Cảnh nhân viên giao hàng của Meituan trên đường phố Bắc Kinh ngày 15/4/2019 (Ảnh: 4H4 PH / Shutterstock).
Ở Trung Quốc, từ ô tô, giao đồ ăn đến cà phê và bất động sản, đều tồn tại một mô hình lặp đi lặp lại: các doanh nghiệp vội vã gia nhập một ngành, sau đó dựa vào cuộc chiến giá cả để tồn tại. Các nhà kinh tế lo ngại hiện tượng này sẽ khiến tình trạng giảm phát (lạm phát âm) của Trung Quốc ngày càng trầm trọng.
Theo hãng tin tài chính Mỹ CNBC, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Ngoại thương Pháp (Natixis), trong một hội thảo trực tuyến hôm thứ Sáu (11/7), cho biết nghiên cứu của Natixis về 2.500 công ty niêm yết tại Trung Quốc cho thấy một tình trạng: khối lượng giao dịch tăng, nhưng giá trị lại bị ảnh hưởng bởi áp lực giảm phát. Bà Herrero nói: “Nếu quan sát từng ngành và từng công ty, bạn đều thấy điều này.”
Bà bổ sung rằng bề ngoài, các công ty này dường như thống trị thị trường, nhưng thực tế họ phải trả giá đắt: không thể tạo ra đủ doanh thu để duy trì hoạt động.
Loại cạnh tranh khốc liệt và thường không hiệu quả này được gọi là cạnh tranh kiểu “nội quyển” (cạnh tranh vô ích). Dù xu hướng này giúp giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng, nó làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế sẽ rơi vào vòng xoáy giảm phát, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm thêm nhân sự.
Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Tập đoàn Macquarie, nhận định: “Xét ở góc độ căn bản, ‘nội quyển’ vừa là đặc điểm, vừa là khuyết điểm của ‘mô hình Trung Quốc’”.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9/7, trong nửa đầu năm nay, giá tiêu dùng toàn quốc giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất xưởng của các nhà sản xuất công nghiệp giảm 2,8%, và giá thu mua của các nhà sản xuất công nghiệp giảm 2,9%.
Phân tích chỉ ra rằng khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục yếu, cuộc chiến giá cả ở nhiều ngành tại Trung Quốc ngày càng khốc liệt, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá để thúc đẩy doanh số.
Việc giá hàng hóa giảm dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm, khiến họ cắt giảm lương nhân viên hoặc sa thải. Triển vọng việc làm bất ổn khiến người dân không muốn chi tiêu, dẫn đến giá hàng hóa tiếp tục giảm, lợi nhuận doanh nghiệp càng giảm, vòng xoáy giảm phát ác tính.
Ông Jianwei Xu, nhà kinh tế cấp cao khu vực Đại Trung Hoa của Natixis, cảnh báo tại hội thảo trực tuyến hôm thứ Sáu rằng tình hình nửa cuối năm nay có thể nghiêm trọng hơn. Ông nói: “Chúng tôi thấy lợi nhuận của các công ty sản xuất vẫn đang giảm.” “Nửa cuối năm, nhiều gia đình có thể chịu áp lực lớn hơn vì tìm việc sẽ khó khăn hơn.”
Trong vài năm qua, các nền tảng thương mại điện tử liên tục cạnh tranh về giá thấp nhất, khiến các nhà bán hàng than thở “một đơn hàng không kiếm nổi một tệ”. Ngày 5/7, “Taobao Flash Sale” và “Ele.me” (nền tảng bán đồ ăn trực tuyến) thuộc Alibaba bất ngờ khởi động “Ngày Flash Sale”, tung ra các khoản trợ giá và ưu đãi lớn, cho phép người dùng gần như “ăn miễn phí”. Tin tức này gây xôn xao toàn Trung Quốc, nhiều người khoe các đơn hàng như “uống trà sữa 0 đồng” (đồng Nhân dân tệ) hay “ăn Hamburg chỉ với 4 tệ”.
Đối thủ Meituan lập tức phản công với chế độ “tấn công chớp nhoáng” nhắm vào Alibaba, nâng cấp trợ giá lên “giảm 19% cho đơn từ 19 tệ” và tung ưu đãi “mua 0 đồng”.
Thị trường cà phê cũng chứng kiến cuộc chiến giá khốc liệt, thậm chí có cà phê rẻ hơn cả nước khoáng. ‘Gã khổng lồ’ cà phê Mỹ Starbucks gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, doanh số liên tục giảm vì cố giữ giá khoảng 30 nhân dân tệ (4,20 USD) mỗi ly, trong khi các đối thủ như Luckin Coffee bán cà phê latte với giá chỉ 9,9 nhân dân tệ.
Theo RedMeal.com ngày 9/6, trong 2 năm qua, giá cà phê liên tục giảm đã kéo nhiều quán cà phê độc lập vào vòng xoáy cạnh tranh giá thấp, không đủ khả năng chi trả cho các chi phí cạnh tranh tạo sự khác biệt, và buộc phải dần rút khỏi thị trường.
Ông Larry Hu của Macquarie cho rằng: “Nếu không có các chính sách kích thích mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc khó thoát khỏi vòng xoáy giảm phát.”
Ông nói rằn để đạt mục tiêu tăng trưởng, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tung ra các biện pháp kích cầu quy mô lớn. Cải thiện nhu cầu nội địa sẽ giảm áp lực cạnh tranh giá cả cho các nhà sản xuất nguyên liệu và các ‘gã khổng lồ’ internet. Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất, việc tiêu hóa năng lực sản xuất dư thừa sẽ là một quá trình dài và đau đớn.
Báo cáo hôm thứ Năm của ông Xing Ziqiang (nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Morgan Stanley) và đội ngũ của ông cho biết mức nợ công của chính phủ đã rất cao, điều này có thể hạn chế ý chí và khả năng thực hiện mở rộng tài khóa mạnh mẽ.
Ông Kyle Bass, nhà sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management, trong cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình American Thought Leader của EpochTV thuộc The Epoch Times, cho biết: “Không có biện pháp nào có thể giúp Trung Quốc thoát khỏi vòng xoáy kinh tế (xuống dốc). Họ đang đối mặt với khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên, và giờ còn phải lo về vấn đề tài khoản vãng lai.”
Ông Bass ước tính, nếu kết hợp nợ chính phủ trung ương của Trung Quốc với các khoản nợ tài chính của chính quyền địa phương, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc sẽ vào khoảng 350%. Ông cho rằng với các thách thức kinh tế đa dạng hiện nay, đây là một con số rất khó để quản lý.
Trong lần đầu tiên tổ chức lễ Kỷ niệm Hàng năm Thảm sát Volhynia, Bộ…
Sau khoảng 12 ngày xuất hiện, hố sụt lún (thường được gọi là "hố tử…
Một người đàn ông Texas đã bị bắt giữ với cáo buộc đe dọa ám sát…
TP.HCM đang lấy ý kiến các sở, ngành để xây dựng phương án hạn chế…
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảm ơn các binh sĩ Triều Tiên vì đã hỗ…
Nhà báo Tucker Carlson đã nhận định rằng những công dân Hoa Kỳ tham chiến…