Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ đăng nghiên cứu về nạn giết tù nhân để lấy nội tạng tại TQ

Ngày 2/4/2022 vừa qua, Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ đã đăng tải một nghiên cứu về nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân ở Trung Quốc với tiêu đề “Hành quyết dưới hình thức lấy nội tạng: Vi phạm nguyên tắc hiến tạng của người chết tại Trung Quốc” (Execution by organ procurement: Breaching the dead donor rule in China). Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ là tạp chí y khoa hàng tháng của Hiệp hội Bác sỹ Phẫu thuật Cấy ghép Hoa Kỳ (American Society of Transplant Surgeons) và Hiệp hội Cấy ghép Hoa Kỳ (American Society of Transplantation), hai hiệp hội cấy ghép lớn của Hoa Kỳ với số lượng các chuyên gia phẫu thuật cấy ghép tạng tham gia lần lượt là 1.900 và 4.000 người. Các nghiên cứu do Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ đăng tải đều là các nghiên cứu đã được bình duyệt.

(Ảnh minh họa: David Tadevosian, Shutterstock)

Hai tác giả của nghiên cứu, ông Matthew P. Robertson từ Đại học Quốc gia Australia và ông Jacob Lavee từ Trung tâm Y tế Sheba tại Đại học Tel Aviv, đã viết:

“Trong những trường hợp này, mổ lấy tim trong quá trình lấy nội tạng chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người hiến tạng. Vì những người hiến tạng này chỉ có thể là tù nhân, phát hiện của chúng tôi cho thấy rõ rằng các bác sĩ ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tham gia vào việc hành quyết bằng cách thu hoạch nội tạng.”

Đề cập đến việc hiến nội tạng để phục vụ cho việc cấy ghép, hai tác giả nhắc lại quy tắc hiến tạng từ người chết (Dead Donor Rule) như một lằn ranh đạo đức không được phép vượt qua. “Quy tắc này quy định không được thực hiện việc lấy nội tạng cho đến khi người hiến tặng được chính thức tuyên bố là đã chết, đồng thời, việc lấy nội tạng không được gây ra cái chết cho người hiến tặng”, bài báo viết.

Căn cứ vào 2.838 báo cáo từ cơ sở dữ liệu gồm 124.770 ấn phẩm về cấy ghép bằng tiếng Trung, hai tác giả đã tiến hành phân tích nội dung các báo cáo trên máy tính để đánh giá pháp y. Nghiên cứu cho hay, “Thuật toán của chúng tôi tìm kiếm bằng chứng về những tuyên bố khả nghi về những trường hợp chết não trong quá trình lấy nội tạng… Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng trong 71 báo cáo chứng tỏ rằng tình trạng chết não chưa được công bố đầy đủ.”

“Từ những báo cáo này, chúng tôi đi đến kết luận đã xảy ra những vi phạm về quy tắc hiến tạng của người chết: vì người hiến tặng không bị chết não trước khi xảy ra việc lấy nội tạng, nên tuyên bố về tình trạng chết não là không hợp lý về mặt y khoa. Từ đó cho thấy, đối với những trường hợp này, cái chết là do bác sỹ phẫu thuật lấy tạng gây ra”, nghiên cứu viết.

Các tài liệu y tế từ năm 1980 đến 2015 cho thấy Trung Quốc là quốc gia ghép tạng lớn thứ hai trên thế giới, tính theo số ca cấy ghép, nhưng các nhà nghiên cứu nhân quyền nhận thấy con số cấy ghép nội tạng thực tế ở Trung Quốc còn cao hơn nhiều. Các tác giả viết: “Các bệnh viện ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không ngừng quảng cáo rằng thời gian chờ cấy ghép chỉ là hàng tuần, trong khi thời gian chờ đợi ở Hoa Kỳ được tính bằng tháng và năm.” Các quảng cáo du lịch ghép tạng này đã xuất hiện trên các trang web tiếng Anh, Nga, Ả Rập và các ngôn ngữ khác.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian nghiên cứu tập trung vào, Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng tự nguyện và có rất ít người hiến tự nguyện. Nghiên cứu chỉ ra rằng theo ba nguồn tin chính thức, trong đó có lãnh đạo đương nhiệm của ngành cấy ghép bấy giờ, số người hiến tạng tự nguyện (tức là không phải tù nhân) ở Trung Quốc cộng dồn tính đến năm 2009 chỉ bằng khoảng 0,3% trong số 120.000 nội tạng được báo cáo công khai chính thức.

Ngoài ra, năm 2007, lãnh đạo ngành cấy ghép tại Trung Quốc viết rằng 95% các ca ghép tạng là lấy nội tạng từ các tù nhân. Khi phân tích tổng hợp các bằng chứng này, “có thể suy luận logic rằng, hầu như tất cả nội tạng trong các ca cấy ghép trong các tài liệu mà chúng tôi xem xét hẳn đều phải lấy từ tù nhân. Giả thuyết rằng số đó gồm cả tử tù và tù nhân lương tâm”, nghiên cứu viết.

Để tìm lời giải, các tác giả đã đặc biệt phân tích tình trạng cấy ghép tim và phổi, vì việc lấy tim và phổi thường có nhiều dữ liệu liên quan để xem xét tình trạng bệnh nhân. Báo cáo cho biết:

“71 bài báo [từ Trung Quốc] mà chúng tôi xác định gần như chắc chắn đều có vi phạm đạo đức hiến tạng vì trong mỗi trường hợp, như đề cập bên trên, các cuộc phẫu thuật không khai báo việc xác định tình trạng chết não hợp lệ, mà một khâu quan trọng trong đó là kiểm tra tình trạng ngừng thở, từ đó dẫn đến việc bệnh nhân cần đặt nội khí quản và thở máy… Trong trường hợp sử dụng mặt nạ thay vì đặt nội khí quản – hoặc phẫu thuật mở khí quản nhanh ngay sau khi đặt nội khí quản, hoặc đặt nội khí quản sau khi rạch xương ức khi bác sỹ phẫu thuật kiểm tra tim đang đập – thì việc thiếu khâu xác định tình trạng chết não trước khi tiến hành lấy tạng còn rõ ràng hơn.”

Trả lời phỏng vấn của tờ Australian Financial Review, tác giả Matthew P. Robertson chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy rằng bác sĩ đã trở thành đao phủ hành quyết thay cho chính quyền, mà cách hành quyết là mổ lấy tim”.

“Có nhiều cáo buộc đáng tin cậy và liên tục về việc Trung Quốc giết hại tù nhân Pháp Luân Công và các tù nhân chính trị khác để lấy nội tạng”, tờ National Review bình luận về nghiên cứu.

Tham khảo nghiên cứu tại đây.

Theo Minghui.org
Tác giả: Vương Anh
Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Vương Anh

Published by
Vương Anh

Recent Posts

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

2 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

12 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

18 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

52 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

1 giờ ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

1 giờ ago