Trung Quốc có nên tiếp tục bảo vệ Bắc Hàn?

Nếu 67 năm trước Trung Quốc không điều quân giúp Bắc Triều Tiên, chế độ Kim Nhật Thành đã thất bại và bị xóa sổ trong cuộc nội chiến 1950-53. Như thế sẽ không tồn tại một Bắc Hàn bướng bỉnh, bất chấp tất cả như hiện nay. Chế độ Kim Jong Un giờ đã coi khinh cả “người bảo vệ, ân nhân” và đồng minh duy nhất của mình. Liệu Bắc Kinh còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục dung dưỡng Bình Nhưỡng?

Cho tới trước năm 2011, tức là trước khi Kim Jong Un trở thành lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên thay người cha Kim Jong Il qua đời vì bệnh tật, Bắc Kinh vẫn luôn tự hào vì đã góp công lớn vào việc bảo vệ Bắc Hàn chiến thắng “quân xâm lược Mỹ và Liên Hợp Quốc” trong chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Trong suốt 17 năm cầm quyền (1994-2011), ông Kim Jong Il, cha Kim Jng Un, không thực sự hài lòng khi Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992, nhưng cũng không chống đối Bắc Kinh. Trong một cuộc thăm viếng hiếm hoi năm 2006, ông Kim đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc.

Năm 1994, Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ ký một Thỏa thuận khung nhằm trong đó Bắc Hàn cam kết ngừng và cuối cùng bãi bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân dân dụng sản xuất điện. Mặc dù sau đó, Bắc Hàn đã bí mật phát triển vũ khí hạt nhân với lý do để tự vệ, nhưng ít nhất chính quyền Kim Jong Il khi đó vẫn thể hiện thiện chí đàm phán quốc tế và mưu cầu một nền kinh tế hướng ngoại để phát triển.

Năm 2010, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Trung Quốc tham gia “kháng Mỹ, viện Triều”, ông Tập Cận Bình, khi đó là Phó Chủ tịch nước, đã mô tả chiến tranh Triều Tiên “là một thắng lợi to lớn của khối đoàn kết quân dân Trung – Triều và cũng là một thắng lợi lớn trong việc mưu cầu hoà bình thế giới và tiến bộ nhân loại”. Khi đó, Bắc Hàn vẫn là niềm tự hào của Trung Quốc về cái họ cho là “lý tưởng cánh mạng vô sản đại đồng”, là ví dụ để Trung Quốc cho thế giới thấy sự hào hiệp của mình khi giúp láng giềng “chống giặc ngoại xâm”.

Nhưng đến thời Kim Jong Un thì sao? Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này tỏ rõ tham vọng dùng ô dù hạt nhân để tự bảo vệ mình, bảo vệ chế độ độc tài, gia đình trị và dường như không để ý gì tới bảo trợ của Trung Quốc.  Kể từ khi lên lãnh đạo Bắc Hàn đến nay, chưa một lần Kim Jong Un tới thăm Bắc Kinh và tiếp kiến cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hay hiện nay là Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong các dịp lễ kỷ niệm lớn ở Bình Nhưỡng gần đây, cũng không còn thấy sự xuất hiện của các quan chức cao cấp đến từ Bắc Kinh.

Đặc biệt, sau cuộc họp Trump – Tập tại Florida, Hoa Kỳ hồi đầu tháng 4 nơi hai bên thống nhất sẽ kiềm tỏa Bắc Hàn bằng biện pháp kinh tế, Bắc Triều Tiên tỏ rõ dấu hiệu chống đối, bất trị. Bất chấp sức ép từ Bắc Kinh, Kim Jong Un đã 2 lần cho thử tên lửa trong nửa cuối tháng 4 (hôm 16/4 và 29/4).

Thực sự đã đến lúc Bắc Kinh không cần và không nên dung dưỡng Bình Nhưỡng thêm nữa. Dưới đây là một số lý do:

Thứ nhất, nếu Bắc Kinh coi việc hao tiền, tốn của, hi sinh nhân mạng vào chiến tranh Triều Tiên là một vụ đầu tư cho chủ nghĩa cộng sản, thì đến nay nó đã thực sự cho thấy đó là vụ đầu cơ thất bại toàn diện.

Một nghiên cứu năm 2003 của một nhà nghiên cứu về lịch sử quân sự tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc cho thấy, có khoảng 2,97 triệu binh lính Trung Quốc (lên đến 70% lực lượng của Quân đội Giải phóng Nhân dân khi đó) được gửi tới Bắc Triều Tiên làm Tình nguyện quân Nhân dân Trung Quốc (CPV) và khoảng 148.000 người trong số họ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh ba năm. Số liệu thống kê của Trung Quốc sau đó cho thấy số người chết của CPV là 183.108 người.

Đối với chi phí tài chính, nghiên cứu năm 2003 ước tính rằng Trung Quốc đã chi 6,2 tỷ NDT trong chiến tranh,  khoảng 3,1% tổng thu nhập quốc dân (200 tỷ NDT) của ba năm đầu tiên Trung Quốc mới thành lập. Sau chiến tranh, Trung Quốc còn nợ Liên Xô (cũ) 1,3 tỷ USD tiền vũ khí, khí tài quân sự.

Từ quan điểm của Trung Quốc, chi phí nhân lực và tài chính của họ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vẫn nhỏ hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, cái giá mà họ trả cho việc bảo vệ đồng minh cộng sản của mình là khổng lồ.

Sau chiến tranh, mặc dù hai người hàng xóm không phải luôn luôn giữ sự gần gũi “như  răng với môi”,  nhưng mối quan hệ của họ vẫn rất khăng khít. Năm 1961, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ký Hiệp ước Hữu nghị, Hỗ trợ và Hợp tác. Hiệp ước này, được gia hạn hai lần vào năm 1981 và 2001, có hiệu lực đến năm 2021, là liên minh phòng thủ chung duy nhất của Trung Quốc ký kết với nước ngoài. Theo lý thuyết, Trung Quốc có nghĩa vụ phải hỗ trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên trong trường hợp có cuộc tấn công từ bên thứ ba.

Về phương diện kinh tế, Trung Quốc là nguồn sống chính của nước láng giềng với nguồn cung tài chính, lương thực và nhiên liệu. Các chuyên gia ước tính rằng Trung Quốc chiếm gần 90% ngoại thương của Bắc Hàn.

Tuy nhiên, đất nước mà Bắc Kinh ‘nuôi sống, bảo vệ và hỗ trợ’ suốt bao nhiêu năm qua, giờ lại quay sang miệt thị và không tôn trọng “ân nhân” của mình và thậm chí còn là mối nguy hại tới lợi ích quốc gia Trung Quốc.

Bắc Triều Tiên, tạm gọi theo cách của Trung Quốc là bên “chiến thắng” trong nội chiến 1950-53, giờ đây đã trở thành một quốc gia thất bại, bần cùng, cô lập, kinh tế bị tàn phá tan hoang, đặt dưới ách cai trị của chế độ độc tài tàn bạo.

Ngược lại, bên “thua cuộc” Hàn Quốc, bây giờ là một nước dân chủ phát triển, một cường quốc kinh tế với các công ty hàng đầu thế giới như Hyundai, Kia, LG hay Samsung.

Mặc dù cả hai nước đều tọa lạc trên cùng một bán đảo hướng ra Thái Bình Dương, nhưng chúng là những thế giới khác biệt về mọi mặt. Một bên là quốc gia nghèo nhất và ít tự do nhất trong khi bên kia là một trong những quốc gia giàu nhất và tự do nhất trên thế giới.

Thứ hai, dù rất muốn nhưng Trung Quốc giờ đã không thể kiềm chế Bắc Hàn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn cảm thấy không mấy dễ chịu, và thật khó chấp nhận một thực tế rằng đồng minh chính thức duy nhất của họ giờ đã ngoài tầm kiểm soát. Với tất cả sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và kinh tế cho Bắc Hàn, Trung Quốc không còn có thể chế ngự được Bình Nhưỡng nữa. Tệ hơn, dưới thời lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un, Bình Nhưỡng ngày càng tìm cách khinh thường, bài bác và phỉ báng Bắc Kinh.

Đầu tháng Tư này, khi Quốc hội Nhân dân Trung Quốc tổ chức cuộc họp thường niên, Bắc Triều Tiên đã tiến hành phóng thử một tên lửa đạn đạo. Tiếp theo là một vụ phóng tên lửa khác vào ngày 16/4 đã kết thúc trong thất bại và gần nhất là vụ phóng hỏng tên lửa rạng sáng 29/4, một ngày sau khi Trung Quốc cùng các nước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bàn thảo mở rộng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Người ta tin rằng các cuộc thử tên lửa này một phần đã được tính trước để khiêu khích và làm nhục Trung Quốc – nước đang được Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế trao gửi niềm tin sẽ kiềm chế thành công Bắc Hàn.

Ngoài ra, gần đây Thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh  đang “nhảy theo nhạc”  Mỹ và cảnh báo về “những hậu quả thảm khốc” trong quan hệ song phương nếu “tiếp tục áp dụng các chế tài kinh tế” lên Bình Nhưỡng.

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Bắc Triều Tiên lên án người bảo vệ chính và “ân nhân” của họ bằng cùng một ngôn ngữ chợ búa mà họ thường sử dụng để công kích các kẻ thù truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đã xem nhẹ, thậm chí là khinh thường Bắc Kinh.

Thứ ba, Bắc Hàn giờ đã là mối đe dọa an ninh với chính Trung Quốc.

Những động thái khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng vừa qua không chỉ là đe dọa thực sự với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ mà nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Quốc.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, hôm 24/4 cảnh báo rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng “gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á” và gây nguy hiểm đến “các lợi ích quốc gia quan trọng của Trung Quốc”.

Trong một bài xã luận khác ba ngày sau đó, tờ báo này nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng “những gì Bắc Triều Tiên đang làm là chống lại các lợi ích chiến lược của Trung Quốc”.

Một mối quan ngại như vậy là dễ hiểu. Vì khi phải đối mặt với sự đe dọa ngày càng tăng từ phía Bắc, Hàn Quốc đã đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hệ thống này đã được quân đội Mỹ lắp đặt xong tại một khu vực cách thủ đô Seoul về phía nam khoảng 250km. Trung Quốc xem THAAD là mối đe dọa đáng kể đến an ninh quốc gia vì nó hoàn toàn có khả năng vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo của nước này.

Quyết định của chính phủ Hàn Quốc về việc lắp đặt tấm chắn chống tên lửa của Mỹ bất chấp những đe doạ trả đũa về kinh tế từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, cũng cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh để kéo Seoul ra khỏi quỹ đạo an ninh Washington trong những năm gần đây đã thất bại.

Bất kỳ hành vi khiêu khích và hiếu chiến nào của chế độ Kim Jong-un thêm nữa, rất có thể sẽ càng làm gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Điều này sẽ dần dần làm suy yếu các lợi ích chiến lược và an ninh của Trung Quốc.

Với tất cả những lý do nêu trên, Trung Quốc bây giờ có thể đã cảm thấy thực sự hối hận vì họ quá hào phóng đầu tư  bảo vệ và nuôi dưỡng một chế độ độc tài, gia đình trị ở Bình Nhưỡng suốt mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, muộn còn hơn không, Trung Quốc vẫn còn nhiều lựa chọn để kết thúc sự tồn tại của chế độ nhà Kim. Bắc Kinh có thể tăng tối đa sức ép kinh tế để bóp nghẹt nguồn sống Bình Nhưỡng hoặc chấp nhận để Hoa Kỳ dùng biện pháp quân sự giải phóng cho nhân dân Bắc Triều Tiên, đồng thời, phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Tân Bình

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

53 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

2 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

3 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

4 giờ ago