Ông Tập Cận Bình đến thăm Malaysia ngày 14/4 (Ảnh cắt từ video CCTV)
Trong bối cảnh chiến tranh thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã thăm 3 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Trước khi ông Tập đến Malaysia, an ninh tại địa phương đã được nâng cấp. Theo thông tin lan truyền, ông Tập một lần nữa mang theo xe chống đạn trong chuyến công du này.
Ảnh minh họa. Ngày 18/12/2019, ông Tập Cận Bình đến Ma Cao để bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày. Trong ảnh, Tập đang rời sân bay bằng xe ô tô, xung quanh là lực lượng an ninh vây quanh chặt chẽ. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)
Theo lịch trình được ĐCSTQ chính thức công bố, ông Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4, và thăm Malaysia cùng Campuchia từ ngày 15 đến 18/4.
Theo thông tin từ Bernama (hãng thông tấn quốc gia Malaysia) vào Chủ Nhật (ngày 13/4), ông Tập sẽ thăm Malaysia từ thứ Ba (ngày 15) đến thứ Năm (ngày 17). Cảnh sát đã phong tỏa từng giai đoạn 17 tuyến đường tại Kuala Lumpur và điều động khoảng 378 cảnh sát tham gia nhiệm vụ này. Ngày 14, chính quyền tiếp tục thông báo phong tỏa và kiểm soát tổng cộng 136 tuyến đường và địa điểm tại khu vực Selangor và Kuala Lumpur, bao gồm cả các đoạn đường giữa Nhà ga số 1 sân bay quốc tế Kuala Lumpur và khách sạn DoubleTree by Hilton ở Putrajaya, cũng như từ khách sạn này đến Hoàng cung quốc gia và Dinh thủ tướng ở Putrajaya.
Do chuyến thăm của ông Tập tới Malaysia, từ ngày 13, các phương tiện truyền thông địa phương như truyền hình Bernama bắt đầu phát sóng những chương trình do cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sản xuất, ca ngợi ông Tập Cận Bình và tô vẽ hình ảnh chính quyền ĐCSTQ.
Malaysia là thành viên của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” do ĐCSTQ khởi xướng, và đang phụ thuộc nhiều vào các khoản đầu tư từ ĐCSTQ. Tuy nhiên, dự án của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Country Garden tại bang Johor, Malaysia đã bị chỉ trích gay gắt vì trở thành công trình dang dở.
Kế hoạch thăm Malaysia lần này của ông Tập đã được đồn đoán từ trước cả khi cuộc chiến thuế quan nổ ra. Vào tháng Hai năm nay, một tờ báo Hoa ngữ thân Bắc Kinh ở địa phương đưa tin rằng Thủ tướng Malaysia Anwar đã xác nhận ông Tập sẽ thăm Malaysia vào tháng Tư, và sẽ dẫn theo một phái đoàn thương mại lớn “lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm người, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác thương mại cho Malaysia.”
Trước đó, một số phân tích cho rằng khi cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, Trung Quốc đang rơi vào tình thế khó khăn và ông Tập Cận Bình muốn tranh thủ lôi kéo các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á để cùng đối phó với Mỹ.
Nhà kinh tế học Đài Loan Tôn Quốc Tường trả lời phỏng vấn Epoch Times nhận định rằng ban đầu Thủ tướng Malaysia chỉ mong đợi nhận được “món quà lớn” từ Bắc Kinh, nhưng giờ đây lại trở thành đối tượng mà Trung Quốc phải cầu viện. Sự thay đổi này phản ánh rõ tình thế quốc tế bị động hiện tại của chính quyền ĐCSTQ.
Chuyến thăm Malaysia của ông Tập Cận Bình được mô tả như ‘lâm đại địch’.
Theo tờ Oriental Daily của Malaysia, cảnh sát nước này đã áp dụng các biện pháp chống khủng bố ở cấp độ cao, thậm chí còn triển khai xe gây nhiễu sóng vô tuyến toàn tần số để hộ tống đoàn xe chở ông Tập suốt hành trình. Chiếc xe mà ông Tập sử dụng trong chuyến đi lần này được cho là mẫu xe Hồng Kỳ N701 (Hongqi N701).
Thông tin công khai, N701 được chế tạo bằng vật liệu giáp đặc biệt, giúp thân xe có độ cứng rất cao. Theo một số nguồn tin, xe này có thể chống lại cả các cuộc tấn công bằng lựu đạn.
Được biết, trước và trong thời gian ông Tập thăm Malaysia, các mật vụ của ĐCSTQ đã triển khai lực lượng quy mô lớn tại nhiều khu vực ở Kuala Lumpur.
Từ ngày 5 đến 10/5/2024, ông Tập Cận Bình thăm chính thức Hungary. Chính phủ Hungary, vốn thân Bắc Kinh, đã triển khai lực lượng và chuẩn bị quy mô lớn cho chuyến thăm này. Dù ĐCSTQ được phép cho cảnh sát tuần tra trước tại Hungary, trang điều tra độc lập VSquare cho biết, các biện pháp an ninh nghiêm ngặt khiến thủ đô Budapest gần như đóng cửa.
Theo trang UP Media của Đài Loan, vào tháng 8/2023, trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi, cảnh sát nước này xác nhận rằng ông Tập dẫn theo phái đoàn lên đến 500 người. Trong thời gian diễn ra hội nghị, đoàn Trung Quốc thuê trọn hai khách sạn. Một tháng trước đó, chính quyền ĐCSTQ đã vận chuyển toàn bộ nội thất từ Trung Quốc sang, từ ly tách, giường, nệm, thảm đến rèm cửa – không để lại dấu vết nào của Nam Phi. “Ông ấy (Tập Cận Bình) đã xây dựng lại một dãy phòng tổng thống hoàn toàn mới,” nguồn tin cho biết.
Vào tháng 11/2018, khi ông Tập Cận Bình thăm Papua New Guinea, ĐCSTQ đã điều hai xe chống đạn nội địa bằng đường hàng không đến trước. Tháng 12 cùng năm, trong chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Bồ Đào Nha, ông Tập chi mạnh tay thuê trọn toàn bộ khách sạn Ritz Lisbon với chi phí lên đến 2 triệu euro, thậm chí còn mở rộng cổng nhà xe khách sạn để xe chống đạn của ông có thể ra vào dễ dàng.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh đến vấn đề “an toàn”, thường xuyên “ẩn thân” – điều này xuất phát từ nỗi lo sợ về an ninh cá nhân, lo ngại bị đảo chính hoặc ám sát. Một số phân tích cho rằng điểm chung giữa ông Tập Cận Bình và ông Mao Trạch Đông là tuy bề ngoài đều tuyên bố theo “chủ nghĩa vô thần”, nhưng trong thâm tâm vẫn tin và sợ hãi văn hóa truyền thống có yếu tố thần linh.
Có nguồn tin cho biết, ông Tập rất lo lắng về những lời tiên tri cổ xưa của Trung Quốc – những dự đoán về đảo chính trong hoàng cung hay ám sát – sẽ ứng nghiệm với chính ông, và sợ rằng ông sẽ chết khi còn đương chức.
Liên quan đến chuyến thăm Malaysia lần này của ông Tập Cận Bình, việc phong tỏa đường sá quy mô lớn đã khiến cư dân mạng địa phương bất bình. Nhiều người dùng mạng tại Malaysia đã chỉ trích rằng: “Nhiều nguyên thủ nước ngoài từng đến thăm Malaysia, nhưng chưa từng gây phiền hà và tốn kém đến như vậy.”
Điều này hoàn toàn trái ngược với những tuyên truyền gần đây của truyền thông nhà nước Trung Quốc, vốn ca ngợi ông Tập Cận Bình là người tiên phong thực hiện “8 điều quy định trung ương” được ban hành khi ông mới nhậm chức – trong đó nhấn mạnh đến việc “đi lại giản dị, tránh phô trương”.
Tác giả Thiên Bách Độ trong một bài viết đăng trên Epoch Times đã chỉ ra rằng trong chuyến khảo sát từ ngày 17 đến 18/3 của ông Tập tại khu tự trị dân tộc Miêu – Đồng ở Đông Nam Quý Châu và thành phố Quý Dương, ông đã vi phạm hầu như tất cả các quy định của “8 điều” nói trên. Ví dụ, trong thời gian ông Tập đến thị sát, chính quyền địa phương đã điều động gần 1.000 người từ 12 huyện, thành phố thuộc châu Kiềm Đông Nam – gồm công an, cán bộ quản lý thị trường, thuế vụ, binh lính thuộc lực lượng vũ trang – mặc thường phục và tập luyện suốt một tuần, để vào vai “người dân thường” đón tiếp ông Tập. Để lấy lòng ông, chính quyền địa phương thậm chí còn cưỡng chế di dời người dân bản địa khỏi làng cổ Triệu Hưng, bố trí các “diễn viên quần chúng” tạm thời vào ở trong các khách sạn địa phương để “làm quen với môi trường”.
Không những vậy, trong chuyến thị sát này, toàn bộ tuyến đường từ sân bay đến làng Triệu Hưng được mở rộng và trải lại bằng đá nhám chất lượng cao, trong khi dọc đường cũng bố trí các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, tạo nên một mô hình tiếp đón mang tính “thiết quân luật”.
Thiên Bách Độ nhận định: Lãnh đạo đảng yêu cầu người khác tuân thủ “8 điều quy định”, nhưng chính ông lại luôn đi đầu trong việc vi phạm, nói một đằng, làm một nẻo, lời nói và hành động không nhất quán. Đây quả thực là một sự mỉa mai to lớn!
Theo Ngụy Tử Long, Epoch Times
Một nghiên cứu mới cho thấy việc dành thời gian im lặng với đối phương…
PTT Vance đã cáo buộc ông Zelensky đưa ra những tuyên bố "vô lý" sau…
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội Ukraine…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng nguồn thu từ các loại thuế quan…
Thành tích xuất sắc nào đã giúp FECON được gã khổng lồ PowerChina lựa chọn…
Những chỉ trích của cựu Tổng thống Joe Biden nhắm vào nỗ lực cắt giảm…