Quyết định 423 của Chính phủ đều không nêu rõ các Bộ ngành nào sẽ đặt ở hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì (Hà Nội).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 423 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương tại Hà Nội đến năm 2030.
Theo đồ án quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt, hệ thống trụ sở Bộ, ngành mới của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và nhiều cơ quan trung ương khác sẽ đặt tại 2 khu vực là Mễ Trì và Tây Hồ Tây của Hà Nội.
Có 13 bộ ngành sẽ được bố trí về khu Tây Hồ Tây, cách trung tâm Thủ đô 10 km. Khu này rộng 35 ha, gồm gần 21 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14 ha phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Các tòa nhà trụ sở cao 12-25 tầng; khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng.
Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch không nêu rõ các bộ ngành nào sẽ về khu Tây Hồ Tây.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tháng 10/2022, Bộ Xây dựng đề xuất di dời 13 trụ sở bộ, ngành về khu này và đã tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể trụ sở làm việc, gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Tại khu Mễ Trì, dự kiến có 23 trụ sở Bộ ngành Trung ương với diện tích khoảng 55 ha, trong đó khoảng 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4 ha thuộc phường Trung Văn.
Trụ sở Bộ, ngành làm việc ở đây được thiết kế cao 17-25 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên. Trung tâm của khu quy hoạch là công viên hồ cảnh quan gắn với các công trình công cộng, trung tâm hội nghị tạo nên không gian mở sinh thái cho khu trụ sở.
Quyết định cũng không nêu rõ bộ ngành nào sẽ di dời về khu Mễ Trì, chỉ biết trong giai đoạn 2023-2025, trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ được chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Các trụ sở không dùng làm cơ quan hành chính nữa sẽ được sử dụng cho mục đích công cộng, làm vườn hoa, bãi đỗ xe, hạn chế chất tải thêm vào hạ tầng.
Trước đó, tháng 10/2022, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ngoài 13 bộ ngành di dời về khu Tây Hồ Tây, còn 23 bộ ngành được xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ.
Trong đó, có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân. Phần lớn cơ quan sau khi được xây mới vẫn chưa bàn giao trụ sở cũ.
15 cơ quan giữ nguyên trụ sở gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…