Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (10/7) nói rằng ông chưa xem xét đến việc đàm phán thỏa thuận thương mại “giai đoạn 2” với chế độ Trung Quốc.
Khi được phóng viên trên Air Force One hỏi về khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại giai đoạn thứ hai với Bắc Kinh, ông Trump cho hay: “Bây giờ tôi chưa nghĩ về nó” và nói thêm rằng ông có nhiều thứ phải lo nghĩ.
“Mối quan hệ với Trung Quốc đã bị tổn hại nghiêm trọng. Họ đáng lẽ đã có thể ngăn chặn được dịch bệnh này, họ có thể đã ngăn chặn được nó. [Nhưng] họ đã không ngăn chặn”, ông Trump nói về việc Trung Quốc xử lý sai đại dịch virus corona Vũ Hán.
Vào giữa tháng Một, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó Bắc Kinh đã cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong vòng hai năm tới. Tuy nhiên, theo dữ liệu thương mại Mỹ cho đến tháng Năm, Trung Quốc đã không đi đúng tiến độ trong việc tuân thủ cam kết mua hàng.
Trong khi đó, từ khi ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, chính quyền Trump đã tăng cường áp lực lên chế độ này về nhiều vấn đề như cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xử lý sai dịch virus, tăng cường kiểm soát Hồng Kông, bành trướng trên Biển Đông, đe dọa Đài Loan và lạm dụng nhân quyền các cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Chính phủ Mỹ vào ngày thứ Tư (9/6) đã chế tài bốn quan chức cấp cao Trung Quốc do vai trò của họ trong việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Trong bốn quan chức này có Bí thư khu ủy Khu tự trị Tân Cương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Trần Toàn Quốc. Ông Trần cho đến nay đã trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc bị Washington chế tài.
>>Mỹ chế tài 4 quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương
Từ tháng Năm, chính quyền Trump cũng đã bắt đầu tiến trình xóa bỏ vị thế thương mại đặc biệt của Hồng Kông theo luật Mỹ vì Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên lãnh thổ này, đánh giá chấm hết quyền tự trị của trung tâm tài chính và kinh doanh hàng đầu thế giới.
Quốc hội Mỹ cũng đã nhất trí thông qua dự luật chế tài các cá nhân, tổ chức hỗ trợ chế độ Trung Quốc vi phạm quyền tự do của Hồng Kông. Dự luật này đã được chuyển tới Tòa Bạch Ốc hơn một tuần để chờ Tổng thống Trump ký. Tuy nhiên, chính quyền Trump chưa cho biết liệu dự luật Hồng Kông có được ông Trump ký hay không và ông sẽ ký vào thời điểm nào.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã loan báo rằng họ có thể từ chối cho phép nhập cảnh đối với các quan chức Trung Quốc và gia đình của họ mà có liên quan tới trấn áp tự do và nhân quyền tại Hồng Kông.
Trong vài tuần gần đây, các quan chức cấp cao chính quyền Trump đã gia tăng tiếng nói chống lại ĐCSTQ, trong đó các nhà quan sát nhận thấy rằng trong chính quyền đương nhiệm Mỹ đang tăng cường quyết tâm đẩy lùi những mối đe dọa do Bắc Kinh đặt ra.
Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, ông Robert O’Brien gần đây đã nói rằng Mỹ sẽ không còn bị động trong việc đối phó với ĐCSTQ, trong khi Giám đốc FBI Christopher Wray đã gọi các hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ và gây hại của chế độ Trung Quốc là “mối đe dọa dài hạn lớn nhất” đối với nước Mỹ.
Ngoại trưởng Pompeo, tiếng nói chống Trung Quốc mạnh mẽ nhất, tuần trước đã nói rằng luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc vừa áp lên Hồng Kông là “một sự sỉ nhục đối với tất cả thế giới”, và Hoa Kỳ đã ra chính sách hạn chế visa đối với các quan chức chịu trách nhiệm cho việc đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times, Reuters)
Xem thêm:
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…