Hôm 18/8, một số nhân chứng đã nói với hãng tin Reuters rằng các thành viên có vũ trang của Taliban đã ngăn chặn người dân đến sân bay Kabul để chạy khỏi Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ giữ quân đội Mỹ ở lại đất nước cho đến khi tất cả người Mỹ được sơ tán.
Kể từ khi Taliban tiến vào Kabul cuối tuần qua, cảnh hỗn loạn đã diễn ra khi hàng nghìn người tìm cách rời đi, lo sợ sẽ phải quay trở lại thời kỳ cai trị khắc nghiệt Taliban với cách diễn giải cực đoan về luật Hồi giáo.
“Mọi người đều muốn chạy khỏi đất nước,” một thành viên của một gia đình Afghanistan nói sau khi đến Đức. “Mỗi ngày đều tồi tệ hơn ngày trước. Chúng tôi đã tự cứu mình nhưng không thể giải cứu gia đình mình.”
Các nhân chứng cho biết các thành viên Taliban đã ngăn cản mọi người vào sân bay, kể cả những người có giấy tờ cần thiết để đi lại.
“Đó thực sự là một thảm họa. Taliban đã bắn lên không trung, xô đẩy người dân, đánh đập họ bằng AK47”, một người đã thử cố gắng vượt qua cho biết.
Một quan chức Taliban cho biết các chỉ huy và binh sĩ đã nã đạn lên không để giải tán đám đông bên ngoài sân bay Kabul, nhưng nói với Reuters: “Chúng tôi không có ý định làm bị thương bất kỳ ai”.
Khi việc vận chuyển công dân phương Tây và người Afghanistan làm việc cho các chính phủ nước ngoài gia tăng, ông Biden cho biết các lực lượng Hoa Kỳ sẽ ở lại cho đến khi việc sơ tán người Mỹ kết thúc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải vượt qua thời hạn rút quân hoàn toàn vào ngày 31 tháng 8.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã nói với các phóng viên ở Washington rằng Mỹ đã đề nghị Taliban “cho phép tất cả công dân Mỹ, tất cả công dân nước thứ ba và tất cả những người Afghanistan muốn rời đi được làm vậy một cách an toàn và không bị quấy rối.”
Tuy nhiên, 4.500 lính Mỹ ở Kabul không thể giúp đưa người dân đến sân bay để sơ tán vì họ đang tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho sân bay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Washington, thừa nhận rằng việc sơ tán đã không đạt được mục tiêu.
Máy bay chở hàng của Mỹ, vốn có thể chở tới 600 người, mỗi chiếc đã rời Kabul với chỉ khoảng 100 người trên khoang vào đêm thứ Ba.
Trong đêm, 18 máy bay C-17 của Không quân Mỹ rời Kabul chở tổng cộng 2.000 người, trong đó có 365 người Mỹ. Một trong những chuyến bay hôm thứ Ba mà một nhà báo của CBS đã có mặt chở khoảng 300 người bao gồm các phiên dịch, phụ nữ và trẻ em. Tức là 17 máy bay còn lại mỗi chiếc chỉ chở trung bình khoảng 100 người.
Số người trung bình trên máy bay phản lực tăng vào thứ Tư, lên khoảng 180 người trên mỗi chuyến bay, với tổng số 1.800 người được sơ tán trên 10 chiếc C-17 trong suốt cả ngày.
Các máy bay này được trang bị để chở khoảng 150 binh sĩ và tải trọng hàng hóa nặng. Tuy nhiên, trong các tình huống thảm họa, chúng có thể được sử dụng để chở trên 600 người mà không vượt quá giới hạn trọng lượng. Vào Chủ nhật, một trong những chiếc máy bay này đã đưa 640 người Afghanistan rời Kabul đến Qatar.
Các chuyến bay đến Đức, Úc, Hà Lan, Pháp và Ý cũng đã cất cánh vào thứ Tư với chỉ vài chục người trên máy bay mặc dù có sức chứa hàng trăm người. Trong một trường hợp gây sốc, một chiếc máy bay Đức với sức chứa 150 người đã khởi hành từ Kabul hôm thứ Ba với chỉ với 7 người trên khoang.
Một trong những lý do khiến số lượng hành khách thấp là vì họ không vượt qua được các chốt chặn của Taliban thiết lập quanh sân bay.
Taliban hiện đang kiểm soát tất cả các đường phố xung quanh sân bay. Hiện Mỹ và các quốc gia khác đang dựa vào quân đội của mình để tìm cách cho mọi người đi qua.
Hiện tại, nhóm khủng bố – vốn trước đó đã tuyên bố “mong muốn hòa bình” – đã từ bỏ lời hứa của mình bằng cách diễu hành những tên trộm bị buộc dây thừng quanh cổ, đánh đập trẻ em và không ngừng bắn đạn vào không trung.
‘Taliban đã nói rằng đường xá rộng mở, mọi người có thể di chuyển. Chúng tôi đã nghe tất cả những câu chuyện về trạm kiểm soát, quấy rối, khó khăn, kẹt xe, chúng tôi đang cố gắng giải quyết những vấn đề đó,” bà Wendy Sherman nói.
Tại một cuộc họp báo ngắn gọn với các nhà báo hôm thứ Tư, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby đã nói về các vấn đề ‘xử lý’ đang diễn ra và sự chậm trễ trong việc cung cấp cho mọi người thủ tục giấy tờ cần thiết.
Ông Kirby thừa nhận rằng ông không biết có bao nhiêu người Mỹ vẫn còn mắc kẹt ở Kabul và nói rằng ông “không thể đoán trước được sẽ có bao nhiêu người sẽ rời đi trong đêm.”
Có ít nhất 11.000 công dân Mỹ vẫn còn mắc kẹt ở Afghanistan và hàng chục nghìn người Afghanistan đã giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến và đang cố gắng xin Thị thực nhập cư đặc biệt (SIV) trước khi Taliban từ bỏ thiện chí và giết họ.
Faziya Nematy, một cư dân New York đã đến thăm Afghanistan vào tháng 7 và bị mắc kẹt, hôm thứ Tư cho biết không có cách nào để cô đến sân bay cùng con trai.
“Tôi, bản thân tôi, đang mắc kẹt ở đây. Tôi là một công dân Hoa Kỳ, thậm chí không thể ra ngoài, có các con của tôi ở đây. Không có sự trợ giúp nào ở đây, không có một binh lính Mỹ nào ở đây.”
Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao đã đề nghị một số người Mỹ tự tìm đường đến sân bay và họ không thể giúp đỡ họ hoặc đảm bảo an toàn cho họ trên đường đi.
Các nhân chứng cho biết tại Jalalabad – cách Kabul khoảng 150km về phía đông, ít nhất ba người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống Taliban hôm thứ Tư.
Sau khi nắm chính quyền, Taliban cho biết họ sẽ không trả thù những kẻ thù cũ và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
Hai nhân chứng và một cựu quan chức cảnh sát nói với Reuters rằng các tay súng Taliban đã nổ súng khi người dân cố gắng cắm quốc kỳ Afghanistan tại một quảng trường trong thành phố, khiến 3 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.
Một chính phủ mới để thay thế Tổng thống Ashraf Ghani, người đang sống lưu vong ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), có thể dưới hình thức một hội đồng cầm quyền, với lãnh đạo tối cao của Taliban là Haibatullah Akhundzada đứng đầu quản lý, thành viên cấp cao của nhóm Waheedullah Hashimi cho biết.
Afghanistan sẽ không phải là một nền dân chủ. “Đó là luật Sharia và chính là như vậy”, Hashimi nói với Reuters.
“Sự thiếu rõ ràng” đối với chính phủ Afghanistan đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế đình chỉ việc tiếp cận các nguồn dự trữ, bao gồm 440 triệu USD dự trữ tiền tệ của nước này. Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thúc đẩy động thái này để đảm bảo rằng khoản phân bổ dự kiến cho Afghanistan sẽ không rơi vào tay Taliban.
Ông Ghani, người đã bị các cựu bộ trưởng chỉ trích gay gắt vì đã rời Afghanistan khi lực lượng Taliban tràn vào Kabul hôm Chủ nhật, cho biết ông đã làm theo lời khuyên của các quan chức chính phủ. Ông cũng phủ nhận những thông tin cho rằng ông mang theo số tiền lớn.
“Nếu tôi ở lại, tôi sẽ chứng kiến cảnh đổ máu ở Kabul”, ông Ghani nói trong một video được phát trực tuyến trên Facebook.
Taliban đã gợi ý rằng họ sẽ áp đặt luật thả lỏng hơn so với thời kỳ cầm quyền trước đây.
Hashimi cho biết vai trò của phụ nữ, bao gồm quyền làm việc, giáo dục và quy tắc ăn mặc, cuối cùng sẽ được quyết định bởi Hội đồng Hồi giáo.
“Họ sẽ quyết định xem họ có nên mặc hijab, burqa, hay chỉ mạng che mặt cộng với abaya hoặc thứ gì đó hay không. Điều đó là tùy thuộc vào họ”, ông nói với Reuters.
Theo quy định của Taliban năm 1996 – 2001, phụ nữ không được làm việc, trẻ em gái không được đi học và phụ nữ phải mặc những chiếc áo khoác kín mít để ra ngoài.
Nhiều người Afghanistan đã hoài nghi về những lời hứa của Taliban.
“Gia đình tôi sống dưới thời Taliban và có thể họ thực sự muốn thay đổi hoặc đã thay đổi, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời được và điều đó sẽ sớm trở nên rõ ràng”, Ferishta Karimi, người điều hành một cửa hàng may mặc cho phụ nữ cho biết.
Lê Vy (theo Reuters, Daily Mail)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…