Khi chiến tranh Nga – Ukraine tiếp tục nóng lên, Mỹ đã tăng cường viện trợ cho Ukraine, nhưng không giảm bớt sự ủng hộ đối với Đài Loan bằng việc cử một số cựu quan chức quân sự và an ninh đến thăm Đài Loan. Một số chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc vẫn là mối đe dọa chính, và lập trường chiến lược mơ hồ của Mỹ đối với Đài Loan đáng được xem xét lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai (ngày 28/2) đã chỉ định một phái đoàn lưỡng đảng cấp cao thăm Đài Loan. Các thành viên của phái đoàn bao gồm cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Meghan O’Sullivan, và cựu Thứ trưởng Quốc phòng (trong nhiệm kỳ ông Obama) Michele Flournoy và hai cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng phụ trách châu Á, Mike Green và Evan Medeiros.
Văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết, vào thời điểm tình hình Ukraine trở nên trầm trọng, chuyến thăm này đã chứng tỏ mối quan hệ Đài Loan – Mỹ “vững như bàn thạch”.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm Chủ nhật đã kêu gọi Mỹ từ bỏ chiến lược mơ hồ trước đây đối với Đài Loan, chuyển thành nói rõ ràng lập trường Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 28/2 cho biết, Đài Loan là việc của Trung Quốc, không phải việc của Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Nhật Bản ngừng “hành động khiêu khích và gây rắc rối”.
Ông Ian Easton, giám đốc cấp cao của Viện Dự án 2049 tại Mỹ, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) trong một email, rằng bài học cốt lõi của cuộc chiến Nga – Ukraine là sự mơ hồ chiến lược không hiệu quả, dễ bị tấn công, các nền dân chủ mong manh rất nguy hiểm một khi bị cô lập.
Ông Eastian nói: “Theo tôi, Tổng thống Biden nên cử các quan chức cấp cao của chính mình đến thăm Đài Loan chứ không phải ai đó bên ngoài chính quyền hiện tại. Ông ấy nên có một cuộc điện đàm với Tổng thống Thái Anh Văn và công bố thông tin cho công chúng. Ông ấy nên cử tàu khu trục của hải quân Mỹ vào cảng. Ông ấy nên ra lệnh cho quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành tập trận song phương với Đài Loan. Để khôi phục sức răn đe, quân đội Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta phải xây dựng một cơ chế an ninh tập thể giống NATO ở châu Á để bảo vệ tất cả các nền dân chủ, đặc biệt là Đài Loan.”
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thăm Đài Loan từ ngày 2/3 đến 5/3. Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng thuộc Viện An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, nói với VOA rằng Mỹ đã gửi tín hiệu vỗ về các đồng minh Ấn Độ – Thái Bình Dương, và Đài Loan nên thể hiện quyết tâm bảo vệ chính mình.
“Hiện tại cái gọi là mơ hồ chiến lược theo quan sát của tôi là ‘mang tính xây dựng một cách rõ ràng’. Tài liệu chính thức không nói là giúp bảo vệ Đài Loan, nhưng ngôn ngữ chính thức cho thấy đó là để giúp phòng vệ Đài Loan. Đây là một loại nghệ thuật ngoại giao, văn kiện không nói, dùng diễn thuyết và chỉ thị để nói. Tất nhiên, chúng ta hy vọng có thể đi theo hướng rõ ràng hơn, đó là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn hành vi gây xâm lược. Khi ông Pompeo và ông Green đến Đài Loan, Đài Loan phải đặc biệt thể hiện quyết tâm và ý chí tự vệ chứ không phải là thái độ đi nhờ xe.”
Nga đã xâm lược Ukraine ngày thứ Năm (ngày 24/2) và vẫn chưa chiếm được Kiev. Vào ngày 28/2, sau khi vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên ở biên giới với Belarus kết thúc, một tiếng nổ khác đã vang lên ở Kiev.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết tại cuộc họp giao ban hôm thứ Hai (ngày 28/2), lý do chính khiến quân Nga tiến chậm là do không đủ nguồn cung cấp hậu cần và sự kháng cự cứng rắn của người Ukraine. Ước tính có khoảng 120.000 quân Nga hiện đã tiến vào Ukraine, thực hiện 380 cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại Washington, đã công bố một báo cáo vào ngày 27/2. Báo cáo chỉ ra rằng kế hoạch ban đầu của Nga, nhằm phá hủy hệ thống phòng thủ của Ukraine với một số lượng nhỏ quân đội, đã thất bại. Hiện họ hiện đang điều chỉnh lại, sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lớn hơn, khó khăn hơn và kéo dài hơn. Phía Nga có thể huy động thêm không quân và pháo binh, kể cả tấn công Kiev bằng pháo hạng nặng.
Ông Tô Tử Vân cho rằng quân đội Nga đã đánh giá thấp kẻ thù trong giai đoạn đầu, ảo tưởng lặp lại mô hình Đức tấn công Pháp trong Thế chiến thứ Hai. “Nga muốn phát động cuộc chiến chớp nhoáng. Trên thực tế, mùa này không thích hợp cho lực lượng cơ giới Nga hoạt động. Băng tuyết của Ukraine đang tan chảy, đó là lý do tại sao chúng ta thấy quân đội Nga bị tiêu diệt trên đường cao tốc. Nga sử dụng đạn dược chính xác để tấn công các thành phố của Ukraine, hy vọng sẽ tiêu diệt tinh thần của người dân Ukraine, khiến họ nhanh chóng đầu hàng, bây giờ có vẻ như canh bạc của Putin đã thất bại.”
Ông Tô Tử Vân chỉ ra rằng ông Putin thông qua việc “bảo vệ Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine” làm cái cớ để xuất binh. Có thể coi như sự tái hiện “thời khắc nhà Mãn Châu” năm 1936, Đài Loan cần rút ra bài học, và tấn công các tổ chức thân Cộng trong nội bộ để phòng Tập Cận Bình mượn cơ hội xâm lược Đài Loan.
Đối mặt với chế tài của phương Tây, ngày 17/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lệnh răn đe hạt nhân vào tình trạng báo động cấp cao. Chia sẻ với VOA, ông Kỳ Lạc Nghĩa, một chuyên gia quân sự Đài Loan đã đóng quân ở Bắc Kinh 22 năm cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên, nó không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân. Với vũ khí thông thường thì cũng không có một cuộc chiến lớn, tại sao lại đột nhiên chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân? Toàn thế giới không có ai dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa Nga.”
Theo “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Ukraine” ký năm 2013, Trung Quốc cần cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh tương ứng trong trường hợp có mối đe dọa hạt nhân đối với Ukraine.
Ông Kỳ Lạc Nghĩa cho rằng lính dù Nga đã thực hiện một chiến dịch không kích thất bại tại sân bay Antonov, cách thủ đô Kiev khoảng 25 km, Trung Quốc có thể coi đó là bài học.
“Nếu Nga có thể chiếm lấy sân bay này bằng các phương thức đột kích và nhảy dù, sau đó đưa quân xung kích tiến vào theo từng lớp, và từ từ tiến vào với các tiểu đoàn, trung đoàn và lữ đoàn, kết quả cuộc chiến có thể được mở rộng dần dần. Rõ ràng là bước này đã không đạt được và xuất hiện kẽ hở về sức mạnh chiến đấu. Nga muốn dùng chiến thuật ‘bung ra từ trung tâm’ gần Kiev trong thời gian ngắn nhất có thể, tiến thẳng vào trung tâm Ukraine từ bên ngoài và thực hiện các hoạt động trảm tướng. Nhưng không một thành phố nào ở Ukraine bị hạ gục hoàn toàn và quyền kiểm soát trên không dường như cũng không có. Kiểu tấn công này là hiệu quả nhất nhưng cũng rủi ro nhất, và đòi hỏi mức độ hợp lực cao. Nếu Trung Quốc muốn nhân rộng, sẽ khó khăn hơn nếu dùng chiến thuật ‘bung ra từ trung tâm’ gần Đài Bắc, độ khó khi bay qua biển và hạ cánh thẳng đứng sẽ rất lớn.”
Ông Kyle Mizokami, một nhà quan sát của tạp chí Popular Mechanics của Mỹ và là nhà bình luận quân sự Nhật Bản chỉ ra, ngoại giới cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các cuộc không kích quy mô lớn như một trong những cách đổ bộ vào Đài Loan trong quá khứ, chiến dịch Sân bay Antonov có thể khiến Trung Quốc nhận ra rủi ro khi tập kích bằng đường không, và tăng cường đóng các tàu chiến đổ bộ.
Ông Tô Tử Vân cho rằng so với Ukraine, Đài Loan có lợi thế về địa chiến lược và địa hình, kết hợp với nguồn lực quốc phòng nên có cơ hội lớn để ngăn chặn hành động mạo hiểm quân sự của quân đội ĐCSTQ.
“Thứ nhất, hình thái toàn bộ chiến trường là khác nhau. Ukraine là chiến trường trên bộ, Đài Loan là chiến trường trên biển và trên không, và các phương pháp phòng thủ cũng khác nhau. Thứ hai, các đồng minh tiềm năng can thiệp vào vấn đề eo biển Đài Loan tương đối dễ dàng, không chiến và hải chiến ở eo biển Đài Loan chủ yếu dựa vào khoa học kỹ thuật. Thứ ba là do ở eo biển này, Đài Loan may mắn hơn Ukraine, đối phương đi bộ hay lái xe tăng qua biên giới cũng khó, vẫn là đổ bộ qua đường biển. Trong quá trình này, Đài Loan có cơ hội lớn phòng ngự hành công.”
Lực lượng dân quân Ukraine đã tuyển mộ hơn 100.000 thành viên tình nguyện để cầm vũ khí bảo vệ quê hương, điều này khơi dậy sự chú ý của ngoại giới về Lực lượng dự bị Đài Loan.
Ông Francis Fukuyama, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Stanford, đã chỉ ra trong một bài giảng vào ngày 26/2 rằng sự khác biệt quan trọng nhất giữa Ukraine và Đài Loan là người Ukraine sẵn sàng đứng lên bảo vệ chính mình hơn.
Về những gợi ý cho quốc phòng Đài Loan từ cuộc chiến Ukraine, ông Kỳ Lạc Nghĩa cho rằng: “Đầu tiên, nhất định phải ngưng tụ ý chí chống kẻ thù. Kể từ khi luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được công bố và thực thi, phần lớn người dân ở Đài Loan đều nhìn thấy rất rõ. Lần này qua việc Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga, hầu hết người Đài Loan đều cảm thấy rằng quốc gia của mình thì phải tự mình cứu. Thứ hai, lực lượng thường trực và lực lượng dự bị phối hợp huy động hiệu quả, lực lượng thường trực gần 200.000, và lực lượng dự bị cũng nên được huy động lên 500.000, và huy động trong thời gian ngắn nhất. Thứ ba, từ quan điểm của lần (chiến tranh) này, quyền kiểm soát trên không là tối quan trọng, và hệ thống phòng không và lực lượng phòng không của Đài Loan phải được thiết lập sẵn.”
Ông Tề Lạc Nghĩa nhấn mạnh rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa Đài Loan và Ukraine là Mỹ có “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và “Sáu đảm bảo”, Mỹ và Đài Loan hiện giờ cần bắt đầu đàm phán chuẩn bị: về việc liên kết các mức độ sẵn sàng chiến đấu, thiết lập một nền tảng khuôn khổ cho các hoạt động tác chiến liên hợp và các thỏa thuận liên lạc chung, cho phép Đài Loan tham gia vào liên kết dữ liệu của Mỹ để chia sẻ thông tin tình báo chiến trường.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chia sẻ một kinh nghiệm khó quên của…
Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Trang trí Da ô tô Quốc Lợi…
Ông Mike Waltz, đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đắc…
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.