Hôm Chủ Nhật (13/5), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đăng tweet nói rằng ông muốn giúp cứu ZTE, một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Trung Quốc đang đứng trước bờ vực đóng cửa do phải chịu chế tài của Mỹ.
Vào tuần trước, ZTE đã thông báo đã đình chỉ các hoạt động sản xuất sau khi chịu tác động nặng nề của lệnh cấm xuất khẩu linh kiện Mỹ cho công ty Trung Quốc này có hiệu lực từ 15/4.
“Các hoạt động chính của công ty đã tạm dừng”, ZTE phát đi thông báo tới các nhà giao dịch thị trường chứng khoán tại Hồng Kông hôm 9/5.
Vào năm ngoái, ZTE thừa nhận trong nhiều năm qua đã thực hiện một kế hoạch kỹ lưỡng bán công nghệ Mỹ cho Iran và Bắc Hàn vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hiện tại các vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra căng thẳng. Tuần tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Bắc Kinh tới Washington tiếp tục hội đàm thương mại với những người đồng cấp Mỹ.
Trước các cuộc đàm phán quan trọng này, ông Trump đã tweet rằng ông đang làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đảm bảo ZTE sẽ quay trở lại kinh doanh nhanh chóng.
“Chủ tịch Tập của Trung Quốc và tôi đang làm việc cùng nhau để giúp công ty điện thoại khổng lồ Trung Quốc – ZTE trở lại kinh doanh nhanh chóng. Quá nhiều việc làm tại Trung Quốc đã biến mất. Bộ Thương mại [Mỹ] đã được lệnh để hoàn thành việc này”, ông Trump tweet hôm Chủ Nhật (13/5).
Theo trang tin marketwatch.com, Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét giải quyết yêu cầu của ZTE về việc tạm dừng lệnh cấm xuất khẩu linh kiện Mỹ cho công ty viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc này. ZTE phụ thuộc quá lớn vào phần mềm và phần cứng của Mỹ. Theo Reuters, ít nhất 25% bộ phận trong điện thoại của hãng ZTE là nhập từ các công ty Mỹ. ZTE chủ yếu sử dụng chip Qualcomm cho điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ khác.
Năm ngoái, ZTE đã nhập linh kiện từ khoảng 200 công ty Mỹ với giá trị hàng hóa lên tới 2,3 tỷ USD, đặc biệt phụ thuộc vào hai công ty công nghệ hàng đầu là Qualcomm Inc và Intel Corp.
ZTE đứng trên bờ vực sụp đổ không chỉ là vấn để riêng lẻ của doanh nghiệp này mà nó là bài toán tổng thể chung của Trung Quốc và chế độ Bắc Kinh cần phải đàm phán với Mỹ để giải cứu ZTE. Doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh số hai Trung Quốc đang tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động và sẽ là vấn đề lớn với chính quyền Bắc Kinh nếu ZTE phá sản.
Ông Douglas Jacobson, luật sư tại Washington D.C đại diện cho một số nhà cung cấp linh kiện cho ZTE cho hay: “Đây là một sự phát triển rất đáng quan tâm trong một trường hợp rất bất thường khi chuyển từ một lệnh trừng phạt và vụ việc kiểm soát xuất khẩu sang một trường hợp mang nhiều tính địa chính trị”.
“Không có cơ chế pháp lý cho việc này. Điều này sẽ xảy ra tiếp theo như thế nào. Họ [ZTE] không đơn thuần sẽ có thể khôi phục lại kinh doanh như bình thường”, ông Jacobson nói thêm.
Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) hôm thứ Bảy (11/5) loan tin rằng trong nỗ lực yêu cầu Mỹ tạm dừng lệnh cấm xuất khẩu, ZTE đã nói với giới chức Mỹ rằng việc họ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ vào năm ngoái không phải là lỗi hệ thống của doanh nghiệp này mà chỉ là sai phạm của quy trình và các cá nhân. Doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Trung Quốc cũng cho rằng lệnh cấm của Mỹ là một hình phạt không tương xứng.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…