Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết quốc hội nước này đã thông qua sửa đổi hiến pháp, bổ sung chính sách về lực lượng hạt nhân. Động thái này được tiến hành trong bối cảnh lãnh đạo Bình Nhưỡng cam kết tăng tốc sản xuất vũ khí hạt nhân để răn đe “sự khiêu khích” của Mỹ và Hàn Quốc.
Theo Thông tấn xã Triều Tiên (KCNA), quyết định bổ sung chính sách về lực lượng hạt nhân vào hiến pháp đã được thông qua tại phiên họp thứ 9 của Hội đồng Nhân dân Tối cao thứ 14 diễn ra vào thứ Ba (26/9) và thứ Tư (27/9). Phiên họp này có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un.
Theo lời ông Kim, tại phiên họp, quốc hội Triều Tiên đã nhất trí quyết định “bổ sung Điều 58 của Chương 4 của Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa” để đảm bảo quyền của đất nước này được sinh tồn và phát triển, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình khu vực và toàn cầu thông qua phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân lên tầm mức cao hơn.
“Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của DPRK đã vĩnh viễn trở thành luật pháp cơ bản của nhà nước, không ai được phép không tuân thủ. Đây là sự kiện lịch sử đem lại đòn bảy chính trị mạnh mẽ cho việc củng cố đáng kể năng lực phòng thủ quốc gia”, ông Kim nói trong bài phát biểu tại phiên họp quốc hội nêu trên. Ông sử dụng tên viết tắt chính thức của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK).
Tại một phiên họp quốc hội Triều Tiên vào tháng Chín năm ngoái, chế độ Bình Nhưỡng cũng đã ban hành luật hạt nhân mới cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu kẻ thù. Khi đó giới chức Triều Tiên tuyên bố rằng vị thế quốc gia hạt nhân của nước này là “không thể đảo ngược”.
Ông Kim trong bài phát biểu trong phiên họp mới nhất của quốc hội đã thúc giục các quan chức “hãy tăng cường đoàn kết hơn nữa với các quốc gia đang đứng lên chống Mỹ và chiến lược bá quyền của phương Tây”. Ông cũng lên án mối quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, gọi đó là “NATO phiên bản châu Á”.
“Đây rõ ràng là mối đe dọa thực sự tồi tệ nhất, chứ không chỉ là lời lẽ đe dọa hay thứ gì đó tưởng tượng”, ông Kim nói.
Ông Kim nói rằng Mỹ với đường lối chính sách “loại bỏ” nhà nước Triều Tiên cũng đã đang “tối đa hóa các đe dọa chiến tranh hạt nhân bằng cách nối lại các cuộc tập trận chung chiến tranh hạt nhân quy mô lớn với bản chất xâm lược rõ ràng và đang triển khai lâu dài khí tài hạt nhân chiến lược gần bán đảo Triều Tiên”.
Ông Kim cũng cho rằng “Nhóm Tham vấn Hạt nhân” giữa Mỹ và Hàn Quốc là có ý định sử dụng chiến tranh hạt nhân chống lại Triều Tiên. “Nhóm Tham vấn Hạt nhân” được thành lập khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden họp hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn hồi tháng Tư. Nhóm này được tạo ra để thảo luận về hạt nhân và các vấn đề kế hoạch chiến lược giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Triều Tiên đưa chính sách hạt nhân vào hiến pháp vào thời điểm chế độ cộng sản này đã đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc và Nga nhằm đối trọng với sự tăng cường hợp tác an ninh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hồi tháng Bảy, bộ trưởng quốc phòng Nga và quan chức cấp cao của Trung Quốc đã tới thăm Triều Tiên và đứng cùng với ông Kim Jong Un trên lễ đài danh dự trong buổi diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Đây được coi là màn thể hiện tính gắn kết giữa ba quốc gia Triều Tiên, Nga và Trung Quốc.
Đầu tháng Chín này, ông Kim cũng đã công du Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Nga trong bối cảnh Washington và phương Tây dấy lên quan ngại về thỏa thuận hợp tác vũ khí giữa Bình Nhưỡng và Moscow.
Truyền thông nhà nước Nga và Triều Tiên sau đó loan báo rằng ông Putin và ông Kim đã đồng ý thúc đẩy hợp tác quân sự.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại rằng Triều Tiên có thể tìm kiếm sự giúp đỡ công nghệ từ Nga cho các chương trình hạt nhân và trên lửa, trong khi Moscow cố gắng có được đạn dược từ Bình Nhưỡng để bổ sung vào kho vũ khí đang cạn dần do chiến tranh dai dẳng tại Ukraine.
Hôm thứ Ba (26/9), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã cảnh báo Bình Nhưỡng không được sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Yoon đưa ra tuyên bố này trong buổi diễu binh quy mô lớn lần đầu tiên tại Seoul trong một thập kỷ, phô trương nhiều loại vũ khí từ tên lửa đạn đạo đến xem tăng.
Loan báo bổ sung chính sách hạt nhân vào hiến pháp cũng đến sau khi truyền thông Triều Tiên hôm 27/9 nói rằng Bình Nhưỡng đã quyết định trục xuất quân nhân Mỹ Travis King. Lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc này đã chạy sang Triều Tiên hồi tháng Bảy. Phía Mỹ cho biết hiện Travis King đã trong tầm kiểm soát của Washington và đang trở về nhà sau khi bị Triều Tiên trục xuất sang Trung Quốc.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…