Hôm thứ Chủ Nhật (15/10), lãnh đạo khu tự trị người Kurd trong cuộc gặp với chính quyền trung ương Iraq đã nói rõ rằng họ không đồng ý với yêu cầu hủy bỏ kết quả trưng cầu dân ý được tổ chức hôm 25/9 với đa số người dân ủng hộ độc lập. Ngay sau đó, quân đội chính phủ Iraq đã quyết định sử dụng vũ lực để trấn áp và tới thứ Hai (16/10), họ đã tiến vào trung tâm thành phố Kirkuk, khiến hàng ngàn dân thường phải trốn chạy để tránh thương vong.
Quân đội chính phủ Iraq đã tiến vào thành phố Kirkuk, nơi mà cả khu tự trị người Kurd và chính quyền trung ương đều tuyên bố kiểm soát.
BBC cho hay quân đội chính phủ sau khi chiến đấu với các chiến binh người Kurd ở rìa ngoài khu tự trị, tới 16/10 họ đã tiến vào trung tâm thành phố Kirkuk. Họ đang có ý định tái chiếm toàn bộ khu vực do người Kurd kiểm soát kể từ khi phiến quân Hồi giáo cực đoan càn quét Iraq năm 2014.
Trước đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã lên án cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd là vi hiến. Tuy nhiên, Chính quyền Khu vực Kurdistan (KRG) nhấn mạnh rằng đó là hoạt động hợp pháp.
Chính phủ Hoa Kỳ, đang hậu thuẫn cả quân đội Iraq và các chiến binh người Kurd chiến đấu chống IS, đã nói rằng họ “tham gia với tất cả các bên tại Iraq để giảm leo thang căng thẳng”, trong khi đó Tổng thống Trump tuyên bố nước Mỹ “không đứng về bên nào. Chúng tôi không thích thực tế đang có xung đột [giữa quân chính phủ và chiến binh người Kurd]”, theo BBC.
Trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Hai (16/10), Thủ tướng Iraq Abadi cho hay hoạt động của quân đội chính phủ tại Kirkuk là cần thiết để “bảo vệ sự toàn vẹn quốc gia, hiện đang có nguy cơ bị chia rẽ” vì cuộc trưng cầu dân ý hôm 25/9.
Ông Abadi nói thêm rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả công dân hãy hợp tác với lực lượng quân đội anh hùng của chúng ta, đội quân tuân thủ các chỉ thị nghiêm ngặt phải đặt việc bảo vệ người dân lên hàng đầu, và áp đặt an ninh và trật tự, cũng như bảo vệ các cơ sở và thể chế nhà nước”.
Cũng trong thứ Hai (16/10), quân chính phủ cho biết các đơn vị của họ đã giành quyền kiểm soát căn cứ quân sự K1, mỏ dầu và khí đốt Baba Gurgur và các văn phòng của một công ty dầu mỏ quốc doanh.
Chính quyền trung tương tại Baghdad cho hay lực lượng Peshmerga (quân đội của khu tự trị người Kurd, Iraq) đã rút lui mà “không chiến đấu”. Tuy nhiên, BBC có quay được một số vụ xung đột ở miền nam Kirkuk, gần một trạm kiểm soát.
Cho tới chiều thứ Hai (16/10), hàng ngàn thường dân đã trốn chạy khỏi Kirkuk do lo ngại các cuộc xung đột sắp xảy ra giữa các bên khi lực lượng bộ binh chính phủ đã tiến vào trung tâm thành phố. BBC cho biết một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy lính chính phủ Iraq đã kiểm soát văn phòng thống đốc KRG.
Theo Reuters, lá cờ của khu tự trị đang được treo cùng với cờ quốc gia Iraq đã bị dỡ xuống. Thủ tướng Abadi đã ra lệnh treo cờ quốc gia Iraq trên tất cả các lãnh thổ tranh chấp.
Quân đội Peshmerga của khu tự trị người Kurd đang bảo vệ tại một trạm kiểm soát ở Altun Kupri, cách Arbil – Thủ phủ của khu tự trị khoảng 40km.
Việc quân chính phủ tiến nhanh tới trung tâm thành phố Kirkuk mà không gặp nhiều trở ngại đã dẫn tới việc hai đảng phái chính tại KRG cáo buộc nhau “phản bội”.
BBC cho biết Bộ tư lệnh Quân đội Peshmerga do Thống đốc KRG Massoud Barzani thuộc Đảng Dân chủ người Kurd (KDP) nắm quyền tối cao, đổ lỗi cho các quan chức của Đảng Liên minh Yêu nước người Kurd (PUK) đã hỗ trợ “âm mưu chống lại người Kurd”.
Tuy nhiên, PUK đã phủ nhận liên quan đến việc ra lệnh rút quân và nói rằng hàng chục chiến binh của họ đã bị thương vong. PUK lưu ý thêm rằng “thậm chí không có bất kỳ một binh lính nào của Peshmerga bị thương trong cuộc chiến đấu ở Kirkuk”.
Kirkuk là khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ mà cả khu tự trị người Kurd và chính quyền trung ương Iraq đều tuyên bố kiểm soát. Thành phố này được cho rằng có đa số người Kurd sinh sống, nhưng trung tâm nội đô lại tập trung đa số người Arab và Turkmen.
Quân đội Peshmerga của người Kurd đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Kirkuk từ năm 2014, thời điểm mà phiến quân IS quét qua miền bắc Iraq và quân đội chính phủ Iraq bị đánh bại.
Cuối tháng 9 vừa qua, sau khi kết quả trưng cầu dân ý tại khu tự trị người Kurd được thông báo với đa số phiếu ủng hộ độc lập, quốc hội Iraq đã yêu cầu Thủ tướng Abadi phải triển khai quân đội tới Kirkuk và các vùng tranh chấp khác, tuy nhiên ông Abadi tuần trước đã nói rằng chấp nhận khu vực này sẽ do “chính quyền chung” kiểm soát và không muốn có một cuộc đối đầu vũ trang.
Cho tới Chủ Nhật (15/10), nội các của Thủ tướng đã cáo buộc KRG đang cho triển khai các chiến binh không thuộc quân đội Peshmerga tại Kirkuk, trong đó có cả thành viên của PKK (Đảng Công nhân người Kurd) tại Thổ Nhĩ Kỳ – nhóm chiến binh mà cả chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ coi là một nhóm khủng bố. Chính phủ Iraq xem hành động đó của KRG là “tuyên bố chiến tranh” và đã cho quân đội nhanh chóng tiến vào kiểm soát Kirkuk.
Hiện nay người Kurd có khoảng 25 đến 35 triệu dân, sống ở các vùng miền núi trải dài ở các khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armenia. Họ là nhóm dân tộc lớn thứ tư tại Trung Đông, nhưng chưa bao giờ có được một nhà nước độc lập của riêng mình.
Tuy chưa có nhà nước độc lập, nhưng người Kurd có văn hóa và ngôn ngữ chung. Người Kurd có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng đa số theo Hồi giáo dòng Sunni.
Trong vài thập kỷ gần đây, người Kurd ngày càng tăng cường sự ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực, đấu tranh đòi quyền tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và đóng vai trò nổi bật trong các xung đột ở Iraq và Syria, nơi mà họ đã chiến đấu có hiệu quả chống lại phiến quân thánh chiến IS.
Riêng cộng đồng người Kurd tại Iraq có khoảng 6 triệu dân, chiếm khoảng 17% đến 20% dân số cả nước. Cộng đồng này đã được công nhận khu tự trị người Kurd, nằm ở phía bắc đất nước, chiếu theo Hiến pháp Iraq năm 2005.
Tuy nhiên, với sự nổi lên của phiến quân IS từ 2013, đỉnh điểm là 2014 khi IS càn quét toàn Iraq, khiến cho sự thống nhất toàn vẹn Iraq bị đe dọa nghiêm trọng. Và tháng 7/2014, Lãnh đạo khu tự trị người Kurd Massoud Barzani tuyên bố chính phủ của ông đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập vào cuối năm đó, cho rằng Iraq đã “phân chia hiệu quả”.
Tuy nhiên, sau đó sự thay đổi lãnh đạo chính quyền trung ương Iraq đã kéo theo việc cải thiện quan hệ với người Kurd. Hai bên đã đồng ý cùng hợp tác để chiến đấu chống kẻ thủ chung – phiến quân IS và kế hoạch trưng cầu dân ý độc lập cho người Kurd đã được gác lại cho tới cuộc trưng cầu dân ý hôm 25/9 vừa qua.
1920: Sau khi thoát khoải sự cai trị của Đế chế Ottoman, hy vọng của người Kurd về việc có một quốc gia của chính họ đã tăng lên, nhưng sau đó lại chìm xuống. Kể từ đó, cộng đồng người Kurd tại Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn tìm cách sở hữu vùng đất của chính họ.
1988: Tổng thống Iraq Saddam Hussein tiến hành một cuộc tấn công bằng khí độc vào thị trấn Halabja của người Kurd khiến hàng ngàn thường dân thiệt mạng. Cộng đồng quốc tế đã lên án chiến dịch này là một cuộc diệt chủng.
1991: Sau chiến tranh Vùng Vịnh, lực lượng liên minh đã tạo lập một khu vực trú ẩn an toàn cho người Kurd.
1994 – 1997: Tại khu vực người Kurd sinh sống đã xảy ra cuộc nội chiến giữa các lực lượng của Đảng Dân chủ người Kurd và Liên minh Yêu nước người Kurd.
2005: Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, một bản Hiến pháp mới của Iraq đã được thông qua và trong đó công nhận khu vực tự trị cho người Kurd.
2017: Chính quyền khu tự trị người Kurd tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào 25/9 bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương. Ngày 15/10, chính phủ Iraq yêu cầu các lãnh đạo người Kurd bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý này nhưng đã bị từ chối.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…