cựu doanh nhân TQ

Cựu doanh nhân Thượng Hải, ông Hồ Lực Nhiệm, cho biết sự kiên trì của…

4 giờ ago