Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã không tỏ ra nồng ấm như trước kia khi gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp các nguyên thủ quốc gia hôm thứ Sáu tại Uzbekistan.
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan, được tổ chức trong bối cảnh ông Putin đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt về việc phát động cuộc chiến tranh chống Ukraine. Các quan chức Hoa Kỳ lưu ý rằng ngay cả nhiều tiếng nói ủng hộ Điện Kremlin cũng buông lời chỉ trích về những thất bại gần đây của quân Nga và “đẩy ông Putin vào thế bí”.
Trong cuộc gặp tại Uzbekistan lần này, khi hai nguyên thủ Nga – Ấn Độ gặp nhau, ông Modi đã tránh việc ôm ông Putin như thường lệ, theo Tanvi Madan, giám đốc của The India Project cho biết.
Ông Putin đã nói với ông Modi rằng ông hiểu ông Modi lo ngại những gì liên quan đến cuộc chiến Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Nga đồng cảm với những lo ngại này và rằng “chúng tôi muốn tất cả những điều này kết thúc càng sớm càng tốt.”
Tuy nhiên, ông Modi đã đáp lại rằng: “Thời đại ngày nay không phải là thời kỳ cho chiến tranh, và tôi đã nói chuyện với ngài về điều này qua điện thoại vài lần … trong những ngày tới, làm thế nào chúng ta tiến tới con đường hòa bình, chúng ta chắc chắn sẽ có cơ hội thảo luận về điều này.”
Thủ tướng Ấn Độ cũng nhắc lại mong muốn cả hai quốc gia vẫn là đồng minh.
Vào tháng 5, bà Madan đã viết trên tờ The Economist rằng mặc dù Ấn Độ không loại trừ việc mua vũ khí hoặc dầu của Nga, và đã tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nhưng Ấn Độ “không ủng hộ hay tán thành” cuộc chiến.
Bà viết: “Các lợi ích của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bất lợi bởi động thái của Moscow. “Cuộc xâm lược đã gây nguy hiểm cho cuộc sống của hơn 20.000 công dân Ấn Độ ở Ukraine, một trong số họ đã thiệt mạng. Nó làm gia tăng lo ngại của Ấn Độ về hành động quân sự tiếp theo của Trung Quốc tại biên giới, trong khi sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào châu Âu.”
Cuộc xung đột cũng đã gây ra mối nguy cho Ấn Độ liên quan đến chuỗi cung ứng vũ khí, bà nói thêm.
Lời kêu gọi hòa bình của ông Modi lặp lại ý tưởng tương tự mà ông đã sử dụng vào năm 2014 trong chiến dịch vận động tranh cử. Khi đó, ông đã đề cập đến Trung Quốc.
“Thời thế đã thay đổi”, ông Modi nói, theo Reuters. “Thế giới không hoan nghênh tư duy bành trướng trong thời đại ngày nay. Trung Quốc cũng sẽ phải bỏ lại tư duy bành trướng.”
Ông Modi lặp lại thông điệp tương tự vào tháng 11 năm 2020, mặc dù không nhắc tên Trung Quốc.
“Ngày nay cả thế giới đang gặp rắc rối bởi các thế lực bành trướng”, ông Modi nói vào năm 2014, theo Hindustan Times. “Theo một cách nào đó, chủ nghĩa bành trướng là một dạng rối loạn tâm thần và phản ánh tư duy của thế kỷ 18. Ấn Độ đang phản đối mạnh mẽ kiểu tư duy này”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu. Ông Tập nói với ông Putin, người mà ông gọi là “người bạn thân thiết và lâu đời”, rằng ông muốn cả hai quốc gia cùng đóng góp với tư cách là những “cường quốc” toàn thế giới.
Ngân Hà (theo Newsweek)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…