Tâm lý bảo hộ sản xuất trong nước đang gia tăng tại Đức. Cũng giống như chính phủ Trump ở Mỹ, nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang thực hiện các bước để mở rộng khả năng ngăn chặn các giao dịch nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, được coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier mới đây trao đổi với nhật báo Die Welt rằng việc giảm hạn ngạch đầu tư nước ngoài là cần thiết để giám sát “thêm nữa các vụ mua lại các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế”.
Hiện tại nếu các vụ bán từ 25% trở lên vốn chủ sở hữu của một công ty Đức cho một nhà đầu tư nằm ngoài Liên minh Châu Âu (EU), thì chính phủ Đức có quyền phủ quyết để ngăn chặn giao dịch. Nội các của bà Merkel đang muốn giảm hạn ngạch này xuống 15%.
“Chúng tôi muốn có thể xem xét kỹ hơn các công ty trong lĩnh vực quốc phòng, cơ sở hạ tầng quan trọng và một số công nghệ dân sự khác có liên quan đến bảo mật, chẳng hạn như an ninh công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Altmaier nói.
Ông Altmaier cho biết chính phủ Đức không muốn ngăn chặn đầu tư nước ngoài, mà là muốn hiểu rõ hơn về những nhà đầu tư nước ngoài và động cơ mua lại doanh nghiệp Đức của họ.
Theo tờ Die Welt, đề xuất sửa đổi Quy định Ngoại thương và Thanh toán đã được gửi tới nhiều bộ. Luật sửa đổi trao cho chính phủ nhiều quyền hơn này có thể có hiệu lực ngay trong năm nay.
Ông Altmaier cho hay: “Tất nhiên chúng tôi muốn các công ty tiếp tục đầu tư vào Đức. Nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm bảo vệ lợi ích an ninh và trật tự công cộng”.
Ngoại giới đánh giá động thái của chính phủ Merkel ngăn chặn dòng tiền nước ngoài đổ vào các doanh nghiệp Đức chủ yếu nhắm mục tiêu vào các nhà đầu tư Trung Quốc. Các quan chức Đức lo ngại rằng Trung Quốc quan tâm tới các công ty Châu Âu chủ yếu để sử dụng chúng làm phương tiện thâu tóm các công nghệ và bí quyết kinh doanh quan trọng.
Ông Stephen Ezell, Phó Chủ tịch Quỹ Công nghệ Thông tin và Sáng tạo – một nhóm tư vấn có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Một thành tố cốt lõi trong chiến lược của họ [Trung Quốc] là bước ra thị trường quốc tế và nỗ lực mua các doanh nghiệp hoặc công nghệ, thường các thương vụ này do các công ty Trung Quốc có tài trợ của chính phủ hoặc các công ty của nhà nước Trung Quốc thực hiện”.
“Họ sử dụng vỏ ngoài là các giao dịch thị trường tự do để che đậy thực tế bên trong, nhiều trường hợp, đó là các khoản đầu tư nước ngoài do nhà nước định hướng để tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp, ngành công nghiệp hoặc công nghệ nước ngoài quan trọng”, ông Stephen Ezell nhấn mạnh.
Báo cáo của Tập đoàn Rhodium và Viện Mercator về Nghiên cứu Trung Quốc gần đây cho biết Trung Quốc đang nắm giữ nhiều công ty khắp Châu Âu. Chế độ Bắc Kinh đã đầu tư gần 30 tỷ euro vào thị trường Châu Âu trong năm ngoái.
Báo cáo nêu trên nêu rõ chế độ cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong các vụ mua lại doanh nghiệp như vậy. Tỷ lệ cổ phần của các đơn vị nhà nước trong tổng đầu tư của Trung Quốc ở Châu Âu đã tăng từ 35% trong năm 2016 lên 68% trong năm 2017.
Đức, Pháp và Anh Quốc là những nước hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc nhất. Ba nước này chiếm tới 75% tổng đầu tư của Trung Quốc vào EU.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Rhodium và Viện Mercator, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào các công ty Đức đã giảm đáng kể trong vài năm qua, từ 11 tỷ euro năm 2016 xuống chỉ còn 1,8 tỷ euro năm 2017.
Trong hai năm qua, những quan ngại về đầu tư nước ngoài tại Đức đã tăng lên, điều này dẫn tới chính phủ Đức đẩy mạnh quyền giám sát và phủ quyết của họ. Tuy nhiên, báo cáo của của Tập đoàn Rhodium và Viện Mercator nhận định việc đầu tư từ Trung Quốc vào Đức giảm cũng liên quan tới thời gian chờ đợi chuyển giao quyền kiểm soát doanh nghiệp lâu và báo cáo này nhấn mạnh rằng Đức vẫn là địa chỉ đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tâm lý bảo hộ tại Đức đã bắt đầu gia tăng từ năm 2016 khi Tập đoàn Midea của Trung Quốc chuyên sản xuất đồ gia dụng đã mua lại thành công công ty Kuka AG – một nhà sản xuất robot của Đức. Thương vụ gây tranh cãi này đã lan rộng lo lắng về việc Trung Quốc có thể đang cố gắng mua nhiều nhất có thể công nghệ cao vốn là thành tố quan trọng chiến lược của nền kinh tế Đức. Sau đó, chính phủ Đức đã ngăn chặn một thương vụ tương tự liên quan tới một quỹ đầu tư Trung Quốc dự định mua lại hãng sản xuất chip Aixtron của Đức.
Theo Epoch Times, chính phủ của Thủ tướng Merkel gần đây đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn một công ty Trung Quốc muốn mua lại tập đoàn Leifeld Metal Spinning – một nhà sản xuất máy công cụ kiểu Đức rất quan trọng cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và hạt nhân.
Lập trường cứng rắn của Đức là một phần của chuỗi phản ứng toàn cầu chống lại các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Theo Thời báo Tài chính (Financial Times), xuất phát từ lo ngại tới an ninh quốc gia, Anh Quốc trong tháng Bảy vừa qua cũng đã công bố một văn bản chính sách dày 120 trang tăng cường khả năng của chính phủ trong việc ngăn chặn các thương vụ mua lại doanh nghiệp, tài sản của nước Anh. Financial Times đánh giá động thái này của Anh Quốc chủ yếu nhắm vào các nhà đầu tư Trung Quốc và Nga.
Tại Mỹ, để giải quyết rủi ro từ đầu tư Trung Quốc, các nhà lập pháp tại Washington gần đây đã thảo luận về một dự luật lưỡng đảng với tên gọi Đạo luật Hiện đại hóa Rà soát Rủi ro Đầu tư nước ngoài (FIRRMA). Dự luật mới này nhằm cải cách sự giám sát và quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) – cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm đánh giá các mối đe dọa tới an ninh quốc gia xuất phát từ một số loại đầu tư nước ngoài vào Mỹ.
Dự luật mới là một bước tiến quan trọng, vì nó sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ xem xét một loạt các giao dịch với phạm vi lớn hơn. Tổng thống Donald Trump đang kêu gọi Quốc hội nhanh chóng bỏ phiếu thông qua dự luật.
Dự luật FIRRMA tăng thêm quyền hạn cho CFIUS, giúp cơ quan này có thể kiểm toán các thương vụ mua bán không chỉ giới hạn ở các giao dịch mà thực thể nước ngoài sẽ nắm cổ phần chi phối, mà tính đến cả các cổ đông nước ngoài sẽ chỉ nắm cổ phần nhỏ trong các công ty kinh doanh về cơ sở hạ tầng và công nghệ quan trọng.
Theo nhìn nhận của ông Stephen Ezell – Phó Chủ tịch Quỹ Công nghệ Thông tin và Sáng tạo, dường như các nước phương Tây đang phối hợp cùng nhau để rà soát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc.
“Nó là phù hợp khi các nước, trong đó có Mỹ, Đức và một số nước khác đang sử dụng quy trình sàng lọc nghiêm ngặt hơn để thực sự hiểu được nhà đầu tư đang đứng sau những đề xuất mua lại doanh nghiệp”, ông Ezell nói.
Theo Epoch Times,
Tân Bình
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…