Theo một bài báo của Bloomberg hôm thứ Ba (13/9), các quan chức ở Philippines đã phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hơn 40 lần chỉ trong vòng 2 tháng qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy, căng thẳng về các yêu sách hàng hải giữa hai quốc gia vẫn chưa giảm bớt, bất chấp sự thay đổi lãnh đạo chính phủ ở Manila.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và các đảo khác nhau trong khu vực gọi là “đường chín đoạn” do chính quyền nước này tự đặt ra. Tuyên bố này bị một số quốc gia bao gồm Philippines phản đối. Số lượng ngày càng tăng của các tàu hải quân và tàu tuần duyên Trung Quốc đã giúp Bắc Kinh hung hăng thách thức các tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng trong những năm gần đây.
Bloomberg đưa tin, ông Ferdinand Marcos Jr., người đã được bầu làm tổng thống Philippines vào tháng 5 và nhậm chức vào tháng 6, đã ký 52 công hàm phản đối ngoại giao chính thức gửi cho Trung Quốc chỉ trong 72 ngày.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza cho biết, các công hàm phản đối liên quan “sự xâm nhập” và “sự hiện diện bất hợp pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà hai quốc gia có các yêu sách chồng lấn về một số địa điểm hàng hải, đồng thời Manila cũng khiếu nại về các hoạt động nghiên cứu thường xuyên của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trong những năm gần đây, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xoay quanh Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa. Một nhóm lính nhỏ Philippines đang sử dụng một tàu chiến bị mắc cạn tại rạn san hồ này làm một tiền đồn để canh gác Bãi Cỏ Mây. Các tàu tuần duyên Trung Quốc bị cáo buộc đã bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines.
Tổng thống Marcos Jr., 65 tuổi, tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines bất chấp tranh chấp kéo dài giữa hai nước ở Biển Đông, trong khi Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai, đồng thời là đồng minh hiệp ước quốc phòng của Manila.
Đến nay, 52 công hàm phản đối của Manila gửi cho Bắc Kinh được coi là cấp tốc. Theo Bloomberg, chính phủ của Tổng thống Duterte đã gửi tổng cộng 388 công hàm phản đối cho Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ 6 năm của ông.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm vào năm 2012 khi tranh chấp về Bãi cạn Scarborough. Đây là một chuỗi các bãi đá ngầm và đá nổi đã bị hải quân Trung Quốc giành lấy quyền kiểm soát từ tay Manila vào tháng 6/2012.
Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa tại The Hague sau vụ việc này. Tuy nhiên, sáu năm sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ phán quyết này.
Vào thời điểm tranh chấp Bãi cạn Scarborough, mặc dù Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama đã ủng hộ quan điểm của Manila, nhưng ông đã không làm gì để ngăn cản Bắc Kinh giành quyền kiểm soát bãi đá này.
Năm 2019, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng, máy bay hoặc tàu nhà nước của Philippines sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng thủ chung” giữa Hoa Kỳ và Philippines theo hiệp ước phòng thủ chung. Sau đó, chính quyền của Tổng thống Biden đã tái xác nhận quan điểm này.
Do lo ngại xảy ra các tác động địa chính trị, Bắc Kinh đã không xây dựng công trình nào tại Bãi cạn Scarborough, không giống như các đảo khác mà họ kiểm soát. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện liên tục của lực lượng bảo vệ bờ biển của họ gần đó để thực thi yêu sách của mình.
Gia Huy (Theo Newsweek)
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…