Trung Quốc và Nga muốn thay thế đô la Mỹ bằng tiền tệ của nhóm BRICS

Các quốc gia thành viên BRICS kêu gọi thanh toán xuyên biên giới bằng tiện tệ của BRICS để thách thức đồng đô la Mỹ.

BRICS là tên viết tắt của 5 nước thành viên: Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa). Nhóm này đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 23/6. Hội nghị thượng đỉnh này, do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, là một phần trong chuỗi sự kiện hợp tác kéo dài của nhóm BRICS. Chuỗi sự kiện này bắt đầu vào ngày 6/6 với cuộc họp thứ hai của các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng và kết thúc với cuộc họp thứ hai của ủy ban các quan chức cấp cao về năng lượng vào ngày 28/6.

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, ông Tập kêu gọi: “Chúng ta cũng nên mở rộng hợp tác của BRICS về thanh toán xuyên biên giới và xếp hạng tín dụng để tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, và tài chính giữa các quốc gia chúng ta.”

Ông tiếp tục tái khẳng định cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc hợp tác với các quốc gia BRICS để đạt được giấc mơ của ĐCSTQ về Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI).

Tháng 4/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trình GDI lên Liên Hợp Quốc (LHQ) như một sáng kiến phát triển toàn cầu do ĐCSTQ lãnh đạo. Sáng kiến này đã được LHQ hoan nghênh và đã nhận được sự ủng hộ của 100 quốc gia. Nhóm những người bạn của GDI đã được thành lập trên nền tảng của LHQ. Cho đến nay, hơn 50 quốc gia đã tham gia sáng kiến này. Rõ ràng, việc sử dụng hệ thống thanh toán không dùng đồng đô la do Trung Quốc lãnh đạo sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sáng kiến phát triển toàn cầu mà ĐCSTQ đang kêu gọi.

Tuyên bố Bắc Kinh của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ XIV được công bố vào ngày 23/6, trong đó thiết lập các mục tiêu cho năm tới, bao gồm việc tiếp tục hợp tác về “Lực lược Đặc nhiệm Thanh toán BRICS (BPTF) như một nền tảng để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, đồng thời hoan nghênh việc hợp tác hơn nữa của các ngân hàng trung ương trong vấn đề thanh toán.”

Cả ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều kêu gọi các phương án thanh toán thay thế để giảm bớt sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế và giảm khả năng kiểm soát của Hoa Kỳ đối với hệ thống SWIFT.

Theo tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc, các chủ ngân hàng và các nhà kinh tế ở các quốc gia BRICS đã khuyến nghị rằng khối này “mở rộng các khoản thanh toán và cho vay bằng tiền tệ quốc gia để đối phó với việc vũ khí hóa đồng đô la của Hoa Kỳ.”

Hôm 22/6 hãng thông tấn Nga TASS đưa tin, trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn BRICS, Tổng thống Putin đã kêu gọi nhóm BRICS phát triển một loại tiền dự trữ quốc tế dựa trên một rổ tiền tệ.

Phát biểu với tờ Global Times hôm 21/6, ông Sergey Storchak, lãnh đạo của ngân hàng Nga VEB.RF khuyến cáo: “BRICS và các quốc gia quan tâm khác cần phải thảo luận về việc thiết lập hệ thống tài chính toàn cầu độc lập của chính mình, cho dù hệ thống này dựa trên đồng tiền Trung Quốc hoặc họ sẽ đồng ý về một cái gì đó khác.” VERB.RF là một trong những ngân hàng của Nga bị phương Tây trừng phạt và bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của Hoa Kỳ do cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Ông Tập, ông Putin và các lãnh đạo của ngân hàng VEB.RF có ba mối quan ngại cơ bản liên quan đến tiền tệ. Thứ nhất, họ không bằng lòng với sự thống trị của đồng đô la Mỹ như một loại tiền dự trữ. Thứ hai, họ không muốn đồng đô la là đồng tiền thanh toán quốc tế. Thứ ba, họ bị đe dọa bởi sự cần thiết phải giao dịch thanh toán quốc tế thông qua hệ thống SWIFT của Hoa Kỳ, vốn phụ thuộc vào các ngân hàng của Mỹ.

Lý do tại sao các quốc gia sử dụng đồng đô la Mỹ trong thanh toán quốc tế bởi vì hàng hóa, chẳng hạn như dầu, được định giá bằng đô la, và bởi vì đô la Mỹ là đồng tiền ổn định có thể dễ dàng chuyển đổi ở mọi nơi trên thế giới. Không có đồng tiền nào của nhóm BRICS được coi là có thể chuyển đổi hoàn toàn. Việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là đồng tiền có quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khiến đồng tiền này chính thức trở thành tiền tệ quốc tế, tuy như vậy khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ vẫn rất hạn chế.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đều giữ đồng đô la Mỹ như phần chính trong dự trữ ngoại tệ của họ không chỉ vì tính ổn định và khả năng chuyển đổi của đồng đô la, mà còn bởi vì tính hữu dụng của nó trong thanh toán thương mại quốc tế. Đồng rand của Nam Phi, đồng real của Brazil, đồng rupee của Ấn Độ, và đồng rúp của Nga đều là những đồng tiền tương đối yếu, do đó các quốc gia khác không muốn dự trữ các đồng tiền này.

Nếu các quốc gia nhóm BRICS có thể đạt được các thỏa thuận thanh toán quốc tế , thì các đồng tiền của nhóm BRICS cũng sẽ chỉ hữu dụng trong thương mại giữa các quốc gia này. Nói cách khác, mặc dù Nam Phi và Ấn Độ có thể đồng ý thanh toán thương mại bằng đồng rupee, nhưng không có khả năng các quốc gia khác chấp nhận đồng rupee trong thương mại với Nam Phi. Hơn nữa, một số quốc gia BRICS mang một lượng lớn nợ nước ngoài và các khoản nợ này phải được trả bằng đồng đô la Mỹ, chứ không phải đồng rupee của Ấn Độ.

Kết quả là, Nam Phi sẽ ngồi trên một đống rupee chỉ được sử dụng trong thương mại với Ấn Độ, chứ không thể sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác. Tệ hơn nữa, trong khi dự trữ đồng rupee, Nam Phi sẽ phải đối mặt với rủi ro đánh giá tiền tệ.

Các nhà giao dịch quốc tế đều sử dụng hệ thống SWIFT của Hoa Kỳ để xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới bởi vì nó an toàn, nhanh chóng, và chính xác. Quan trọng nhất, hệ thống này rất thuận tiện vì nó kết nối với các ngân hàng lớn ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Trung Quốc và Nga đều cố gắng xây dựng các hệ thống thay thế SWIFT, nhưng chưa có hệ thống nào của hai quốc gia này kết nối với các ngân hàng ở các quốc phương Tây.

Vì vậy, trừ khi thế giới đồng ý sử dụng hệ thống của Trung Quốc hoặc Nga, nếu không các quốc gia BRICS vẫn sẽ phải phụ thuộc vào hệ thống SWIFT. Và thậm chí nếu hệ thống thanh toán của Trung Quốc và Nga được đồng ý sử dụng, thì vẫn sẽ có vấn đề là đồng tiền nào sẽ được sử dụng cho thương mại quốc tế.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể được xem là đồng tiền hợp lý nhất để các quốc gia BRICS sử dụng trong thương mại nội bộ của nhóm. Hiện tại, Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên Biên giới của Trung Quốc (CIPS) được thiết lập để xử lý các giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, bằng cách đồng ý tiến hành giao dịch thương mại bằng nhân dân tệ thông qua hệ thống CIPS, các quốc gia BRICS sẽ chuyển quyền kiểm soát của Hoa Kỳ đối với thương mại xuyên biên giới của họ sang cho ĐCSTQ kiểm soát, điều mà họ có thể không cảm thấy thoải mái. 

Một giải pháp thay thế mà Tổng thống Putin và các chủ ngân hàng ở Nga khuyến nghị là sử dụng một rổ tiền tệ. Ý tưởng này mô phỏng theo quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, vốn bao gồm một rổ tiền tệ quốc tế: đồng đô la Mỹ, đồng euro, đồng nhân dân tệ, đồng yên Nhật, và đồng bảng Anh. SDR có thể được chuyển nhượng hoặc dự trữ. BRICS có thể hình thành một rổ gồm năm loại tiền tệ của mình, nhưng điều này sẽ có rất ít tác dụng trong việc giảm thiểu các vấn đề của BRICS khi sử dụng đồng nội tệ để giao dịch với quốc gia khác. Các nước khác sẽ không muốn dự trữ rổ tiền tệ BRICS. Và cuối cùng, hệ thống SWIFT của Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các giao dịch được thực hiện bằng rổ tiền tệ BRICS.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Gia Huy

Published by
Gia Huy

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

56 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

1 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

1 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

1 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

1 giờ ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

2 giờ ago