Thế Giới

Truyền thông Ukraine viết về khả năng khôi phục vũ khí hạt nhân

Rất khó có khả năng như vậy, theo phỏng vấn mà Pravda Ukraine thực hiện và công bố hôm Thứ Hai. Ukraine quyết định giải trừ vũ khí hạt nhân năm 1994, ngoài nguyên nhân bị Mỹ ép buộc, thì còn nguyên nhân là Ukraine rất khó duy trì chúng. Truyền thông Ukraine lập luận rằng việc Mỹ chậm trễ trong các cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine hôm nay, sẽ khiến các nước cảm thấy lo lắng và sẽ tìm đến giải pháp phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ. Cuộc phỏng vấn bà Mariana Budjeryn được thực hiện trong bối cảnh vấn đề Ukraine chế tạo và triển khai vũ khí hạt nhân được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông.

Tấm ảnh chiếc máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 này được chụp năm 1997, hiện do Ukraine sở hữu do thừa kế từ Liên Xô (ảnh Wikimedia)

“Tôi sẽ cảm thấy quá ngạc nhiên” nếu Ukraine có năng lực về công nghệ đủ để nhanh chóng khôi phục năng lực vũ khí hạt nhân, bà Budjeryn nói với truyền thông Pravda.

Mariana Budjeryn là tác giả cuốn sách “Thừa kế quả bom: Sự Tan rã của Liên Xô và việc Giải trừ vũ khí hạt nhân của Ukraine” xuất bản năm 2023, mà nhờ đó bà đoạt giải “Cây bút Quân sự William E. Colby 2024”, theo cách giới thiệu của Pravda, tờ báo theo tương đối sát các diễn biến chính trị của Kiev.

Bối cảnh cuộc phỏng vấn

“Chúng tôi có vật liệu, chúng tôi có tri thức. Nếu có đơn đặt hàng, chúng tôi chỉ cần vài tuần là làm ra được những quả bom [nguyên tử] đầu tiên,” — Bild (Đức) 17/10/2024 dẫn lời quan chức giấu tên về vũ khí của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố rằng trong cuộc họp kín với Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng trước, ông Zelensky đã đặt ra yêu sách: Ukraine hoặc có vũ khí hạt nhân, hoặc gia nhập NATO ngay lập tức.

Mặc dù yêu sách về vũ khí hạt nhân đã bị loại khỏi bàn đàm phán, và khả năng trở thành thành viên NATO vẫn đang treo cho đến nay, thì nội dung mà ông Zelensky tiết lộ đã làm dấy lên các câu hỏi về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của quân đội Ukraine.

Dù sao thì vào thời điểm tách ra thành quốc gia độc lập vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, thì lúc bấy giờ Ukraine trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân đứng thứ 3 trên thế giới, với khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân, 173 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (IBMC), 44 máy bay ném bom chiến lược, theo con số của ACA.

Theo Pravda, sự việc đột nhiên trở nên nóng thời gian này, một phần là do tờ báo Bild (Đức) đổ dầu vào lửa khi tung tin rằng một quan chức giấu tên của Kiev thừa nhận rằng Ukraine “chỉ cần vài tuần” là có thể sản xuất bom nguyên tử, nếu muốn.

Sau đó Bộ Ngoại giao Ukraine, và tiếp đó là đích thân Tổng thống Zelensky, đã đưa ra các tuyên bố phủ nhận tất cả các thông điệp ám chỉ tương tự như thông điệp của Bild rằng mặc dù đã giải giáp vũ khí hạt nhân vào năm 1994 và đã nhận xong các khoản đền bù rồi, nhưng kỳ thực Ukraine vẫn còn giấu một tay cho đến nay, vẫn còn lưu lại năng lực sản xuất loại vũ khí hủy diệt hàng loạt rất nhạy cảm này, theo Pravda tường thuật.

Phảng phất như các lời tuyên bố của giới chính khách và quân sự Kiev vẫn chưa đủ thuyết phục công chúng, Pravda đã tiến hành phỏng vấn Mariana Budjeryn, Cộng tác viên Cao cấp về Dự án MTA (Quản lý Hạt nhân) của Trung tâm Belfer của Trường Kennedy tại Harvard. Trước đó, bà đã từng tham gia các chức vụ liên quan tới vấn đề vũ khí hạt nhân.

Cuốn sách “Thừa kế quả bom: Sự Tan rã của Liên Xô và việc Giải trừ vũ khí hạt nhân của Ukraine” xuất bản năm 2023, mà nhờ đó tác giả Mariana Budjeryn đoạt giải “Cây bút Quân sự William E. Colby 2024” (ảnh cắt ghép từ website của Harvard Kennedy School)

Quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân là điều Ukraine rất khó tránh khỏi do năng lực của bản thân

Theo thỏa thuận 1994, Ukraine trả lại cho Nga những vũ khí hạt nhân mà Kiev kế thừa từ Liên Xô vào năm 1991. Năm đó, giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago Mỹ đã bình luận rằng Ukraine không nên làm như vậy. Theo nội dung cuộc phỏng vấn của Pravda này, giải giáp hạt nhân là điều mà Ukraine rất khó tránh khỏi.

Thứ nhất, những gì mà Ukraine kế thừa từ Liên Xô không phải là một chương trình hạt nhân toàn vẹn. Nó chỉ là một số vũ khí và một số cơ sở. Nếu muốn duy trì khối tài sản đó, Ukraine bắt buộc phải đầu tư lớn vào công nghiệp hạt nhân để phát triển thành chương trình đầy đủ cho riêng mình. Đó là điều mà bối cảnh kinh tế của Ukraine không cho phép.

Trên thực tế, nhiều mảng công nghiệp mà Ukraine kế thừa từ Liên Xô năm 1991, đã bị mai một qua thời gian, khi chính quyền Kiev mỗi đời tổng thống sau bị chỉ trích nhiều hơn đời tổng thống trước. Trừ vị tổng thống thứ 2 ngồi được 2 nhiệm kỳ, thì tất cả các tổng thống khác của Ukraine đều chỉ trụ được 1 nhiệm kỳ. Thậm chí 1 vị còn chưa hết nhiệm kỳ đã bị lật đổ vào năm 2014, suýt chết do ám sát hụt, phải trốn chạy sang Nga, và sống lưu vong cho đến tận bây giờ. Trải qua những năm bất ổn, đến thời điểm chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, thì Ukraine được thế giới biết đến chủ yếu như một cường quốc nông nghiệp với các khách hàng chủ yếu là các nước ở Châu Phi.

Thứ hai, muốn khối tài sản vũ khí hạt nhân được kế thừa vào năm 1991 này trở nên hữu dụng, thì phải bố trí lại toàn bộ. Theo phân tích trong cuộc phỏng vấn, bố trí hạt nhân tại Ukraine năm đó là nhắm vào NATO và Mỹ. Giả thuyết rằng nếu như Kiev muốn dùng chúng để phối hợp với NATO và Mỹ để đối phó Nga, thế thì phải bố trí chúng lại hết hoàn toàn. Đó cũng là một khoản đầu tư không nhỏ, cả về tiền bạc và công sức.

Còn nữa, nói đến quân sự hạt nhân thì không thể chỉ nói đến đầu đạn hạt nhân. Còn phải có tên lửa, máy bay ném bom chiến thuật, tàu ngầm phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, v.v. Bà Budjeryn có đề cập đến máy bay Tu-95 và Tu-160, tên lửa hành trình Kh-55, đó là những vũ khí Ukraine kế thừa từ Liên Xô. Nhóm vũ khí đó Ukraine vẫn giữ lại, không phải trả lại Nga. Tuy nhiên, nếu Ukraine muốn phát triển năng lực quân sự về hạt nhân, thì vẫn cần đầu tư thêm về phương diện này.

Sức ép từ bên ngoài

Theo nội dung phỏng vấn, thì Mỹ vào tháng 9/1991 đã gây sức ép tới Ukraine rằng Mỹ sẽ không công nhận Ukraine về mặt ngoại giao nếu Ukraine không hứa tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân.

Ukraine mới trở thành quốc gia độc lập, cho nên rất cần sự công nhận về ngoại giao từ Mỹ. Như những gì đã chứng kiến trong lịch sử, Kiev sau đó đã chấp nhận ký vào Hiệp ước này, cam kết từ nay về sau không phát triển vũ khí hạt nhân, trở thành quốc gia phi hạt nhân.

Khoản đền bù khi trả vũ khí hạt nhân cho Nga

Theo nội dung phỏng vấn, thì trả vũ khí hạt nhân cho Nga, đã đem lại một khoản đền bù.

Kiev nhận được tiền bồi thường cho không chỉ vũ khí mà còn các nguyên liệu mà họ trao trả —uranium, plutonium, v.v.— cộng lại thì đó là một khoản không nhỏ.

Nga đồng ý xóa nợ tiền khí đốt, cũng là một khoản tiền rất lớn đối với chính phủ Kiev vào thời điểm bấy giờ, theo Pravda đánh giá.

Mỹ, thông qua Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã giúp Ukraine ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ triển khai đồng tiền riêng của Ukraine (đồng hryvnia). Đây cũng là điều mà chính quyền Kiev rất cần.

Kiev sẽ không thể nhận được những điều nêu trên nếu không chịu giải trừ vũ khí hạt nhân.

Vấn đề bảo đảm an ninh

Về bảo đảm an ninh sau khi Ukraine giải trừ hạt nhân, thì trong Bản Ghi nhớ Budapest 1994, theo phân tích trong cuộc phỏng vấn của Pravda, kỳ thực không có bất kỳ bảo đảm nào mang tính thiết thực.

Ngoài những lời hứa hẹn chung chung từ Nga và Mỹ, thì không có bất kỳ điều khoản nào, chẳng hạn như, sẽ có hành động gì nếu Ukraine bị tấn công.

Pravda viết rằng, những nhà đàm phán của phe Ukraine, cộng 2 đời tổng thống Leonid Kravchuk và Leonid Kuchma của Ukraine, đều hiểu rõ vấn đề này. Bộ Ngoại giao Ukraine lúc bấy giờ cũng đã đưa ra dự thảo các thỏa thuận mang tính ràng buộc 3 bên, trong đó gồm cả các điều khoản trừng phạt nếu bên nào đó vi phạm.

Nhưng mà, người Mỹ đã khẳng định rằng họ không thể trao cho Ukraine bất kỳ nghĩa vụ pháp lý nào hoặc bất kỳ bảo đảm tương tự nào, tờ báo Pravda viết.

Khả năng Ukraine hôm nay khôi phục năng lực hạt nhân

Trước hết, theo nội dung phỏng vấn, việc này đòi hỏi chi phí.

Muốn khởi động chương trình hạt nhân, nếu là Ukraine vào những năm thập kỷ 1990, thì cần 2 tỷ USD và thời gian khoảng 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, với Ukraine trong tình hình chiến tranh hiện nay thì rất khó phán đoán.

Nga nhất định sẽ tìm mọi cách để Ukraine không làm được điều đó. Pravda ví dụ về tình trạng hôm nay về các cơ sở hạt nhân non trẻ của Iran trước uy hiếp bởi bom đạn của Israel. Cuộc phỏng vấn đã thử nói đến một số khả năng, nhưng không chỉ ra được một biện pháp nào có tính khả thi rõ ràng.

Cuộc phỏng vấn cũng đề cập thoáng qua tới khả năng bảo đảm an ninh cho Ukraine mà không dùng tới biện pháp triển khai hạt nhân, và cũng không dùng tới biện pháp gia nhập NATO. Ví dụ triển khai các vũ khí tầm xa tại Ukraine, cho phép Ukraine uy hiếp Nga.

Nhu cầu tự phát triển vũ khí hạt nhân để bảo đảm an ninh cho chính mình

Mặc dù Mỹ và NATO suốt nhiều năm qua cổ xúy thế giới phi hạt nhân, Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân, nhưng Pravda khẳng định rằng sau tất cả những chuyện này, các nước trên thế giới sẽ nhìn vào tấm gương Ukraine. Từ đó, quan điểm phát triển vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe về quân sự để tự bảo đảm an ninh cho chính mình sẽ là một khả năng mà các nhà lãnh đạo cần cân nhắc.

“Lịch sử hạt nhân và tình trạng hiện tại của Ukraine hiển nhiên là một tấm gương rất xấu cho chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân.” — Pravda Ukraine viết

Tuy nhiên, tờ báo không nói rõ ra rằng dùng vũ khí hạt nhân làm biện pháp răn đe quân sự, chính là điều mà Bắc Triều Tiên đang làm, và cũng là nguyên nhân khiến Kim Jong-Un bị chỉ trích và bị cô lập trên trường quốc tế.

Theo tờ báo Pravda, tuy rằng niềm tin vào Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân sẽ bị xói mòn, nhưng cũng sẽ không gây nên vấn đề gì ở quốc tế kiểu như hiệu ứng domino nào đó.

Dù sao phát triển vũ khí hạt nhân không phải điều mà ai cứ muốn là làm được.

“Iran sẽ trở thành cường quốc hạt nhân vì họ nhìn vào Ukraine, và hiểu rằng họ không nên tin tưởng vào lời hứa của các cường quốc hạt nhân khác.” — Pravda Ukraine viết

Pravda viết trong bài phỏng vấn rằng tiếp theo Iran phát triển vũ khí hạt nhân thì có thể sẽ là Ai Cập, và Ả-rập Xê-út; và nếu NATO sụp đổ trong tình huống ông Trump muốn làm như thế nếu ông đắc cử tổng thống, thì Hiệp ước sẽ mất sức mạnh ước chế ở Châu Âu, và lúc đó có lẽ sẽ có Ba Lan tính đến phương án này.

Bài phỏng vấn này của Pravda phân tích vấn đề trên cơ điểm rằng họ coi việc Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, là sự vi phạm lời hứa của Nga năm xưa khi Ukraine giải giáp hạt nhân. Nhưng mà, hiển nhiên Nga không thừa nhận lập luận đó. Dù là hứa hẹn gì, nếu có, thì một khi Ukraine trở thành đe dọa trực tiếp tới an ninh của Nga thì những hứa hẹn ấy đều trở nên vô hiệu. Điện Kremlin từ lâu đã nhiều lần tuyên bố rằng NATO mở rộng về phía Đông là uy hiếp về an ninh đối với Nga.

Nhật Tân

Nhật Tân

Published by
Nhật Tân

Recent Posts

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

42 phút ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

54 phút ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

2 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

3 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

4 giờ ago

Ông Trump chọn tỷ phú Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…

5 giờ ago