Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan vào ngày 16/7. Cả Nhà Trắng và Điện Kremlin hôm 28/6 đã chính thức xác nhận về cuộc họp thượng đỉnh chính thức đầu tiên Trump-Putin.
Trong tuyên bố phát đi hôm 28/6, Nhà Trắng cho hay: “Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, cùng một loạt các vấn đề an ninh quốc gia”.
Theo Reuters, ông Trump sẽ gặp ông Putin sau khi tham dự thượng đỉnh NATO vào 11-12 tháng 7 và sau một chuyến thăm Anh Quốc. Thượng đỉnh Trump-Putin diễn ra vào ngày 16/7 cũng là để Tổng thống Putin có thể tham gia lễ bế mạc World Cup 2018 vào ngày 15/7 mà Nga là chủ nhà.
Được biết, kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng tháng 1/2017, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Nga đã gặp nhau hai lần bên lề các cuộc hội nghị quốc tế và cũng đã nói chuyện với nhau ít nhất 8 lần qua điện thoại. Họ cũng có những bình luận tích cực về nhau. Ông Trump đã gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư, trong khi ông Putin mới đây đã lên tiếng tán dương cách điều hành nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Trump.
Với vai trò lãnh đạo của hai siêu cường hạt nhân hàng đầu thế giới, ông Trump và ông Putin cần thông qua hội nghị thượng đỉnh chính thức để hàn gắn mối quan hệ hai nước, giải quyết một số các mâu thuẫn cốt lõi đang ảnh hưởng tới hàng triệu người trên toàn cầu, trong đó có xung đột Syria, xung đột tại đông Ukraine, việc Nga sáp nhập Crimea vào Nga, cùng các biện pháp trừng phạt, trả đũa qua lại giữa hai nước Mỹ – Nga.
Tờ Epoch Times nhận định rằng ông Putin có lẽ sẽ dấy lên phản đối các chế tài Mỹ đang áp đặt, bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Trong khi đó, ông Trump có thể sử dụng những chế tài đó làm đòn bẩy để thuyết phục Nga hợp tác nhiều hơn theo lợi ích của Mỹ. Mục đích gốc rễ của ông Trump là muốn kéo Nga ra xa Trung Quốc vì mối quan hệ hợp tác giữa hai gã khổng lồ chuyên chế này có thể thách thức tới quyền lực của Mỹ và đồng minh.
Giới chức Mỹ, Nga đã chốt được lịch trình tổ chức thượng đỉnh Trump-Putin sau cuộc gặp hôm 27/6 tại Moscow giữa ông Putin và ông John Bolton – cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump.
Phát biểu trong cuộc gặp với ông Bolton, Tổng thống Putin nói: “Tôi lấy làm tiếc phải chỉ ra rằng mối quan hệ Nga – Mỹ không ở trong tình trạng tốt nhất”. Nhưng ông Putin cũng cho biết thêm: “Tôi tin rằng đây phần lớn là vì cuộc đấu đá chính trị nội bộ bên trong nước Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông tới Moscow cho chúng tôi hy vọng rằng chúng ta có thể ít nhất thực hiện các bước đầu tiên để khôi phục mối quan hệ chính thức giữa hai nước chúng ta. Nga chưa bao giờ tìm cách đối đầu”.
Những phát biểu nêu trên của ông Putin là đồng điệu với những suy nghĩ của ông Trump về ông chủ Điện Kremlin và nước Nga.
“Mối quan hệ của chúng ta với Nga hiện tại là tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây, bao gồm cả thời Chiến tranh Lạnh. Không có lý do nào cho điều này”, ông Trump viết trên Twitter hôm 11/4. Tổng thống Mỹ nói thêm: “Nga cần chúng ta để giúp nền kinh tế của họ, điều mà sẽ rất dễ để làm, và chúng ta cần tất cả các nước hợp tác cùng nhau”.
Tuy nhiên, khái niệm về cải thiện quan hệ với Nga của chính phủ Trump là khác biệt đáng kể so với cách thức mà các chính phủ tiền nhiệm theo đuổi.
Theo Epoch Times, với phương châm “nước Mỹ trên hết”, ông Trump sẽ tập trung vào lợi ích của Mỹ trước tiên, thay vì cố gắng thuyết phục chế độ Putin đi theo thể chế tự do dân chủ hoặc gia nhập cấu trúc toàn cầu.
Epoch Times, dẫn phát biểu của ông Jack Liftton – học giả cao cấp tại Viện Phân tích An ninh Toàn cầu, cho hay: “Mục tiêu của ông Trump là chấm dứt suy giảm quyền lực và uy danh của Mỹ do các chính phủ trước đây gây ra vì cố theo đuổi thế giới mơ ước vỡ vụn của chủ nghĩa cấp tiến Wilson và chủ nghĩa toàn cầu”.
Giới chức Nga khá lạc quan về thượng đỉnh Trump-Putin sắp tới. Ông Vassily Nebenzia, Đại sứ Nga tại Mỹ bày tỏ hy vọng thượng đỉnh Helsinki sẽ tái khởi động đối thoại giữa Washington và Moscow.
“Chúng tôi cần nhau, không phải vì chúng tôi muốn được yêu mến nhau. Chúng tôi không muốn và chúng tôi không cần được yêu mến. Chúng tôi đơn giản cần duy trì mối quan hệ bình thường, thực dụng giữa các lớn mà nhiều nước trên thế giới phụ thuộc vào”, ông Nebenzia phát biểu trong một cuộc họp báo tại Liên Hiệp Quốc hôm 28/6.
Ông Nebenzia cho biết ông hy vọng thượng đỉnh Trump-Putin sẽ tập trung chủ yếu vào các mối quan hệ Mỹ – Nga, nhưng cũng nói thêm rằng “chúng tôi sẽ không thể né tránh” cuộc nội chiến Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và khủng hoảng Ukraine.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng ông hy vọng ông Trump sẽ dấy lên hành động của Nga tại tây nam Syria, nơi quân đội của chính quyền Assad với sự hậu thuẫn của Moscow đang truy quét phiến quân tại “khu vực giảm leo thang” mà năm ngoái Mỹ, Jordan và Nga đã đồng ý thiết lập thỏa thuận ngừng bắn.
“Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ để ông Putin qua mặt chúng ta. Đã tám năm như vậy rồi, thật mệt mỏi về điều đó”, ông Graham nói.
Các đồng minh của Mỹ tại NATO, đặc biệt là Anh Quốc và Ukraine – những nước đang có căng thẳng với Moscow nhất, tỏ ra khá lo lắng về viễn cảnh cải thiện quan hệ Mỹ – Nga.
Anh Quốc sau vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị hạ độc tại Anh mà London cáo buộc do Moscow thực hiện, luôn muốn các đồng minh cô lập ông Putin và nước Nga. Trong khi, Ukraine rất bất an khi Tổng thống Trump thể hiện thái độ quá thân thiện với lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng trấn an các thành viên trước thượng đỉnh Trump-Putin khi nói rằng cuộc họp đó là phù hợp với các chính sách nội bộ của liên minh. Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng NATO trước nay vẫn ủng hộ đối thoại với Moscow.
Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Trump và Putin diễn ra tại thủ đô Helsinki, Phần Lan cũng là chi tiết khá đặc biệt. Helsinki là địa danh quen thuộc của các hội nghị cấp cao Đông – Tây trong Chiến tranh Lạnh và giai đoạn đầu nước Nga hội nhập trở lại thế giới tự do. Các cuộc hội nghị thượng đỉnh nổi tiếng trước đây tại Helsinki gồm cuộc gặp giữa lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Gerald Ford năm 1975; thượng đỉnh giữa Mikhail Gorbachev và George H.W. Bush năm 1990; cũng như cuộc gặp giữa Boris Yeltsin và Bill Clinton năm 1997.
Yên Sơn (T/h)
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…