Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (16-18/11) với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn và Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Hưng; Đã thi hành án tử hình Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát 6 người; Đắk Nông: Xin 900 tỷ đồng để xây quảng trường; Quảng Nam thiệt hại 1.500 tỷ đồng sau bão số 12,… là những sự kiện thời sự trong nước nổi bật tuần qua.
Là người đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội hôm 16/11, 48 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Con số nợ công hơn 3 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2017, tình trạng thủ tục chồng chéo, phức tạp trong tiền kiểm, hậu kiểm hải quan… được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Trả lời chất vấn về nợ công, Bộ trưởng Dũng thừa nhận: “Hiện nay, nợ công đang tăng rất cao trong thời gian vừa qua, áp lực trả nợ lớn. Chúng ta cần có lộ trình giảm dần bội chi là cần thiết để đảm bảo an toàn nợ công”.
Ông Dũng cho biết Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết số 07 về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững. Quốc hội ra nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó giới hạn cho các chỉ tiêu về an toàn nợ công là trần nợ công không quá 65%, nợ chính phủ không quá 54%, nợ nước ngoài không quá 50%.
Về giải pháp, Bộ trưởng Dũng cho biết hiện Quốc hội đang thảo luận và thông qua luật quản lý nợ công sửa đổi. Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành nghị định 02 về tăng cường quản lý nợ công, tăng cường phối hợp với các bộ ngành trong quản lý nguồn vốn ODA, quản lý sử dụng nợ công.
“Thời gian tới chúng ta vay ngân hàng thế giới chủ yếu là vay ODA và kết hợp vay ưu đãi. Đầu tư từ nguồn vốn vay, công sẽ chỉ tập trung cho dự án quan trọng” – ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, xác định mức bội chi ngân sách nhà nước và cắt giảm bội chi theo lộ trình. Trong báo cáo Quốc hội về kế hoạch tài chính 3 năm, kế hoạch bội chi năm 2017 là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 là 3,6% và năm 2020 là 3,4%.
Tiếp đến là cần tiếp tục siết chặt bảo lãnh chính phủ. “Trong năm nay, năm ngoái Chính phủ không bảo lãnh thêm một dự án nào, đặc biệt là dự án doanh nghiệp, có giải ngân các dự án có bảo lãnh nhưng là các dự án bảo lãnh trước.
Hai ngân hàng chính sách, trong nghị quyết Bộ chính trị cũng như trong nghị quyết Quốc hội, chúng ta chỉ bảo lãnh phát hành ngang bằng với số trả nợ không phát hành số dư tăng thêm”, người đứng đầu Bộ Tài chính nói.
Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vào ngày 17/11, có 70 đại biểu đăng ký chất vấn – con số kỷ lục đối với một Bộ trưởng, trưởng ngành trong các phiên chất vấn. Bộ trưởng đã dành thời gian 30 phút để nói xung quanh vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận, thông tin mạng xã hội tại Việt Nam, cũng như việc chặn lọc các nội dung vi phạm trên Google, YouTube.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) về tình trạng lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc, lợi dụng, Bộ trưởng Tuấn cho biết đây là điều pháp luật không cho phép.
“Luật pháp nước ta không cho phép ra báo chí tư nhân, điều này đã bị các thế lực thù địch xuyên tạc và bị các nhóm chính trị lợi dụng để công kích chế độ. Họ cho rằng, không cho ra báo chí tư nhân là chúng ta không có tự do ngôn luận, mà chỉ có báo chí quốc doanh. Mà đã là báo chí quốc doanh thì viết bài và đưa tin theo lệnh của Tuyên giáo đảng”.
“Phải nói rõ báo chí nước ta có báo Đảng, báo cơ quan nhà nước và báo của các đoàn thể, các hội nghề nghiệp. Cá nhân không được phép ra báo, nhưng các cá nhân tập hợp lại thành các tổ chức xã hội tự nguyện, hoạt động hợp pháp, phi lợi nhuận thì được phép ra báo“, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định “Trên đất nước ta không có chế độ kiểm duyệt báo chí“.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 18/11 của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, một số vụ án oan sai được các đại biểu quốc hội nêu ra như vụ án oan 28 năm về tội giết chồng, giết cha của ba mẹ con bà Đặng Thị Nga (là vợ) cùng hai con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Duy Dương (Điện Biên); vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Trấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long,… việc các điều tra viên bức cung, dùng nhục hình,…
Cuối phiên chất vấn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chuyển câu hỏi của một cử tri, nhắc lại lời tuyên thệ của luật sư, cho hay nếu như 4 ngành cùng có 4 tuyên thệ khi bổ nhiệm thì sẽ tạo ra đột phá trong việc chống tham nhũng, khắc sâu về tính công liêm như tại Hội minh thề.
“Bây giờ các chức danh như điều tra viên, công tố (kiểm sát), thẩm phán, luật sư khi nhận được quyết định hoặc được kết nạp vào đoàn luật sư chẳng hạn, thì đọc một lời tuyên thệ:
Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với hiến pháp;
Thứ hai, bảo vệ công lý;
Thứ ba là không tham nhũng, tuyệt đối không tham nhũng;
Đọc lời tuyên thệ ba nội dung đó khi nhận quyết định bổ nhiệm hoặc khi được kết nạp, về phía luật sư, tôi hoàn toàn ủng hộ có tuyên thệ đó“, đại biểu Nghĩa bày tỏ quan điểm.
“Nhiều người nói hồi xưa là đã có những Hội minh thề, tức là những người làm quan làm quyền thề trước dân là trong sạch và không tham nhũng. Bây giờ các ông có dám thề không? Theo tôi nghĩ, hệ thống của chúng ta không việc gì mà không dám thề”.
Các đại biểu cũng đặt câu hỏi với Chánh án về năng lực và trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và trách nhiệm bồi thường oan sai. Tuy nhiên, phần trả lời chưa thực sự đáp ứng được nội dung chất vấn của đại biểu hoặc hết thời gian trả lời trực tiếp.
Sáng 17/11, ông Nguyễn Hữu Trí – Chánh án TAND tỉnh Bình Phước cho biết cơ quan chức năng đã hoàn tất việc thi hành án tử hình đối với Nguyễn Hải Dương (quê An Giang).
Dương là một trong hai thủ phạm gây ra vụ thảm sát 6 người trong một gia đình tại huyện Chơn Thành, Bình Phước vào rạng sáng ngày 7/7/2015: ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, chủ Công ty gỗ Quốc Anh), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con trai của ông Mỹ và bà Nga), Lê Thị Ánh Linh (20 tuổi, con gái của ông Mỹ, là người yêu cũ của Nguyễn Hải Dương), Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, cháu của bà Nga) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu của bà Nga).
Ngày 14/11, ông Nguyễn Bốn – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tỉnh đang làm việc với Trung ương để bàn thêm về phương án bố trí 900 tỷ đồng xây dựng quảng trường trung tâm thị xã Gia Nghĩa (khu vực từ Tỉnh ủy xuống hồ trung tâm).
Ông Bốn cho hay việc xây dựng quảng trường nhằm tạo khu vui chơi cho người già, trẻ em, lễ hội hay lễ mít tinh mỗi khi có dịp, vì Đắk Nông là một tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn nên đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn để xây dựng; Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ Chính phủ về đề xuất trên.
Ngày 16/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi họp trực tuyến rút kinh nghiệm phòng chống lũ lụt, khắc phục thiên tai do ảnh hưởng của cơn bão số 12.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm 36 người chết, 1 người mất tích và 34 người bị thương.
Toàn tỉnh có 119 nhà bị thiệt hại nặng (trên 70%) và gần 300 nhà bị hư hỏng, 2.000 ha hoa màu bị thiệt hại, gần 3.000 ha cây trồng ngã đổ, hơn 3.700 gia súc, 255.000 gia cầm bị nước cuốn trôi,… Thiệt hại ước tính 1.500 tỷ đồng.
Các tin tức khác như Kỷ luật Cảnh cáo nguyên Phó chủ tịch TP. Phan Thiết; Đắk Nông: Cách chức Phó chủ tịch phường vì dùng bằng giả; TP.HCM: Tuyến metro số 2 đội vốn 800 triệu USD; Vụ chạy thận 8 người chết: Vẫn chưa thống nhất mức bồi thường; Hút dầu các tàu hàng bị chìm trên biển Quy Nhơn,…tiếp tục là những vấn đề được quan tâm trong tuần qua.
Minh Hợp
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…