Bộ Tư pháp Mỹ hôm 18/4 đã chính thức công bố với Quốc hội và công chúng Mỹ toàn văn hơn 400 trang báo cáo điều tra Nga kéo dài 22 tháng của Biện lý Đặc biệt Robert Mueller. Theo đó, ông Mueller đã đưa ra kết luận rõ ràng về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Không có ai trong số cả Tổng thống Donald Trump và bất kỳ thành viên nào trong chiến dịch của ông thông đồng với Nga.
Biện lý Đặc biệt Robert Mueller. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Báo cáo cuối cùng của ông Mueller có đoạn viết: “Mặc dù cuộc điều tra này cho thấy rằng chính phủ Nga nhận thấy họ sẽ có lợi từ việc ông Trump làm tổng thống và đã làm việc để đảm bảo kết quả đó, và rằng chiến dịch [Trump] đã hy vọng họ sẽ có lợi ích bầu cử từ các thông tin bị đánh cắp và phát tán thông qua các nỗ lực của Nga, nhưng cuộc điều tra không cho thấy thành viên nào trong chiến dịch của Trump đã âm mưu hoặc hợp tác với chính phủ Nga.”
Tổng Chưởng lý William Barr hôm 24/3 đã đưa ra kết luận khái quát 4 trang về báo cáo của ông Mueller. Và trong buổi họp báo nhanh trước khi công bố toàn văn báo cáo của Biện lý Đặc biệt hôm 18/4, ông Barr đã nói với các phóng viên rằng ông Trump đã từ chối dùng đặc quyền hành pháp của tổng thống để biên tập lại bất kỳ nội dung nào của báo cáo điều tra này. Kết quả là, tất cả các biên tập trong tài liệu cuối cùng này là do một nhóm nhỏ từ Bộ Tư pháp, văn phòng Mueller và cộng đồng tình báo quyết định.
Trong báo cáo cuối cùng, Biện lý Đặc biệt đã xác định hai nỗ lực chính mà chính phủ Nga thực hiện trong việc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Những chi tiết mở rộng của mỗi nỗ lực này đã được công khai trong các cáo trạng mà ông Mueller đã đưa ra đối với Cơ quan Nghiên cứu Internet Nga (IRA) và một nhóm quan chức tình báo thuộc Quân đội Nga (GRU). Báo cáo của ông Mueller cáo buộc rằng trong khi IRA đã điều phối một chiến dịch gây ảnh hưởng tới các cử tri Mỹ thông qua truyền thông xã hội, thì GRU đã thực hiện tấn công mạng nhắm vào đảng Dân chủ và đăng tải công khai các thư điện tử họ đánh cắp được lên mạng trực tuyến.
Trong cả hai trường hợp nêu trên, ông Mueller đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy bất kỳ người Mỹ nào cố tình âm mưu thông đồng với Nga.
“Nói cách khác, Biện lý Đặc biệt đã không tìm thấy sự thông đồng của bất kỳ người Mỹ nào với các hoạt động bất hợp pháp của IRA,” Tổng Chưởng lý Barr nói và thêm rằng không có bằng chứng về “thông đồng” của chiến dịch Trump với hành vi tấn công mạng của chính phủ Nga.
Sau khi toàn văn báo cáo của ông Mueller được Bộ Tư pháp công bố, Tổng thống Trump – người luôn chỉ trích gay gắt cuộc điều tra Nga – đã đăng một loạt tweet chào mừng những tin tức từ báo cáo điều tra cuối cùng.
“Như tôi đã từng nói suốt thời gian qua, KHÔNG THÔNG ĐỒNG – KHÔNG CẢN TRỞ!” ông Trump viết.
Trong những phát biểu ngắn gọn về vấn đề này tại một sự kiện khác ở Tòa Bạch Ốc hôm 18/4, Tổng thống Trump cũng đã đề nghị rằng cần phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn các cuộc điều tra tương tự nhắm vào những vị tổng thống Mỹ khác trong tương lai.
“Điều này không bao giờ nên xảy ra thêm lần nữa với một vị tổng thống khác. Trò lừa bịp này không bao giờ nên xảy ra với một vị tổng thống khác lần nữa,” ông Trump nói.
Phó Tổng Chưởng lý Rod Rosenstein đã chỉ định ông Robert Mueller là Biện lý Đặc biệt vào tháng 5/2017 để đảm đương một cuộc điều tra mà FBI đã khởi động từ 31/7/2016. Chỉ lệnh của ông Rosenstein khi đó đã trao cho ông Mueller quyền điều tra “bất kỳ liên quan và/hoặc hợp tác giữa chính phủ Nga và các cá nhân liên quan tới chiến dịch của Tổng thống Donald Trump,” “các vấn đề đã nổi lên hoặc có thể nổi lên trực tiếp từ cuộc điều tra này,” và các vấn đề liên quan tới việc cản trở tư pháp.
Ngoài lệnh bổ nhiệm ban đầu đó, ông Rosenstein còn ban hành hai chỉ lệnh “phạm vi” khác vạch ra các giới hạn cho cuộc điều tra của ông Mueller. Nội dung của hai chỉ lệnh này là bí mật, nhưng trong báo cáo cuối cùng chúng cũng được tiết lộ một phần.
Ông Rosenstein đã ban hành chỉ lệnh đầu tiên vào ngày 2/8/2017 cho phép điều tra các cựu thành viên chiến dịch Trump gồm các ông Carter Page, Paul Manafort và George Papadopoulos. Báo cáo cuối cùng tiết lộ rằng ông Rosenstein cũng đã cho phép ông Mueller điều tra “các cáo buộc rằng ông Papadopoulos đã phạm một tội hoặc nhiều tội trong vai trò là một điệp viên không đăng ký của chính phủ Israel” và “bốn cáo buộc liên quan tới ông Michael Flynn – cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump.”
Trong chỉ lệnh thứ hai, ông Rosenstein đã trao quyền cho ông Mueller điều tra ông Michael Cohen – luật sư riêng của ông Trump; ông Richard Gates – đối tác kinh doanh của ông Manafort; ông Roger Stone – nhà vận động hành lang chính trị và là đồng minh của ông Trump; và hai người khác mà tên của họ đã được che đi trong báo cáo công khai để giữ bí mật vì hai người này không bị kết án trong cuộc điều tra.
Chỉ lệnh thứ hai này của ông Rosenstein cũng mô tả một cuộc điều tra của FBI – được mở ra trước khi chỉ định Biện lý Đặc biệt – điều tra các cáo buộc rằng Tổng Chưởng lý Jeff Sessions “đã phát ngôn sai trước Thượng viện Mỹ.” Bản chỉ lệnh này “khẳng định quyền của Biện lý Đặc biệt trong việc điều tra vấn đề đó.”
Báo cáo cuối cùng lưu ý rằng ông Mueller đã xác định nhiều tội phạm tiềm năng vượt ngoài phạm vi của cuộc điều tra Nga và đã giới thiệu các đầu mối này tới các bộ phận khác của Bộ Tư pháp và FBI. Trong số 14 giới thiệu đó, chỉ có 2 giới thiệu không bị bôi đen trong báo cáo công khai, đó là: Vụ Cohen và vụ cáo buộc luật sư Tòa Bạch Ốc Greg Craig vi phạm Đạo luật Đăng ký Điệp viên nước ngoài. Thông tin về 12 giới thiệu khác đã được che đi để giữ bí mật cho các cuộc điều tra đang tiếp diễn.
Theo The Epoch Times,
Xuân Thành
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…