Tại sao Jerusalem quan trọng với cả Hồi giáo, Cơ đốc và Do Thái giáo?

Tại Jerusalem, mỗi hòn đá đều có câu chuyện, mỗi cây ô liu là một lịch sử, và mỗi ngọn núi có tên khác nhau, tùy thuộc vào người kể cho chúng ta về những địa danh đó là ai. Bởi vì nơi đây là cội nguồn và nơi cùng chung sống của cả 3 tôn giáo hàng đầu thế giới: Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo.

Thành phố ngày nay là một bức tranh khảm vừa cổ kính vừa hiện đại. Từ các bức tường cũ kỹ đầy những cây bụi phủ rêu phong đến tuyến đường sắt hiện đại đi qua các cửa hàng cao cấp và khách sạn năm sao của khu phố đi bộ Mamilla.  Cảnh quan sắc tộc của Jerusalem phản ánh sự đa dạng về dân cư, xã hội.

Một góc nhìn về Thành phố cổ Jerusalem. Ảnh (Getty Image)

Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của mình, Jerusalem cũng là khởi nguồn của những tranh cãi gay gắt bất tận. Đây là một thành phố bị chia cắt, một phần của người Ả Rập, một phần của người Do Thái, và các bên vẫn đang tranh đấu không ngừng nghỉ cho quyền sở hữu thánh địa này. Cả Israel và Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của nước mình. Israel đã chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sau đó sát nhập lãnh thổ này vào quốc gia Do Thái, nhưng cộng đồng quốc tế chưa công nhận chủ quyền này.

>>Căng thẳng Bờ Tây bùng phát, Palestine cắt liên lạc với Israel

Ngoài nổi tiếng là vùng đất tranh chấp triền miên giữa Israel và Palestine, Jerusalem cũng được biết đến là thánh địa của cả 3 tôn giáo hàng đầu thế giới là Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, những tín ngưỡng cùng chia sẻ nguồn gốc chung về Thánh Abraham.

Trung tâm của thánh địa này là ‘Thành phố cổ’, một mê cung những ngõ hẹp và kiến trúc lịch sử đặc trưng cho bốn phần dân cư: Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Do thái và người Armenian. Thành cổ được bao quanh bởi một bức tường và những ngôi nhà bằng đá pháo đài, cùng các địa điểm linh thiêng nhất thế giới.

Mỗi một thành phần chủng tộc, tôn giáo sinh sống tại ¼ lãnh thổ thành phố cổ. Người Cơ đốc giáo có 2 phần vì người Armenia cũng theo đạo Cơ đốc. Người Armenia sống ở ¼ nhỏ nhất và đó là một trong những trung tâm lâu đời nhất của người Armenia trên thế giới.

Vùng đất thiêng của Cơ đốc giáo

Những người hành hương Cơ đốc giáo tổ chức thắp nến tại Nhà thờ Holy Sepulcher ở Jerusalem, theo truyền thuyết là nơi chôn cất của Chúa Jesus. (Ảnh Sebastian Scheiner/AP)

Khi bước vào bất kỳ một nhà thờ Cơ đốc giáo nào, hình ảnh đập vào mắt chúng ta ở trên các bức tường chính là khung cảnh về thánh địa Jerusalem. Trên đó có vẽ các Trạm Thập tự là một chuỗi 14 bức ảnh miêu tả hành trình cuộc đời của Chúa Jesus cho tới khi qua đời. Vào mùa Lễ Mùa Chay các tín đồ Cơ đốc hàng ngày vẫn cầu nguyện trước mỗi bức tranh này. Với mỗi tín đồ Cơ đốc điều quan trọng nhất trong cuộc đời họ là tới được Jerusalem và trở thành một người hành hương đi bộ qua đường Dolorosa – Con đường Đau khổ – theo bước chân của Chúa Jesus đã từng trải qua khi vác thập tự giá. Từ thời trung cổ, hàng ngàn Trạm Thập tự đã được tạo ra ở khắp nơi trên thế giới để cho phép bất cứ con chiên nào cũng có thể hành hương thông qua các bức tranh dù không có khả năng để thực sự tới được Đất Thánh.

Bethlehem là nơi sinh của Chúa Jesus, Nazareth là nơi ông lớn lên, nhưng Jerusalem mới là thành phố thực sự quan trọng đối với các tín đồ Cơ đốc. Đây là nơi mà Chúa Jesus thuyết giảng, dự ‘Bữa tiệc Cuối cùng’ với các môn đồ trước khi chết; cũng là nơi ông bị bắt, đưa ra xét xử, bị kết án tử hình, bị đóng đinh và qua đời; là nơi Jesus bị chế nhạo và tra tấn bởi những người La Mã chiếm đóng. Đó là nơi, các tín đồ Cơ đốc giáo tin rằng, ngôi mộ của ông đã được tìm thấy trống rỗng và Jesus đã hồi sinh từ cõi chết. Do đó, Jerusalem là một nơi đau khổ sâu sắc, tuyệt vọng cùng cực, nhưng cũng là mảnh đất của hy vọng và cứu rỗi. Đó là trái tim thiêng liêng của câu chuyện Cơ đốc giáo.

Nhà thờ tại Jerusalem được quản lý cùng nhau bởi các đại diện của các giáo phái Cơ đốc giáo khác nhau, chủ yếu là Chính thống giáo Hy Lạp, các tu sĩ dòng Franciscan từ Giáo hội Công giáo La Mã và Hội dòng Armenia, và có cả người Ethiopia, Coptics và Giáo hội Chính thống Syria.

Jerusalem không chỉ là một nơi lịch sử cho các tín đố Cơ đốc giáo, nó cũng là phép ẩn dụ cho tất cả những gì mà họ khao khát trong thế giới này và thế giới tiếp theo. Đó là một nơi hoàn hảo, một thành phố hoàng kim, một thiên đường mà họ sẽ đạt được vào một ngày nào đó sau khi chết. Nó cũng đại diện cho việc tạo ra một trái đất mới.

Đế chế Hồi giáo ở Jerusalem kéo dài trong 12 thế kỷ

Phụ nữ Palestine tham dự vào các buổi cầu nguyện thứ Sáu trong tháng lễ Ramadan tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. (Ảnh: Getty Image)

Jerusalem (trong tiếng Ả Rập là al-Bayt al-Maqdis – “Nhà Thánh hóa” – hay đơn giản là Al-Quds, “Thành Thánh”) là nơi quan trọng với người Hồi giáo vì nhiều lý do.

Trước tiên, Jerusalem là nơi đầu tiên mà tín đồ Hồi giáo hướng về cầu nguyện (qibla), trước khi nó được đổi sang hướng tới thánh địa Mecca. Khi Nhà tiên tri Muhammad bắt đầu sứ mệnh của mình vào năm 610 sau công nguyên, ông đã theo sau Do Thái và Cơ đốc giáo hướng về Jerusalem khi cầu nguyện hàng ngày và coi Hồi giáo là sự tiếp nối và đổi mới của dòng họ tín ngưỡng Abraham.  Tuy nhiên, ông ước rằng Chúa sẽ thay đổi qibla tới Ka’ba ở Mecca và đó là những gì đã xảy ra sau đó.

Jerusalem cũng là một nơi quan trọng của chuyến hành trình tâm linh sâu sắc về đêm của Nhà tiên tri Muhammad được gọi là wal-Mi’raj của al-Isra (“cuộc hành trình ban đêm và hướng thượng”), trong đó ông đã được gặp hiện thân của Chúa. Cuộc hành trình này bắt đầu từ “nhà thờ Hồi giáo thiêng liêng” (al-masjid al-haram, tức là thánh địa Mecca) tới “nhà thờ Hồi giáo xa nhất” (al-masjid al-aqsa, tức là Thánh địa Jerusalem, còn gọi là Núi Đền).

Theo truyền thuyết Hồi giáo, nhà Tiên tri đã đi một cách kỳ diệu từ Mecca đến Jerusalem và sau đó đi lên qua bảy thiên đường, lên đến đỉnh điểm và có một cuộc trò chuyện trực tiếp với hiện thân của Chúa. Trước khi lên thiên đường, Nhà tiên tri Muhammad đã dẫn dắt linh hồn của tất cả các vị tiên tri trước đây của Chúa cầu nguyện, bao gồm tất cả các vị tiên tri trong Kinh thánh và truyền tụng trong người dân Do Thái. Chính theo cách tiếp nối đức tin Abraham này, mà người Hồi giáo thường coi al-masjid al-aqsa (còn được gọi là al-haram al-sharif, hay “Thánh địa Cao quý”) tại  Jerusalem như “Đền thờ của Vua Solomon”. Thánh địa này đã trở thành nơi thiêng liêng thứ ba trong hành trình hành hương của các tín đồ Hồi giáo.

Các tín đồ Hồi giáo hành hương tới khu thánh địa này quanh năm, nhưng mỗi thứ Sáu trong tháng Ramadan, hàng trăm ngàn người Hồi giáo đến cầu nguyện tại “Thánh địa Cao quý”.

Luật Hồi giáo đã áp dụng ở Jerusalem kéo dài 12 thế kỷ, dài hơn bất kỳ hệ thống luật lệ nào khác, dù là của Do thái, La Mã, Ba Tư hay Cơ đốc giáo. Những điểm nổi bật về chính trị bao gồm cuộc chinh phục của Vua Hồi Omar, cuộc phục hồi của Saladin từ những người theo chủ nghĩa thánh chiến, và việc xây dựng lại các bức tường thành của Sulejyman. Ngoài ra, Jerusalem cũng có lịch sử tâm linh và trí tuệ Hồi giáo mạnh mẽ – ví dụ, nhà thần học Al-Ghazali được cho là đã dành cả năm để tĩnh tâm, thiền định và cầu nguyện ở một tháp giáo đường của “Thánh địa Cao quý”.

Từ năm 1967, đối với nhiều người Hồi giáo, Jerusalem đã trở thành biểu tượng kháng chiến chống lại sự chiếm đóng các lãnh thổ Ả Rập của người Israel và tình trạng của Jerusalem là một trong những vấn đề chính cần được giải quyết như là một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Israel và Ả Rập ở hiện tại và trong tương lai. Trong khi đó, các nhóm cực đoan và khủng bố như al-Qaeda, IS và lực lượng Al-Quds của Iran vẫn thường xuyên gọi “giải phóng Jerusalem” là một trong những mục tiêu chính của họ.

Với người Do Thái, Jerusalem là một lý niệm tôn giáo vượt thời gian

Những người Do Thái được phủ khăn choàng cầu nguyện thực hiện lời cầu nguyện ở Bức tường phương Tây tại Thành phố cổ Jerusalem. (Ảnh: Getty Image)

Đối với người Do Thái, Jerusalem không chỉ là một địa điểm thực tế đầy ý nghĩa trong cả lịch sử Do Thái trong quá khứ và hiện tại, mà đó còn được coi là một lý niệm tôn giáo vượt thời gian. Khu vực này đã được người Do Thái đầu tiên, Abraham (năm 1800 trước Công nguyên) tìm ra trong khi đi vân du khắp các vùng đất để tìm “Miền đất hứa”. Theo truyền thuyết, nơi mà Abraham chuẩn bị quyên sinh đứa con trai Isaac của mình cho Thiên Chúa nhưng sau đã được lệnh không làm như vậy, bởi đây chỉ là một thử thách về đức tin dành cho Abraham, chính là địa điểm mà sau đó thành Jerusalem được xây dựng.

Sau khi người Do Thái đi tới Ai Cập để tránh nạn đói, bị bắt làm nô lệ và sau đó trở về Israel và David đã chọn Jerusalem  làm thủ đô của vương quốc mình (khoảng năm 1000 trước công nguyên). Do đó, Jerusalem là một phần quan trọng của vương quốc đầu tiên của Israel. Jerusalem cũng đã trở thành trung tâm tôn giáo, vì ở đó là nơi vua của vương quốc Israel, Solomon đã xây dựng Đền thờ – trung tâm thờ phụng quốc gia. Người đứng đầu tất cả các hộ gia đình Israel đều được yêu cầu phải tổ chức một cuộc hành hương tới Đền thờ đó ba lần một năm để cùng nhau tổ chức ba lễ hội lớn.

Jerusalem là thành phố cực kỳ quan trọng trong thời kỳ đó và những ai không thể hành hương đến đây, ít nhất cũng nên hướng về đất thánh Jerusalem để cầu nguyện, trong trường hợp đó, lời cầu nguyện của họ sẽ được nghe như thể họ có mặt. Cho đến ngày nay, tất cả các giáo hội đều phải hướng về Jerusalem, để những tín đồ Do Thái được định hướng theo đúng truyền thống. Jerusalem bị phá huỷ hai lần, lần đầu bởi người Babylon vào năm 586 trước công nguyên, và lần thứ 2 là trong cuộc chiến Do Thái – La Mã vào năm 70 sau công nguyên.

Người Do Thái đã phải sống lưu vong trong 2.000 năm tiếp theo, nhưng trong trái tim họ Jerusalem vẫn còn nguyên vẹn như là biểu tượng của sự thống nhất quốc gia. Khi nhà nước Israel được khai sinh vào năm 1948, một cách tự nhiên Jerusalem đã được phục hồi là thủ đô của đất nước.

Ngày nay, tại nơi Vua Solomon xây dựng Đền thờ vẫn còn lưu giữ được Bức tường Than khóc – Kotel hay còn gọi là Bức tường phía Tây – là nơi gần nhất mà người Do Thái cho rằng họ có thể cầu nguyện tới Đức Thánh Cha Abraham.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt tay lên bức tường Than khóc

Bức tường phía Tây hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch khắp nơi trên thế giới tới thăm quan. Người Do Thái từ năm châu cũng đến thăm nơi này để cầu nguyện và kết nối với quá khứ của họ.

Tân Bình (t/h)

Xem thêm:

Tân Bình

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Tân Bình

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

27 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

46 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

52 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

1 giờ ago