Tờ WSJ (Wall Street Journal) đưa tin rằng Đài Loan là quê hương của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC và tiếp giáp với một trong những tuyến vận chuyển đông đúc nhất thế giới. Nếu Trung Quốc chặn Đài Loan sẽ gây tác động lớn đến hoạt động thương mại toàn cầu.
WSJ nhìn lại vấn đề Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan trong tháng này để thể hiện sự ủng hộ đối với Chính phủ Đài Loan, khiến nhà chức trách Trung Quốc đã lên án và tổ chức các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, sử dụng máy bay quân sự, tàu và tên lửa để chứng tỏ khả năng phong tỏa hòn đảo của phía Trung Quốc.
Không chỉ vậy, vào ngày 15/8 lại có một số thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ đã bay đến Đài Loan và gặp Tổng thống Thái Anh Văn hôm 16/8, động thái được cho là có thể làm bùng phát thêm căng thẳng. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản ứng: “Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả kiên quyết trước hành động khiêu khích của Mỹ”.
Về vấn đề này, WSJ đã liệt kê một số câu hỏi và lý giải liên quan căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan, cho hay những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với thương mại toàn cầu nếu Trung Quốc cố gắng phong tỏa Đài Loan.
Việc Trung Quốc phong tỏa Đài Loan sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu và dẫn đến leo thang giá vận chuyển hàng hóa ở châu Á và các khu vực khác, vì Đài Loan với dân số khoảng 23 triệu người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Đài Loan cung cấp khoảng 70% vi mạch trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hóa như điện thoại thông minh, máy tính và ô tô, đồng thời cũng tiếp giáp với một số tuyến đường thủy ở Thái Bình Dương như tuyến đường thiết yếu của Đông Á giao thương hàng hóa hàng nghìn tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Gareth Leather tại Capital Economics đã viết trong tuần này: “Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đài Loan chỉ chiếm 1% tổng sản phẩm thế giới, nhưng tầm quan trọng của Đài Loan đối với nền kinh tế thế giới thì lớn hơn rất nhiều”.
Ông chỉ ra rằng việc Đài Loan thiếu xuất khẩu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chip cho ô tô và sản phẩm điện tử, đồng thời đẩy áp lực lạm phát lên cao.
Đài Loan rất quan trọng vì là nơi có xưởng đúc lớn nhất thế giới TSMC, nhà máy sản xuất chất bán dẫn cho các công ty như Apple Inc. và Qualcomm.
Công ty nghiên cứu Gartner Inc. chỉ ra rằng trong thị trường sản xuất chất bán dẫn toàn cầu trị giá 100 tỷ USD vào năm ngoái, TSMC chiếm hơn một nửa.
Theo một báo cáo năm 2021 của Tập đoàn Tư vấn Boston (Boston Consulting Group) và Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (Semiconductor Industry Association), sự gián đoạn nguồn cung chip trong một năm của Đài Loan có thể khiến các công ty điện tử toàn cầu thiệt hại khoảng 490 tỷ USD.
Báo cáo nêu trên đề cập rằng nếu sản lượng chip của Đài Loan bị gián đoạn vĩnh viễn, sẽ mất ít nhất 3 năm và tốn 350 tỷ USD để xây dựng năng lực sản xuất ở các khu vực khác bù đắp.
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chip và gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, trong khi Đài Loan đang ở vị trí thống trị trong ngành công nghiệp chip, các cường quốc phương Tây hiện cũng đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào chất bán dẫn của Đài Loan.
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD để cuối cùng tăng sản lượng chip trong nước và tăng cường khả năng cạnh tranh với châu Á.
Gần đây Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký “Đạo luật CHIP”, qua đó TSMC cũng là bên được ưu đãi từ kinh phí mà luật cung cấp. TSMC hiện đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, và cũng đã đầu tư 7 tỷ USD vào một nhà máy ở Nhật Bản.
CEO Soren Skou của tập đoàn vận tải biển khổng lồ A.P. Moeller-Maersk A/S của Đan Mạch, cho biết eo biển Đài Loan là một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới, và việc phong tỏa eo biển đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình vận chuyển hàng hóa thế giới.
Nhà phân tích chỉ ra rằng trong trường hợp chuyển tuyến thì do thời gian vận chuyển dài hơn khiến các công ty vận chuyển có thể cần sử dụng nhiều nhiên liệu hơn và nhiều nhân sự hơn, khiến chi phí gia tăng đó có khả năng chuyển cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo luật pháp quốc tế thì phong tỏa là một trong những hành động chiến tranh, từ mức độ lớn là việc phong tỏa hoàn toàn người và hàng hóa đến và đi từ Đài Loan cho đến nỗ lực nhỏ hơn như chặn một số loại phương tiện giao thông hoặc hàng hóa ra vào Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc tuần tra trên không và trên biển, đặt mìn hoặc thậm chí phá hủy các sân bay và cảng. Ngay cả khi chỉ một thông báo về lệnh phong tỏa cũng có thể khiến các hãng hàng không và các công ty vận chuyển phải chuyển hướng do thận trọng.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng nếu Trung Quốc cố gắng phong tỏa Đài Loan, ngoài chi phí quân sự và địa chính trị, thì còn đó trở ngại lớn đối với chính quyền Trung Quốc là bản thân Trung Quốc phụ thuộc vào Đài Loan về thương mại và việc làm.
Trung Quốc dựa vào chip TSMC cho các ứng dụng công nghiệp và máy tính tiên tiến. Các công ty Đài Loan như nhà lắp ráp iPhone lớn nhất Foxconn là những nhà cung cấp cơ hội việc làm chính cho khu vực tư nhân địa phương ở Trung Quốc. Ngoài ra, Đài Loan còn là cửa ngõ vận chuyển chiến lược của Trung Quốc ra Thái Bình Dương.
Giám đốc nghiên cứu Yang Ruilin tại Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp (Industrial Technology Research Institute) của Đài Loan cho biết: “Nếu xảy ra xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan sẽ làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng, khiến ngay cả chiến lược đầy tham vọng của chính Trung Quốc cũng sẽ bị gián đoạn”.
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…