Những năm gần đây, Bắc Hàn liên tiếp thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Trung Quốc đã phải chịu không ít áp lực và bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ đứng sau hỗ trợ cho Bắc Hàn. Vì vậy, Chính phủ Tập Cận Bình rất bất mãn với Kim Jong-un, hiện đã bắt đầu phối hợp với Liên Hiệp Quốc tiến hành các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn. Phía Trung Quốc cũng cảnh báo rằng, nếu như tiếp tục tiến hành các vụ nổ hạt nhân, có thể sẽ dẫn đến sạt lở đất và một phần không nhỏ lãnh thổ Trung Quốc sẽ phải chịu ô nhiễm phóng xạ. Có chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng, phía Trung Quốc sẽ không tiếp tục nhẫn nhịn nếu như Bắc Hàn tiến hành thử nghiệm hạt nhân tại khu vực Tây Bắc giáp với Trung Quốc một lần nữa.
Ngày 20/9, Sở nghiên cứu Vật lý địa cầu và Địa chất thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho hay, họ đã thông báo với phái đoàn đại biểu Bắc Hàn do ông Lee Doh-sik, Giám đốc Sở Nghiên cứu Địa chất thuộc Viện Khoa học Triều Tiên dẫn đầu, về mối đe doạ sập khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri.
Bắc Hàn đã 6 lần tiến hành thử nghiệm hạt nhân, trong đó có 5 lần là tại rặng núi Punggye-ri, cách biên giới Trung Quốc khoảng 80km. Đặc biệt trong lần thử nghiệm hạt nhân ngày 3/9, theo những bức ảnh vệ tinh ghi lại cho thấy tình hình núi Mantap nằm trên bãi thử nghiệm đã trở nên kiệt quệ, một khu vực rộng gần 350.000 m2 trên đỉnh núi Mantap đã bị lún xuống. Nhiều chuyên gia địa chất nghi ngờ rằng núi Mantap đang có hội chứng “núi mỏi”, chính là hiện tượng ngọn núi gần như không còn sức chống đỡ để đứng vững sau quá trình chịu lực tác động cực mạnh từ bên trong.
Dãy núi Mantap này nằm ở khu vực gần biên giới Bắc Hàn và Trung Quốc, do đó mỗi lần Bắc Hàn thử nghiệm hạt nhân, phía Sở nghiên cứu Vật lý địa cầu và Địa chất thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đều theo dõi rất chặt chẽ về tình hình khu vực này. Nhưng năng lượng giải phóng ra từ lần thử nghiệm hạt nhân thứ 6 này thì lớn hơn hẳn 5 lần trước, ước tính mạnh hơn gấp 5-6 lần so với lần gần nhất trước đó và gấp 11,8 lần so với lần thứ 4, gây ra động đất nhân tạo cường độ 5,7 độ richter. Nhiều nhà địa chất khẳng định rằng, tình hình khu vực núi Mantap này hiện sẽ rất khó chống đỡ được thêm bất kỳ tac động mạnh nào nữa.
Một chuyên gia Trung Quốc chuyên nghiên cứu về vấn đề thử nghiệm hạt nhân Bắc Hàn đã cảnh báo, Trung Quốc sẽ không tiếp tục nhẫn nhịn nếu Bắc Hàn thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri một lần nữa. Nếu cơ sở thử nghiệm hạt nhân này sụp đổ, sẽ giải phóng bụi phóng xạ ra không khí, gây thảm họa môi trường, thậm chí làm dấy lên lo ngại núi lửa Peakdu gần đó có thể phun trào trở lại.
Kênh truyền thông Hàn Quốc mới đây đã trích dẫn phân tích của giáo sư Hong Tae Kyung thuộc Đại học Yonsei, Hàn Quốc cho biết, các vụ nổ hạt nhân gây chuyển động địa chất mạnh có thể đe dọa ổn định của túi chứa nham thạch, làm gia tăng nguy cơ phun trào. Nếu điều này xảy ra, thì hậu quả còn khủng khiếp hơn gấp nhiều lần so với bom H.
Dựa trên chỉ số bùng nổ núi lửa, Peakdu được đánh giá ở mức 7, gây tai hại sẽ vô cùng khôn lường. Lần gần đây nhất Peakdu phun trào là vào năm 1903, và lần phun trào lớn nhất, được mệnh danh là “đợt phun trào thiên niên kỷ” là vào năm 964, khi đó tro bụi lan sang tận Nhật Bản.
Hôm qua (31/10), truyền thông Nhật đưa tin một đường hầm tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đang được xây dựng của Bắc Triều Tiên đã bất ngờ đổ sập, khoảng 200 công nhân làm việc tại đây có thể đã thiệt mạng.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…