Tờ Epoch Times mới đây đã tiếp cận được một tài liệu rò rỉ từ nội bộ chính quyền Trung Quốc đưa ra 6 đề xuất giúp chế độ Bắc Kinh tận dụng khoảng thời gian ngắn trước ‘Chiến tranh Lạnh mới’ với Mỹ để gia tăng nội lực giúp họ đối phó hiệu quả với Washington và đồng minh trong một cuộc chiến được dự báo là toàn diện về kinh tế, chính trị và vũ trang.
Đề xuất 12 trang có tiêu đề “Cuộc chiến chưa tuyên bố: Sự thay đổi về tình hình thế giới sẽ nhanh hơn và kịch tính hơn chúng ta từng dự báo” gồm hai phần. Phần một cung cấp những đánh giá tổng quan về “Chiến tranh Lạnh mới” chưa công bố giữa Mỹ và Trung Quốc và phần hai liệt kê 6 đề xuất về những gì Trung Quốc nên thực hiện để giành lợi thế trong cuộc chiến này.
Epoch Times cho biết tài liệu nêu trên do ông Ngô Tư Khang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của thành phố Thâm Quyến soạn thảo vào ngày 29/9. Epoch Times có bản sao tài liệu có chữ ký của ông Ngô Tư Khang và tài liệu này cũng đã được gửi tới ông Vương Vĩ Trung – Bí thư Đảng ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc của thành phố Thâm Quyến – nhân vật chính trị quyền lực nhất của thành phố công nghiệp hơn 12 triệu dân này.
Sau khi đọc tài liệu, ngày 30/9, ông Vương Vĩ Trung đã yêu cầu chuyển văn bản này tới Thị trưởng Thâm Quyến Trần Như Quế, Phó Thị trưởng thường trực Lưu Khánh Sinh và Phó Thị trưởng Ngải Tuyết Phong, cùng nhiều quan chức của Đảng bộ và chính quyền thành phố Thâm Quyến.
Vào ngày 11/10, Phó Thị trưởng Ngải Tuyết Phong đã lệnh cho các thành viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển của thành phố Thâm Quyến phải đọc, nghiên cứu và đánh giá về các khuyến nghị trong tài liệu này.
Dưới đây là 6 đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thành phố Thâm Quyến:
Đề xuất đầu tiên là “làm tốt việc giới thiệu tài năng trong bối cảnh ‘Chiến tranh Lạnh mới’”.
Trong tài liệu nói: “Chúng ta nên thông qua các cách chính xác hơn, được che giấu tốt hơn và đặc biệt hơn để giới thiệu với tốc độ nhanh một số tài năng khoa học và công nghệ quan trọng về mặt chiến lược, đặc biệt là những tài năng hàng đầu không phải người Trung Quốc. Chúng ta cần phải tận dụng khoảng thời gian ít ỏi khi phương Tây do Mỹ lãnh đạo chưa bắt đầu cuộc chiến giành tài năng với chúng ta trên một quy mô toàn diện”.
Đề xuất này kiến nghị Trung Quốc cần tiến hành nghiên cứu và đánh giá trước để dự báo xem họ cần tài năng trong những lĩnh vực nào nhất và sau đó tìm kiếm các cá nhân đến từ các nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng đã hoàn thành chương trình học tập tại các nước phát triển. Những ứng viên này nên được trả lương, thưởng tốt hơn, cũng như các ưu đãi hấp dẫn khác để họ quyết định chuyển tới Trung Quốc sống và làm việc.
Tài liệu cũng đề cập tới việc Trung Quốc nên rút ra bài học từ chương trình “Kế hoạch nghìn tài năng” đã thu hút sự chú ý của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và đã trở thành một đầu mối để FBI điều tra về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ. Theo đó, văn bản khuyến nghị cho rằng điều quan trọng khi mời chào các cá nhân tài năng là nên dùng cách tiếp cận ít nổi bật để tránh thu hút sự chú ý của ngoại giới.
Đề xuất thứ hai khuyến nghị Trung Quốc nên nắm bắt cơ hội “thời gian cửa sổ” trước khi Mỹ chính thức phong tỏa Trung Quốc một cách toàn diện để sử dụng các biện pháp độc đáo mà nhập khẩu tất cả các loại thiết bị và công cụ khoa học tiên tiến, chuẩn bị công cụ tốt cho thời kỳ “Chiến tranh Lanh mới”.
Đề xuất này cho rằng khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu thể hiện ở khía cạnh về công cụ và thiết bị khoa học. Mặc dù Mỹ có thể huy động đồng minh mở rộng quy mô hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao nhằm chống Trung Quốc, nhưng vẫn có “thời gian cửa sổ” khoảng một năm trước khi các hành động hạn chế được thực hiện và Trung Quốc có thể tận dụng khoảng thời gian này để nắm giữ công nghệ tiên tiến.
“Chúng ta cần phải bằng mọi giá, làm mọi cách có thể, thông qua tất cả các kênh, để nhập khẩu tất cả các loại công cụ và thiết bị nghiên cứu khoa học tiên tiến. Chúng ta cần chuyển đổi đầu tư và dự trữ của chúng ta từ lĩnh vực bất động sản sang lĩnh vực công cụ và thiết bị nghiên cứu khoa học tiên tiến”, tài liệu chỉ rõ.
Đề xuất thứ ba là “nhanh nhất có thể phải thành lập các nhóm tư vấn khoa học và công nghệ cấp cao để theo dõi, phân tích, nghiên cứu và đánh giá về khuynh hướng phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến quốc tế”.
Trong đề xuất này, Trung Quốc cần thu hút các bộ não về khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới để thành lập các trung tâm dữ liệu và thông tin, trong khi cũng tận dụng việc tiếp cận dễ dàng với dữ liệu khoa học và công nghệ quốc tế từ Đặc khu Hồng Kông.
Khuyến nghị này khuyên chính quyền Trung Quốc phải “chủ động đối phó sự phong tỏa của Mỹ về khoa học và công nghệ và chủ động đề xướng các sự kiện khoa học và công nghệ quốc tế”.
Tài liệu đề xuất khuyên Trung Quốc nên “biến hợp tác quốc tế về nghiên cứu cơ bản thành phương tiện quan trọng để phá vỡ thế bị phong tỏa công nghệ; thông qua tất cả các cách thức linh hoạt để đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ với các nước siêu cường về khoa học và công nghệ; hỗ trợ những nỗ lực của người dân và doanh nghiệp Trung Quốc để thành lập các trường đại học, các viện nghiên cứu ở nước ngoài”.
Đề xuất thứ năm khuyên chính quyền Trung Quốc nên “tận dụng cơ hội được mang tới do sự khác biệt về hệ thống thể chế và luật pháp giữa Trung Quốc với Mỹ và từ đó thúc đẩy phát triển các loại hình ngành nghề và kinh doanh mới”.
Đề xuất này đưa ra ví dụ từ việc giá trị thị trường của Facebook giảm tới 50 tỷ USD, cũng như công ty công nghệ này có thể phải đối mặt với án phạt lên tới 2 ngàn tỷ USD do hậu quả của việc bị rò rỉ thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng. Trung Quốc không lo lắng nhiều về việc phải đối mặt với tình huống tương tự như Facebook vì dù Trung Quốc có hơn 1 tỷ người dùng internet, nhưng tại đây việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân không được coi trọng.
“Điều này, nhìn một cách biện chứng, cũng là cơ hội của chúng ta để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng internet. Chúng ta cần nắm lấy khoảng thời gian cửa sổ này để thúc đẩy phát triển các mẫu hình kinh tế và kinh doanh mới nhằm giành lấy lợi thế cạnh tranh kinh doanh liên quan đến internet trên quy mô toàn cầu”, tài liệu nhấn mạnh.
Trong tài liệu cũng đề xuất: “Trong thời gian này, việc phát triển công nghệ mới, trong các lĩnh vực như hóa sinh học có liên quan chặt chẽ tới các quy định và luật định. Chúng ta có thể thiết lập các đặc khu như các khu vực thử nghiệm, và thông qua các chính sách đặc biệt tại các khu vực này để hỗ trợ, phục vụ và điều chỉnh các ngành công nghiệp này nhằm đẩy nhanh việc phát triển công nghệ mới và các loại hình doanh nghiệp mới”.
Đề xuất này khuyên chế độ Trung Quốc nên “tạo dựng một ‘cao nguyên’ dành cho công nghiệp hóa các thành tựu khoa học và công nghệ toàn cầu, và cung cấp hỗ trợ toàn diện, không phân biệt cho các tài năng quốc tế ngoài Trung Quốc” và thành lập các tổ chức để cung cấp dịch vụ vì lợi ích của các tài năng nước ngoài.
Trong tài liệu nói rằng: “Cung cấp các dịch vụ được nhắm mục tiêu từ hỗ trợ tài chính tới các cơ sở và khu vực công nghiệp thuận tiện. Đẩy mạnh hợp tác với các viện chuyển giao công nghệ nổi tiếng toàn cầu, xây dựng và giới thiệu một số tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp và mang tính quốc tế, và xây dựng một mạng lưới về chuyển giao thành tựu công nghệ toàn cầu”.
Trung Tâm Nghiên cứu và Phát triển của thành phố Thâm Quyến, đơn vị soạn thảo đề xuất nêu trên, là một bộ phận của hệ thống toàn quốc các trung tâm nghiên cứu và tư vấn chính sách cho chính phủ Trung Quốc. Trung tâm cấp cao nhất trong ngành dọc này là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Hội đồng Nhà nước được thành lập từ những năm 1980 dưới thời Tổng bí thư Triệu Tử Dương.
Trao đổi với Epoch Times, chuyên gia kinh tế Tần Bằng cho rằng mặc dù tài liệu rò rỉ chỉ là từ một trung tâm nghiên cứu và phát triển cấp thành phố, nhưng thông điệp của nó vẫn quan trọng cho ngoại giới tìm hiểu.
Ông Ngô Tư Khang, tác giả của đề xuất này, đã từng là khách mời đặc biệt tại hội nghị chuyên đề kinh tế đặc biệt do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức năm 2016.
Ông Tần cho rằng mặc dù lập trường của chế độ Cộng sản Trung Quốc trong tài liệu rò rỉ này không khác so với chính sách lâu dài của họ về đánh cắp và đạt được khoa học, công nghệ tiến tiến bằng mọi cách có thể, nhưng ông đặc biệt bị thu hút bởi khuyến nghị thứ năm, trong đó cho thấy chế độ Trung Quốc sẵn sàng tận dụng lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và xã hội Trung Quốc để thu được lợi ích từ thông tin cá nhân của người dùng internet.
Ông Tần nói rằng việc đề cập tới những khác biệt giữa hệ thống pháp luật và thể chế của Mỹ và Trung Quốc, liên kết với các sản phẩm hóa sinh học, có thể hàm ý rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng sử dụng người dân Trung Quốc cho mục đích thử nghiệm y tế mà điều này là không được phép theo luật pháp Mỹ.
Thâm Quyến là khu vực hình mẫu cho cải cách và mở cửa của Trung Quốc, cũng như là trung tâm sản xuất sản phẩm công nghệ cao của nước này. Thâm Quyến cũng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, một kế hoạch đầy tham vọng để Trung Quốc giành vị trí thống trị về các công nghệ tiên triến trong vòng một thập kỷ tới.
Trong báo cáo của chính quyền thành phố hàng năm của năm 2018, Thị trưởng Thâm Quyến Trần Như Quế đã cam kết xây dựng Thâm Quyến trở thành “khu vực mẫu cho ‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025’’’. Mục tiêu này là biến Thâm Quyến trở thành nơi tiên phong, thành phố sản xuất quốc tế mạnh mẽ về sản xuất thông minh, công nghiệp xanh, và sản xuất cao cấp vào năm 2025.
Theo The Epoch Times,
Tân Bình
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…