Sách trắng quốc phòng Nhật Bản cảnh báo thách thức chưa từng có từ Trung Quốc

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản tập trung vào khủng hoảng eo biển Đài Loan đã đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang là thách thức chưa từng có đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Trong một diễn biến khác liên quan, Mỹ và Ý mới có Tuyên bố chung Về hòa bình eo biển Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo, ngày 1/6/2023. (Franck Robichon/POOL/AFP qua Getty Images)

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản mới được công bố (28/7) nhấn mạnh môi trường an ninh của Nhật Bản đang bước vào thời kỳ khủng hoảng mới, theo đó Nhật Bản phải tăng cường triệt để khả năng phòng thủ, bao gồm cả khả năng phản công. Sách trắng lưu ý hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan là không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, đồng thời cho rằng các động thái quân sự ở nước ngoài của ĐCSTQ là thách thức chiến lược chưa từng có đối với Nhật Bản và thế giới.

Sách trắng quốc phòng mới của Nhật Bản đã được thông qua tại cuộc họp nội các vào sáng ngày 28/7, trong sách liệt kê ba mục tiêu lớn của quốc phòng Nhật Bản: (1) Xây dựng môi trường an ninh không khoan nhượng đối với hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực; (2) Hợp tác với đồng minh và những nước cùng chí hướng để ngăn chặn tình hình đơn phương dùng vũ lực thay đổi hiện trạng; (3) Trong trường hợp bị xâm lược, Nhật Bản sẽ đóng vai trò chính đáp trả, đồng thời chấp nhận hỗ trợ của các nước đồng minh để ngăn chặn.

Sách trắng trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada chỉ ra rằng thế giới đang đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ Thế chiến II, đang bước vào một kỷ nguyên khủng hoảng mới. ĐCSTQ đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, bao gồm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đồng thời tiếp tục tăng cường nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Triều Tiên cũng thường xuyên phóng tên lửa đạn đạo, là mối đe dọa lớn và cấp bách đối với an ninh của Nhật Bản; hợp tác chiến lược của Nga với ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gây lo ngại nghiêm trọng về an ninh; động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc là thách thức chiến lược chưa từng có với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, Sách trắng cũng cho hay các hoạt động của ĐCSTQ xung quanh Đài Loan đã trở nên tích cực hơn. Tháng 8/2022 khi ĐCSTQ phóng tên lửa đạn đạo đã có 5 tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Số lần máy bay quân sự của ĐCSTQ đi vào không phận Đài Loan không ngừng gia tăng: 380 lần vào năm 2020, 972 lần vào năm 2021, hơn 1.733 lần vào năm 2022.

Sách trắng chỉ ra, về tổng thể cán cân sức mạnh quân sự xuyên eo biển đang nhanh chóng nghiêng về hướng có lợi cho ĐCSTQ. Về khả năng tấn công tên lửa, ĐCSTQ có tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hệ thống phóng nhiều tên lửa với tầm bao phủ Đài Loan. Ngược lại, Đài Loan đã tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa như tên lửa Patriot 2 (PAC-2) và tên lửa Patriot 3 (PAC-3) nhập khẩu từ Mỹ, nhưng về khả năng đáp trả các cuộc tấn công dồn dập còn rất hạn chế. Đài Loan hiện cũng đang tăng cường khả năng tấn công từ xa.

Sách trắng lưu ý an ninh và thịnh vượng của thế giới không thể thiếu hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan, việc ĐCSTQ sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi hiện trạng không chỉ là vấn đề của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà là vấn đề chung của thế giới. Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ, các nước cùng chí hướng và cộng đồng quốc tế, đồng thời chú ý hơn đến tình hình ở eo biển Đài Loan.

Tuyên bố chung Mỹ – Ý về hòa bình eo biển Đài Loan

Ngày 27/7, Tổng thống Mỹ Biden đã hội đàm với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Nhà Trắng. Hai bên đã có tuyên bố chung sau cuộc gặp, chỉ ra rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là vô cùng quan trọng và có lợi cho an ninh và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.

Năm 2024 Ý sẽ là chủ tịch luân phiên của Nhóm Bảy nước (G7), thông tin gần đây cho rằng Ý đang xem xét rút khỏi thỏa thuận Vành đai và Con đường với ĐCSTQ, điều này đã thu hút nhiều chú ý về cuộc gặp này.

Sau hội đàm, hai bên đã ra tuyên bố chung nêu rõ Mỹ và Ý cam kết vững chắc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng, bao trùm và an toàn. Hai bên cũng tái khẳng định việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là vô cùng quan trọng và có lợi cho an ninh và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu. Đồng thời, hai nước cũng cam kết tăng cường tham vấn song phương và đa phương về các cơ hội và thách thức mà ĐCSTQ đặt ra.

Tuyên bố cũng chỉ ra rằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại sự xâm lược bất hợp pháp của Nga và tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine. Hai bên cũng trao đổi về an ninh và nhập cư bất hợp pháp ở khu vực Địa Trung Hải, châu Phi và Tây Balkan; trao đổi quan điểm về các vấn đề như biến đổi khí hậu, lương thực, khoáng sản chính, an ninh mạng, thương mại tự do và công bằng, hợp tác không gian, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, qua đó cam kết sẽ cùng nhau làm việc.

Khinh Đan

Published by
Khinh Đan

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

2 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

3 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

4 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

5 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

6 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

6 giờ ago