Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ghi một chiến thắng vang dội trong nỗ lực duy trì quyền lực thêm 12 năm nữa, khi đa số cử tri Nga bỏ phiếu đồng ý với các sửa đổi hiến pháp ông đề ra trong cuộc trưng cầu dân ý mà phe đối lập chỉ trích là dàn dựng.
Dân Nga bắt đầu đi bỏ phiếu vào thứ Tư tuần trước để bày tỏ ý kiến về các sửa đổi hiến pháp mà cả Tòa án và Quốc hội Nga đều thông qua. Kết quả trưng cầu dân ý giúp lát đường để ông Putin, người đã cầm quyết suốt 2 thập kỷ qua, tiếp tục duy trì quyền lực cho đến năm 2036.
Theo CNN, chiến dịch vận động sửa hiến pháp không mấy nhắc đến mục đích thật sự là giữ Putin cầm quyền mà nhấn mạnh việc đưa nước Nga trở lại các giá trị gia đình truyền thống nhằm thu hút các cử tri bảo thủ.
Khẩu hiệu của chiến dịch là “Đất nước ta, Hiến pháp ta, quyết định của chúng ta”. Các tờ rơi tuyên truyền một số sửa đổi hiến pháp, chẳng hạn điều khoản quy định hôn nhân buộc phải là sự kết hợp của một nam và một nữ, nhưng lại bỏ qua một điểm chủ chốt: Hiến pháp mới sẽ đưa con số nhiệm kỳ đã giữ của Putin về 0, tức là cho phép riêng Putin ra tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa sau khi mãn nhiệm năm 2024 mà không phải xóa quy định mỗi ứng viên Tổng thống chỉ được cầm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Truyền thông phương Tây nhận định rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Moscow thúc đẩy một nỗ lực truyền thông mạnh mẽ nhằm thúc giục cử tri bước ra bỏ phiếu với mục tiêu rõ ràng để đảm bảo công chúng ủng hộ mạnh mẽ đề xuất thay đổi hiến pháp của Putin.
Kết quả sơ bộ đã rõ. Ủy ban Bầu cử Trung Ương đêm thứ Tư công bố kết quả đếm phiếu sơ bộ, trong đó hơn 76% cử tri ủng hộ.
Kết quả này tương đồng với cuộc bầu cử Tổng thống 2018 khi Putin thắng đậm nhiệm kỳ 2 với 3/4 tổng số phiếu dân Nga bầu cho ông. So với hồi đó, Putin nay còn có lợi thế của vị thế tổng thống, truyền thông Nga ít cho phép tranh luận về vấn đề chính trị quốc nội và khối nhà nước thì liên tục thúc giục nhân viên bỏ phiếu để giữ nguyên tình trạng lãnh đạo.
Theo CNN, sự ủng hộ của dân Nga đối với Putin là thật, bất chấp các nghi vấn về gian lận bỏ phiếu. Trong ngày trước khi khi đóng hòm phiếu, ông Putin xuất hiện trong một thông điệp được ghi hình từ trước tại một Đài tưởng niệm mới dành cho Các chiến sĩ Soviet hy sinh trong Thế Chiến II. Ông nói:
“Họ đã chiến đấu để chúng ta có thể sống trong hòa bình, làm việc, yêu thương và tạo ra giá trị và tự hào về nước Nga, một quốc gia với nền văn minh độc đáo và văn hóa tuyệt vời, giúp đoàn kết các số mệnh, hy vọng và khát khao của bao nhiêu thế hệ cha anh chúng ta”.
“Chúng ta sẽ bỏ phiếu cho một quốc gia mà ta muốn sống, với nền giáo dục và sức khỏe hiện đại, một hệ thống an sinh xã hội đáng tin cậy và một chính phủ hiệu quả, chịu trách nhiệm trước toàn dân. Chúng ta sẽ bỏ phiếu cho một đất nước vì những lợi ích mà chúng ta đang cố gắng và những điều mà ta muốn truyền lại con cháu chúng ta”.
Những thông điệp này có thể đầy cảm xúc, nhưng không chắc chắn khiến mọi người dân không chán nản với sự cầm quyền của Putin.
Nhân vật đối lập nổi bật của Putin, ông Alexey Navalny bác bỏ kết quả trưng cầu dân ý là “giả tạo” và “một lời nói dối khổng lồ”.
“Ngay bây giờ, một số lượng rất lớn người Nga đang chán nản với kết quả này. Tôi đã bỏ phiếu không. Tất cả mọi người quanh tôi cũng bỏ phiếu không, nhưng kết quả lại là một chữ “có” cứng rắn”, Navalny viết trong một blog. “Kết quả này chả liên quan gì đến lựa chọn của công dân Nga”.
“Putin đã thua cuộc bỏ phiếu này trước khi nó bắt đầu. Sau tất cả, ông ta từ chối tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thực sự theo tất cả mọi quy định và có người quan sát. Bởi vì ông ta biết rằng: Nếu có quy định thì ông ta sẽ thua. Ông ta chỉ có thể thắng khi tự tay vẽ số”, Navalny viết thêm.
Nhiều tổ chức độc lập cũng tỏ ra nghi ngờ về các kết quả trưng cầu dân ý và chỉ trích tổ chức giám sát bầu cử Nga thiếu quy định chặt chẽ.
TV Rain, một hãng tin độc lập tại Nga đưa tin một nhóm phản đối Putin đã nằm xuống quảng trường Đỏ và xếp thành con số 2036, ngoài ra còn một nhóm biểu tình khác cũng nằm xuống trên nền đá trước Lăng Lenin.
Theo trang OVD-Info, theo dõi việc bắt bớ ở Nga, dẫn lời luật sư nói rằng những người biểu tình đã bị bắt và nhanh chóng được thả mà không truy tố.
Một số người Nga đăng ảnh bỏ phiếu “không” lên truyền thông xã hội như một biện pháp phản kháng. Vài trăm người tập trung trong cuộc biểu tình quy mô nhỏ tại Quảng trường Pushkin, mơi biểu tình ưa thích của phe phản đối Kremlin. Một tấm biển của người biểu tình viết: “Putin vạn tuế?”
Nhưng thông điệp từ cuộc trưng cầu đêm thứ Tư rõ là: Putin sẽ không đi đâu hết. Trong một video đăng lên Telegram, lãnh đạo của Cộng hòa Chechnya thuộc Nga ông Ramzan Kadyrov tuyên bố Putin nên được công nhận là “tổng thống trọn đời”.
Với thay đổi hiện nay của Hiến pháp Nga, gần như chắc chắn ông Putin có thể cầm quyền thêm 12 năm nữa, tới năm 2036 khi ông 84 tuổi.
Đức Trí
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…