Nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro cho biết trong tuần này rằng ông sẽ ban hành sắc lệnh dời lễ Giáng sinh sang tháng Mười trong bối cảnh tình trạng bất ổn và các cuộc biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử tháng Bảy đang lan rộng.
Trong tháng qua, căng thẳng đã leo thang ở Venezuela sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng không đáng tin cậy. Cả Tổng thống Maduro và các đối thủ của ông đều tuyên bố chiến thắng, khiến các cuộc biểu tình nổ ra.
Khi căng thẳng chính trị leo thang, Tổng thống Maduro đã quyết định dời lễ Giáng sinh lên sớm hơn thường lệ gần ba tháng.
Hôm thứ Hai (2/9), trong chương trình truyền hình hàng tuần của mình, Tổng thống Maduro đã giải thích lý do về quyết định của mình: “Tháng Chín …có mùi như lễ Giáng sinh. Có mùi như lễ Giáng sinh. Có mùi như lễ Giáng sinh. Đó là lý do tại sao năm nay để tỏ lòng kính trọng đối với các bạn, tôi sẽ ra sắc lệnh đón lễ Giáng sinh vào ngày 1/10. Lễ Giáng sinh đã bắt đầu vào ngày 1/10”.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Maduro, lãnh đạo Đảng Xã hội Venezuela, tuyên bố rằng lễ Giáng sinh sẽ đến sớm. Ông đã thực hiện động thái tương tự trong thời gian đại dịch Covid-19.
Cơ quan bầu cử do đảng cầm quyền hậu thuẫn đã tuyên bố Tổng thống Maduro là người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 28/7 mà không đưa ra bất kỳ kết quả chi tiết nào để chứng minh cho tuyên bố của họ như họ đã làm trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đó.
Sự thiếu minh bạch rõ ràng này đã khiến cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung tâm Carter và Liên Hợp Quốc, lên án Tổng thống Maduro và các đồng minh của ông. Trung tâm Carter là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận do cố Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter thành lập năm 1982 nhằm mục đích thúc đẩy nhân quyền và giảm bớt đau khổ của con người. Phe đối lập chính ở Venezuela đã đưa ra bản sao điện tử về kết quả kiểm phiếu bầu của chính họ cho thấy rằng ứng cử viên của họ, ông Edmundo González, đã nhận được nhiều phiếu bầu nhất.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích tuyên bố chiến thắng bầu cử của Tổng thống Maduro “được đưa ra mà không có bằng chứng hỗ trợ nào”, đồng thời cho biết, họ đã nhìn thấy “bằng chứng thuyết phục … rằng ông Edmundo González Urrutia đã giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7 ở Venezuela”.
Chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Maduro thông báo về việc dời lễ Giáng sinh sang tháng Mười, một thẩm phán Venezuela vào ngày 2/9 đã ban hành lệnh bắt giữ ông Gonzalez với cáo buộc ông phạm nhiều tội danh, bao gồm âm mưu đen tối, làm giả tài liệu, và chiếm đoạt quyền lực.
Phát biểu với các phóng viên tại Washington, phát ngôn viên John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết, Hoa Kỳ lo ngại về lệnh bắt giữ ông Gonzalez, đồng thời chỉ trích Tổng thống Maduro vì những nỗ lực được cho là để duy trì quyền lực.
Ông Kirby lên án: “Đây là một ví dụ khác về nỗ lực của ông Maduro nhằm duy trì quyền lực bằng vũ lực và từ chối công nhận ông Gonzalez giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử ngày 28/7”.
Theo ông Kirby, Washington đã thực thi một số lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Maduro. Đầu tuần này, chính phủ Hoa Kỳ thông báo rằng họ đã tịch thu một chiếc máy bay đang được Tổng thống Maduro sử dụng, với lý do trốn tránh lệnh trừng phạt và vi phạm luật xuất khẩu.
Trong một thông báo, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, một chiếc máy bay Dassault Falcon 900EX đã bị thu giữ ở Cộng hòa Dominica và đã được giao cho cơ quan chức trách liên bang ở tiểu bang Florida. Bộ này giải thích, chiếc máy bay này đã được mua thông qua một công ty bình phong và đã được đưa lậu ra khỏi Hoa Kỳ.
Trong một thông báo, Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland nhấn mạnh: “Sáng nay, Bộ Tư pháp đã tịch thu một chiếc máy bay mà chúng tôi cáo buộc đã được mua bất hợp pháp với giá 13 triệu USD thông qua một công ty bình phong và được đưa lậu ra khỏi Hoa Kỳ để [Tổng thống] Nicolás Maduro và đồng bọn của ông ta sử dụng”.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Venezuela đang tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô lớn lan rộng khắp quốc gia Nam Mỹ này. Trong một bản phân tích được công bố vào ngày 4/9, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc, các quan chức ở Venezuela đã và đang thực hiện “các hành vi vi phạm nhân quyền trên diện rộng” đối với các nhà lãnh đạo phe đối lập, những người biểu tình, cũng như những người chỉ trích kể từ sau cuộc bầu cử.
Cơ quan giám sát nhân quyền này cho biết, cho đến nay, ít nhất 24 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, hầu hết xảy ra vào ngày 29 và 30/7. Cơ quan này cáo buộc, một số lực lượng an ninh của Tổng thống Maduro, bao gồm các cục cảnh sát, có thể phải chịu trách nhiệm về “một số vụ giết người” mặc dù một số nhóm vũ trang ủng hộ chính phủ “dường như phải chịu trách nhiệm” về một số trường hợp tử vong.
Cùng lúc đó, bà María Corina Machado, lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm cả chính phủ Hoa Kỳ, cần phải thực hiện nhiều hành động hơn chống lại Tổng thống Maduro trong bối cảnh tranh chấp về kết quả bầu cử.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Năm (5/9), bà Machado cho biết: “Tôi chắc chắn nghĩ rằng Hoa Kỳ nên làm nhiều hơn nữa và tôi đã nói rất rõ ràng với họ [Hoa Kỳ] và các quốc gia khác [về điều đó]”. Đồng thời bà lưu ý rằng có những cơ chế quốc tế để trừng phạt những người vi phạm nhân quyền.
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…