Ngày 4/2/2022 vừa qua, tờ National Review đã đăng tải bài viết của bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tín ngưỡng thuộc viện Hudson, một viện chính sách uy tín của Hoa Kỳ. Bài viết chỉ ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện không chỉ một cuộc diệt chủng. Bên cạnh cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, cuộc đàn áp Pháp Luân Công vốn diễn ra hơn 2 thập kỷ cũng là một cuộc diệt chủng cần được các chính phủ phương Tây công nhận. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài báo, bản gốc xem tại đây.

National Review: ĐCSTQ đã diệt chủng người tập Pháp Luân Công
Bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tín ngưỡng thuộc viện Hudson. (Ảnh: USCIRF, Wikipedia, Public Domain)

*

Đảng Cộng sản Trung Quốc còn thực hiện
một cuộc diệt chủng nữa – đối với Pháp Luân Công

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nên lên án rõ ràng cuộc đàn áp Pháp Luân Công và tuyên bố đây là một tội ác diệt chủng.

Năm ngoái, cả chính quyền Trump và chính quyền Biden đều xác định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số người Hồi giáo khác ở Tân Cương. Đây là một bước ngoặt trong lĩnh vực nhân quyền, vì hành động tàn bạo này đang diễn ra dưới bàn tay một chính phủ lớn, đang nắm quyền, một chính phủ kịch liệt phủ nhận và che đậy các cáo buộc. Với tiền lệ công nhận diệt chủng này và với các nguồn bằng chứng tương tự, một cuộc diệt chủng thứ hai của ĐCSTQ – cuộc diệt chủng chống lại nhóm thiền định tâm linh Pháp Luân Công – đáng lẽ đã phải được công nhận từ lâu.

Các báo cáo gây sốc về 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tẩy não (được chế độ gọi là “trung tâm đào tạo nghề”) đã được giới truyền thông nhấn mạnh. Các vụ tra tấn, cưỡng hiếp và cưỡng bức lao động có hệ thống cũng đã được báo cáo. Mặc dù đây là những hành vi tàn bạo, việc chỉ định diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ còn nổi bật hơn. Cựu Ngoại trưởng Pompeo đã giải thích vào tháng 1 năm ngoái trên tờ Wall Street Journal rằng, bằng chứng về các thủ tục y tế cưỡng bức ngăn chặn người Duy Ngô Nhĩ sinh đẻ là “then chốt” cho quyết định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi gọi đây là một cuộc diệt chủng. Một nghiên cứu của Quỹ Jamestown năm 2020 trên các dữ liệu Trung Quốc của học giả Adrian Zenz đã tiết lộ tỷ lệ tăng trưởng dân số của người Duy Ngô Nhĩ giảm mạnh khác thường, tương ứng với các lời chứng rằng ĐCSTQ đã buộc nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phải phá thai, triệt sản và đặt vòng tránh thai. Tháng trước, Tòa án về Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Vương quốc Anh gồm các chuyên gia độc lập đã khẳng định lại lập luận của ông Pompeo trong một phán quyết tuyên bố tội “diệt chủng”. Phán quyết “diệt chủng” của tòa dựa trên các tiêu chí của Công ước về Diệt chủng của Liên Hợp Quốc về tính có chủ ý, tính hủy hoại thể xác của một phần hoặc tất cả nhóm người.

Quay lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công, dấu hiệu của tội ác diệt chủng xuất hiện thông qua một số báo cáo khắt khe, cho thấy lượng lớn người tập Pháp Luân Công bị giam giữ đã buộc phải tuân theo các thủ tục y tế khiến họ tử vong. Các báo cáo này cho thấy rằng, trong hơn 20 năm kể từ khi tuyên bố ý định loại bỏ nhóm Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào những người tập Pháp Luân Công để thực hiện việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, bên cạnh việc giam giữ, bắt cóc và tra tấn hàng loạt. Điều này có nghĩa là nạn nhân bị giết trong khi hoặc ngay trước khi tim, gan, phổi và thận của họ bị phẫu thuật cắt bỏ để bán tại nơi mà Bắc Kinh tự hào là thị trường cấy ghép nội tạng lớn nhất thế giới. Mới đây một tuyên bố quan trọng từ các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã củng cố thêm trường hợp về tội ác diệt chủng này.

Vào năm 1999, theo ước tính của Bắc Kinh, Pháp Luân Công có 70 triệu người tập. Ở thời điểm này, chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tổng bí thư ĐCSTQ, Giang Trạch Dân, đã chỉ thị tiêu diệt Pháp Luân Công. ĐCSTQ sau đó đã ngay lập tức phát động một chiến dịch quyết liệt chống lại nhóm này mà theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ“một cỗ máy an ninh ngoài vòng pháp luật do Đảng điều hành nhằm loại bỏ phong trào Pháp Luân Công”. Bộ Ngoại giao báo cáo rằng, ở Trung Quốc, số lượng người tập Pháp Luân Công hiện nay ở vào khoảng từ 7 triệu đến 20 triệu.

Nghiên cứuThu hoạch đẫm máu và các bản cập nhật của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và các chuyên gia David Matas và Ethan Gutmann đã kết luận rằng: “Nguồn gốc phần lớn lượng nội tạng khổng lồ [mà Trung Quốc] dùng để cấy ghép đến từ việc giết người vô tội: người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, tín đồ Kitô giáo tại gia và chủ yếu là người tập Pháp Luân Công”. Bằng chứng cho thấy người tập Pháp Luân Công không chỉ là một trong những nạn nhân của ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng cưỡng bức mà còn có thể là nạn nhân chính của nó trong hai thập kỷ. Hai cuộc điều tra đã kết luận như vậy vào năm 2020, một là nghiên cứu xuất bản bởi Quỹ Jamestown của tác giả Matthew Robertson thuộc Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản; một là từ Tòa án [về cưỡng bức thu hoạch tạng tại] Trung Quốc, một hội đồng độc lập được dẫn đầu bởi Ngài Geoffrey Nice, [một luật sư nhân quyền uy tín], người cũng đứng đầu Tòa án về diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.

Cuốn “Thu hoạch đẫm máu” ghi nhận việc các bệnh viện Trung Quốc lên lịch cấy ghép theo yêu cầu, chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, trong khi số liệu từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy thời gian chờ đợi trung bình để có thận ở Hoa Kỳ là 4 năm. Phiên bản lưu trữ từ năm 2004 của trang web của một công ty cấy ghép tư nhân có trụ sở tại Trung Quốc đã quảng cáo một cách trơ trẽn rằng người nước ngoài sẽ nhận tạng từ những người hiến tặng còn sống: “Ở Trung Quốc, chúng tôi thực hiện các ca ghép thận từ người hiến tạng còn sống. Nó hoàn toàn khác với những ca cấy ghép thận lấy từ cơ thể người đã qua đời mà bạn nghe nói đến ở các bệnh viện và trung tâm lọc máu của Nhật Bản”.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã chấm dứt việc lạm dụng nguồn nội tạng, bao gồm cả việc sử dụng các tử tù, vào năm 2015, và thiết lập một hệ thống hiến tặng tự nguyện để thay thế; Tòa án Trung Quốc phát hiện rằng số liệu thống kê cấy ghép chính thức của Trung Quốc là “giả mạo”. Tòa án nhận thấy một “khoảng thiếu hụt không thể bù đắp” giữa các đánh giá “đáng tin cậy” dựa trên dữ liệu bệnh viện (khoảng 60.000 đến 90.000 ca cấy ghép hàng năm) với dữ liệu do chính phủ công bố (5.146 người hiến tạng đủ điều kiện hàng năm). Tòa án và các nghiên cứu khác kết luận rằng nguồn nội tạng từ người tập Pháp Luân Công đã giúp lấp đầy khoảng trống này. Cần lưu ý rằng các phương tiện truyền thông thông thường trích dẫn khoảng 65.000 người tập Pháp Luân Công bị sát hại để lấy nội tạng, nhưng đây là từ nghiên cứu của tác giả Ethan Gutmann chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2008.

Các bằng chứng khác bao gồm lời khai rằng những người tập Pháp Luân Công bị giam giữ thường trải qua việc kiểm tra y tế trong tù, và kết quả kiểm tra được đưa vào cơ sở dữ liệu của chính phủ để hệ thống bệnh viện có thể phân bổ nội tạng. Quỹ Jamestown chỉ ra những chi tiết về việc nhân viên cấy ghép tạng cũng đồng thời là cán bộ của ĐCSTQ tham gia đàn áp Pháp Luân Công; đồng thời chỉ ra sự phối hợp chặt chẽ giữa ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân, nhà tù và bệnh viện trong việc cấy ghép nội tạng.

Hai năm trước, Tòa án Trung Quốc kết luận rằng ĐCSTQ phạm “tội ác chống lại loài người” trong việc thu hoạch nội tạng, nhưng tòa cho rằng thiếu bằng chứng để coi ĐCSTQ là phạm tội diệt chủng vì thiếu “tính chủ ý” theo Công ước về Diệt chủng của Liên Hợp Quốc. Tòa án cho rằng việc những người tập Pháp Luân Công tử vong do bị thu hoạch nội tạng có thể là hậu quả của mục đích tìm kiếm lợi nhuận thuần túy thay vì hành vi diệt chủng “có chủ ý” rõ ràng. Tuy nhiên một thông tin mới hơn khiến cho lập luận đó không còn đứng vững. Cụ thể, tài liệu của các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã tiết lộ rằng Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác bị nhắm mục tiêu riêng biệt để thu hoạch nội tạng, trong khi những người bị giam giữ với nội tạng có giá trị tương đương không phải là nguồn thu hoạch. Việc ĐCSTQ chỉ nhắm mục tiêu vào các nhóm thiểu số tôn giáo bị giam giữ, đặc biệt là Pháp Luân Công, cho thấy lợi nhuận không phải là động cơ chính yếu (mặc dù tiền có thể là động cơ cho các nhân viên y tế tham gia).

Trong một tuyên bố chung vào tháng 6 năm ngoái của 12 chuyên gia nhân quyền độc lập được Liên Hợp Quốc chỉ định để báo cáo về các vấn đề như tra tấn, giam giữ, tự do tôn giáo, quyền phụ nữ và quyền của thiểu số, các chuyên gia tuyên bố rằng họ “vô cùng lo lắng” trước “thông tin đáng tin cậy” về “nạn thu hoạch nội tạng đối với người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô giáo đang bị giam giữ tại Trung Quốc”. Thông tin đáng tin cậy này bao gồm các báo cáo về việc những nhóm người này là đối tượng của các cuộc kiểm tra y tế không tình nguyện. Kết quả của các cuộc kiểm tra là họ bị “đăng ký trong cơ sở dữ liệu nội tạng sống để tạo điều kiện cho việc phân bổ nội tạng”. Hơn nữa, nguồn “đáng tin cậy” cũng cho thấy “các tù nhân khác không bị bắt buộc phải trải qua các kỳ kiểm tra như vậy”. Điều này có nghĩa là các nhóm thiểu số tôn giáo bị lựa chọn riêng để “hành quyết y tế”. Phương thức này được sử dụng như một biện pháp đàn áp, tương tự như việc người Hồi giáo ở Tân Cương bị lựa chọn riêng ra để thực hiện các biện pháp triệt sản. Bức tranh đã hoàn chỉnh: chỉ thị “tiêu diệt” Pháp Luân Công của ĐCSTQ; kết luận của Tòa án Trung Quốc; kết luận của các chuyên gia khác rằng một số lượng lớn người tập Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ và các quan chức lựa chọn riêng để đưa lên bàn mổ cấy ghép khiến họ tử vong trước khi mổ hoặc trên bàn mổ. Điều này đã cấu thành “tính chủ ý” trong việc diệt chủng theo Công ước về Diệt chủng của Liên Hợp Quốc.

ĐCSTQ đã thao túng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để che đậy nỗi kinh hoàng này, tương tự những gì nó đã làm trong đại dịch COVID-19. Vào năm 2020, học giả Matthew Robertson chỉ ra rằng lực lượng đặc nhiệm chống buôn bán nội tạng, cố vấn của WHO, được khởi xướng bởi Ủy viên Trung ương ĐCSTQ, ông Hoàng Khiết Phu. Lực lượng đặc nhiệm này, đứng đầu là bác sĩ phẫu thuật cấy ghép của Đại học Harvard, ông Francis Delmonico, chịu ảnh hưởng của ông Hoàng Khiết Phu, một thành viên của cái gọi là lực lượng “độc lập”. Một thông cáo của chính phủ cũng xác nhận rằng chính ông Hoàng Khiết Phu đã “thay mặt cho Trung Quốc đề xuất thành lập một lực lượng đặc nhiệm của WHO”. Matthew Robertson nhận xét, không có gì ngạc nhiên khi lực lượng đặc nhiệm đã “gạt bỏ” các cáo buộc về nạn thu hoạch nội tạng.

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đang tỏ ra sẵn sàng trong việc thừa nhận sự đàn áp của ĐCSTQ. Vậy thì họ cần lên án rõ ràng cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công và tuyên bố đây là một tội ác diệt chủng. Nếu điều này được thực hiện sớm hơn, cuộc diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ có thể đã không bao giờ xảy ra. Ấy vậy mà Thế vận hội lại được tổ chức ở Bắc Kinh năm 2022, điều ấy đã gián tiếp cho phép ĐCSTQ tiếp tục viết chương kinh hoàng trong hồ sơ nhân quyền tồi tệ của nó.

Tác giả: Nina Shea
Xem bài gốc tại đây
Minh Nhật dịch thoát

Xem thêm:

Mời xem video: