Được cứu từ một vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, sau hơn một tháng tiếp nhận cứu hộ, 93 con tê tê Java (Manis javanica) khỏe mạnh đã được thả về môi trường tự nhiên.
Đêm 6/5, 53 con tê tê Java đã được Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (SVW) phối hợp cùng Vườn quốc gia Cúc Phương tái thả về một khu rừng tự nhiên có điều kiện sinh sống thích hợp.
Trước đó khoảng 1 tuần, 40 con tê tê cùng loại cũng đã được SVW tái thả về tự nhiên.
Với tổng số 93 con tê tê Java (Manis javanica) về với tự nhiên, đây là đợt cứu hộ và tái thả số lượng tê tê lớn nhất từ trước đến nay.
Số cá thể tê tê này được cứu hộ từ một vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Đầu tháng 4, 113 con tê tê (tổng trọng lượng 513 kg) đã được Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) – Công an tỉnh Hòa Bình phát hiện, truy đuổi, thu giữ. Số cá thể này bị vận chuyển trái phép trên xe ô tô, đi từ cửa khẩu cầu treo tỉnh Hà Tĩnh, dự tính mang đến tiêu thụ tại khu vực biên giới phía Bắc. Sau khi thu giữ, các lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã giao số cá thể tê tê cho Trung tâm SVW, Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ, chăm sóc.
Đây cũng là lần cứu hộ tê tê lớn nhất của Trung tâm SVW trong vòng 3 năm qua. Sau hơn một tháng chăm sóc, 93 cá thể tê tê khỏe mạnh được lựa chọn để tái thả về tự nhiên.
Tê tê Java là loài rất quý hiếm, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, được xếp mức độ nguy cấp (EN) trong sách đỏ Việt Nam và mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ thế giới. Mặc dù bị cấm buôn bán trên toàn thế giới, nhưng số lượng tê tê bị săn bắt phục vụ nhu cầu con người vẫn gia tăng do niềm tin rằng vẩy tê tê, thịt tê tê có giá trị chữa bệnh.
Trên thực tế, vảy tê tê có thành phần chủ yếu là keratine – chất cấu tạo nên tóc, móng tay móng chân của các loài động vật nói chung, kể cả con người. Ngoài ra, những công dụng như thải độc, trị ung thư, lợi sữa… khi ăn hay uống các sản phẩm từ tê tê hay bào thai tê tê cũng chưa được y học xác nhận. Sự tò mò hay niềm tin mù quáng khiến con người đang đẩy loài động vật này vào nguy cơ tuyệt chủng.
Tại Việt Nam, tê tê được xếp vào danh sách các loài được ưu tiên bảo vệ, theo Phụ lục I, Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Theo Điều 244, Bộ luật Hình sự 2015, việc săn bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép tê tê (thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp – CITES) bị phạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Mức hình phạt tù tăng lên 5-10 năm với số lượng từ 7-10 cá thể, từ 10-15 năm với số lượng từ 10 cá thể trở lên.
0978 331 441 – số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác cứu hộ và tư vấn liên quan đến loài tê tê của Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (SVW). |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…