Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây công bố chiến lược phát triển quân sự, theo đó tiết lộ một kế hoạch được Mỹ triển khai trong vòng 2 năm dù không tăng chi tiêu nhưng có thể đạt thay đổi đột phá, mang lại lợi thế cho quân đội Mỹ trong một cuộc chiến tiềm tàng có thể nổ ra trên eo biển Đài Loan.
Trong bài phát biểu hôm thứ Tư (6/9), Thứ trưởng Kathleen Holland Hicks của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thêm về tiềm năng mạnh mẽ của các hệ thống vũ khí mới như hàng ngàn nhóm vệ tinh cùng máy bay không người lái “nhỏ nhắn, thông minh, giá rẻ”...
Bà Hicks cho biết: “Hãy tưởng tượng các hệ thống ADA2 bay ở nhiều độ cao khác nhau, thực hiện một loạt nhiệm vụ, chúng ta đã thấy sự khởi đầu của hệ thống này ở Ukraine. Hãy tưởng tượng một loạt các hệ thống ADA2 trên quỹ đạo, hàng chục chiếc trong số chúng được thả vào không gian cùng một lúc, nhiều đến mức không thể đánh bật hoặc tiêu diệt toàn bộ.”
Trong bài phát biểu trước công chúng hôm thứ Tư, bà Hicks gọi đây là cơ hội “thay đổi quy tắc cuộc chơi” mà Mỹ đã tính toán từ lâu. Bà cho biết quân đội Mỹ có kế hoạch bắt đầu triển khai hệ thống mới sau 18 – 24 tháng nữa, đặt ra mốc thời gian đó “bởi vì giờ đây chúng tôi có cơ hội thực hiện sự chuyển đổi mang tính thay đổi quy tắc trò chơi mà chúng tôi đã theo đuổi từ lâu”.
Giám đốc Bryan Clark của Trung tâm Công nghệ và Khái niệm Quốc phòng thuộc Viện Hudson cũng nói với VOA: “Nếu Bộ Quốc phòng triển khai một lực lượng gồm hàng trăm ngàn hệ thống không người lái hợp thành thì luật chơi sẽ thay đổi. Điều này có nghĩa là một sự tái cân bằng lớn của quân đội Mỹ”.
Đã từ lâu Mỹ xem thách thức tiềm ẩn lớn nhất mà quân đội Mỹ phải đối mặt là “quy mô” của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với lực lượng vũ trang và cơ sở sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xây dựng quân đội với tốc độ cực nhanh để đưa PLA thành đội quân lớn nhất thế giới, qua đó xây dựng được chuỗi tiêu diệt chống xâm nhập (A2AD) xung quanh chuỗi đảo đầu tiên.
“ADA2 của chúng tôi sẽ đánh bại A2AD của họ”, bà Hicks cho biết hôm 6/9 tại Hội nghị thường niên Tin tức Quốc phòng.
Vào cuối tháng trước, bà Hicks đã công bố sáng kiến “máy phục chế” (Replicator) của quân đội Mỹ, theo sáng kiến này thì quân đội Mỹ sẽ xây dựng một hệ thống có tên ADA2, bao gồm nhiều hoạt động chiến đấu khác nhau trong các lĩnh vực gồm đất liền, biển, không gian và mạng internet. Đặc điểm chi phí thấp của kế hoạch này cho phép quân đội Mỹ chịu được tiêu hao lớn, những vũ khí chiến đấu như các máy bay không người lái được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo có thể độc lập thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Trong bài phát biểu tuần này có tựa đề “Khám phá Sáng kiến Máy sao chép”, bà Hicks cho biết chiến lược mới sẽ giúp Mỹ “Đánh bại lợi thế về quy mô của Trung Quốc: nhiều tàu hơn, nhiều tên lửa hơn, nhiều binh lính hơn”.
Nhà nghiên cứu James Char tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho rằng vì các chi tiết cụ thể chưa được công bố, nên còn quá sớm để biết liệu điều này có thay đổi luật chơi hay không, nhưng Lầu Năm Góc dám thách thức sức mạnh của Trung Quốc trong vị thế là “công xưởng của thế giới”. Trả lời câu hỏi bằng văn bản của Đài VOA Mỹ, ông nói: “Với cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới, các công ty quốc phòng thương mại và phi truyền thống của Trung Quốc có thể sản xuất vũ khí và thiết bị nhanh hơn và rẻ hơn so với các đối tác phương Tây của họ. Trong vấn đề này, ý tưởng đằng sau ‘kế hoạch máy phục chế’ dường như là để chống lại ưu thế quân sự của Trung Quốc, vì Trung Quốc có thể huy động nhiều nguồn lực hơn các đối tác của Mỹ hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”
Nhà nghiên cứu Char cho biết, quân đội Mỹ dường như đang tìm cách bổ khuyết các hạn chế của họ bằng biện pháp kết hợp chất lượng (hệ thống vũ khí cao cấp và đắt tiền) với số lượng (các hệ thống vũ khí nhỏ bé và giá rẻ). Ông nói: “Về ý nghĩa nhất định, thông qua mở rộng quy mô sản xuất tập trung vào các hệ thống vũ khí không người lái có thể thay đổi cách quân đội Mỹ mua và triển khai vũ khí”.
Chuyên gia quân sự Clark tại Viện Hudson thì cho rằng, “Mặc dù PLA Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn so với quân đội Mỹ về nhiều mặt như vị trí địa lý, nhưng tôi muốn nói rằng (ADA2) đã làm thay đổi cán cân cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, điều này là chắc chắn”.
Trong một cuộc chiến quân sự tiềm tàng có thể xảy ra [tại eo biển Đài Loan], làm sao để Mỹ có thể chịu được tổn hại và gánh nặng kinh tế quá lớn là mối quan tâm cốt lõi của Mỹ. Theo đó những năm gần đây, giới quân sự và chiến lược Mỹ đang xem xét cách vượt qua thách thức này bằng công nghệ chi phí thấp, có thể tiêu hao. Các hệ thống tự hành như máy bay không người lái điều khiển bằng AI do Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch không theo đuổi nền tảng chiến đấu quy mô lớn, mà chú trọng đến việc thu nhỏ và chi phí thấp, có thể chịu được nhiều tổn thất, do đó chúng có thể được trang bị với số lượng lớn để ứng phó hệ thống sức mạnh quân sự của PLA Trung Quốc có “quy mô lớn”.
Các nhà quan sát quân sự chỉ ra, từ quan điểm của Mỹ, Mỹ đã tận dụng tối đa điểm yếu trong tấn công và ưu thế trong phòng thủ của PLA Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc cũng có máy bay không người lái nhưng họ không thể chiếm đóng Đài Loan bằng máy bay không người lái mà thay vào đó họ phải điều động một số lượng lớn tàu, như vậy chúng dễ dàng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Phó chủ tịch Andrew Hoehn phụ trách nghiên cứu và phân tích tại tổ chức nghiên cứu RAND của Mỹ cho biết, Mỹ có lợi thế về cái gọi là ‘bên phòng thủ’. Do không có khả năng tàu Mỹ vào eo biển Đài Loan cho nên không nằm trong tầm bắn của những máy bay không người lái Trung Quốc vốn chỉ có tầm hoạt động ngắn. Ông Hoehn cho biết trong một báo cáo gần đây rằng những chiếc máy bay không người lái nhỏ, nhẹ có giá khoảng 500.000 USD mỗi chiếc, trong khi mỗi tên lửa mà PLA Trung Quốc cần để tiêu diệt chúng có giá hàng triệu USD mỗi chiếc.
Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa quyết định thiết bị nào do công ty nào sản xuất sẽ được sử dụng, nhưng họ đang bắt tay vào các quy trình liên quan. Dưới tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ, cách đây hai tuần các chuyên gia quân sự của Viện Hudson vừa hoàn thành một báo cáo về cách có thể triển khai các hệ thống không người lái trong một khoảng thời gian ngắn.
Ông Clark cho biết, mặc dù Mỹ đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu nhưng công nghệ liên quan cho đến những năm gần đây mới hoàn bị, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ vi điện tử, cảm biến và trí tuệ nhân tạo cũng như giá các sản phẩm liên quan giảm mạnh. Ngoài ra, chiến tranh Nga xâm lược Ukraine đã thực sự tạo ra thị trường cho những khả năng này và chứng tỏ tính hữu dụng của chúng.
Mặc dù Thứ trưởng Hicks gần đây chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tuần đã có 2 lần phát biểu về kế hoạch ADA2, nhưng nhiều chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố. Trong bài phát biểu hôm thứ Tư, bà cho hay sẽ công bố nhiều chi tiết hơn sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng: “Có một số điều chúng tôi sẽ chỉ tiết lộ vào thời gian, địa điểm và bối cảnh được chúng tôi cân nhắc”.
Chuyên gia Hoehn tại Tập đoàn RAND cho biết chiến lược này đã được thảo luận từ lâu trong Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan liên quan, mục đích cốt lõi là tránh chiến tranh và nâng cao nhận thức răn đe hiệu quả hơn. Ông nói rằng ý tưởng thúc đẩy dự án là “thay đổi quy tắc cuộc chơi”, công việc họ thực hiện ở RAND cũng đã chứng minh rằng kế hoạch thực sự có thể giúp tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Mỹ, nhưng việc thực hiện cụ thể như thế nào thì vẫn còn phải chờ xem. Ông nhấn mạnh “Nó có tiềm năng thay đổi quy tắc của cuộc chơi, nhưng chúng ta phải biến ý tưởng này thành hiện thực ngay bây giờ, chúng ta phải thử nghiệm nó, chúng ta phải rèn luyện với nó, chúng ta phải vận hành nó, và khi đó chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy tiềm năng thực sự mà nó mang lại”.
Giáo sư Tangredi (Sam Tangredi) tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu ông là, từ góc độ tác chiến thì những đàn vũ khí AI nhỏ này sẽ được phóng từ đâu? Đối với Đài Loan, việc sử dụng một loại vũ khí như vậy sẽ rất có ý nghĩa, nhưng hầu hết quân đội Mỹ đều đóng quân ở cách đó hàng ngàn dặm.
Một nghiên cứu do Tangridi công bố cách đây không lâu cảnh báo rằng lợi thế về chất lượng của Hải quân Mỹ không nhất thiết lấn át lợi thế về số lượng của Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu 28 trận hải chiến quan trọng trong lịch sử, ông chỉ ra rằng trong số đó có 25 trận phần thắng thuộc về hạm đội quy mô lớn hơn.
Trong một email gửi tới VOA, ông Tangridi nói rằng nếu Hải quân và Không quân PLA Trung Quốc có nhiều cung thủ (và có thể nhiều hơn nữa số mũi tên) hơn Mỹ và các đồng minh, thì họ sẽ có khả năng sống sót cao hơn. Do đó nếu muốn ngăn chặn Trung Quốc, “máy bay không người lái được điều khiển bằng AI chỉ là một khả năng cần thiết trong kho vũ khí”.
Thứ trưởng Hicks thừa nhận rằng việc triển khai dự án Replicator sẽ không dễ dàng và có thể gây thất vọng, nhưng “để hoàn thành sứ mệnh không bao giờ thất bại là bảo vệ đất nước, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thử những điều có thể không thành công được như chúng ta kỳ vọng”.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…