Nguy cơ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do các trại heo đầu nguồn nước, các bãi thải quá tải, nước thải chảy ra suối song các cơ sở vẫn tiếp tục nhập hàng trăm tấn rác công nghiệp mỗi ngày được các cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra chất vấn.
Tại phần báo cáo giải trình với cử tri tại phần chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VI, diễn ra chiều 12/12, chất vấn ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, đại biểu Nguyễn Tấn Phong đặt câu hỏi: “Vì sao pháp luật về bảo vệ môi trường bắt buộc các cơ sở nuôi heo phải làm thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động mà chưa thực hiện ĐTM?”.
Giám đốc Sở TN-MT – ông Lê Ngọc Linh thừa nhận tình trạng này xảy ra, trách nhiệm thuộc về ngành tài nguyên và môi trường, đồng thời xác nhận các cơ sở chế biến thủy sản, các dự án nhà ở, khu dân cư… hầu hết không có ĐTM.
Ông Linh cho rằng trách nhiệm thuộc về địa phương khi trong thời gian dài không quan tâm đối với hoạt động xây dựng không phép, trái phép của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở này nằm ngoài quy hoạch, không có thủ tục pháp lý về đầu tư, thủ tục về môi trường. Khi ô nhiễm, “chúng ta giải quyết phần ngọn thôi; có ô nhiễm, có sự cố thì chúng tập trung đình chỉ, tập trung xử phạt. Lâu nay có rất nhiều dự án chúng ta không để ý gốc rễ vấn đề, là khi bắt đầu lập dự án phải coi trọng ĐTM”, ông Linh nói.
Ngoài ra, ông Linh cho rằng vấn đề môi trường xảy ra do thiếu nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. “Tại các phòng TN-MT ở các địa phương, người đi làm công tác này, một là họ không biết gì hết, hai là có một người nhưng kiêm nhiệm quá nhiều việc, cho nên việc quản lý công tác bảo vệ môi trường trên một địa bàn rộng lớn không phải là điều dễ dàng”, theo giám đốc Sở TN-MT của tỉnh.
Ông Linh cho hay sau khi lập ĐTM, các cơ sở kinh doanh phải xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, nhưng phần lớn không thực hiện nghiêm túc, dẫn đến xảy ra ô nhiễm. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm đầu mối là của Sở TN-MT”, ông Linh cho hay, thừa nhận trong thời gian dài, với khối lượng công việc lớn nhưng chưa có cách xử lý bài bản.
Ông Linh cho biết sắp tới sẽ rà soát các cơ sở sản xuất, nếu cơ sở nào không có ĐTM nhưng nằm trong quy hoạch thì sẽ hướng dẫn thực hiện, cơ sở nào không có ĐTM và nằm ngoài quy hoạch sẽ kiên quyết di dời.
Đại biểu Nguyễn Tấn Phong hỏi: “Nhiều hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm do hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi. Vì sao các cơ sở này vẫn tồn tại? Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào?”.
Ông Phong cho hay qua kiểm tra thực tế, các trang trại heo với quy mô hàng ngàn con như trang trại chăn nuôi Nhất Tiến Phát, Đặng Thị Yến (huyện Xuyên Mộc)… vẫn đang hoạt động. Các cơ sở này gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm cho các hồ cấp nước sinh hoạt Đá Đen, Sông Hỏa. Những cở sở này đã tồn tại nhiều năm qua, hiện ngày càng gây ô nhiễm. Ông Phong đặt vấn đề về việc hậu kiểm khi có trại heo có ĐTM nhưng ngành chức năng không hậu kiểm, có trang trại có ĐTM nhưng không làm đúng, thậm chí có trang trại hoạt động mà không có ĐTM.
Đối với các trại nuôi heo gây ô nhiễm, ông Linh cho biết toàn tỉnh có 669 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên. Qua kiểm tra 37 trại chăn nuôi, 4 trại không nằm trong quy hoạch, 11 trại chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hơn 50% trại heo chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm số trại heo vi phạm về xả thải chiếm đến 95%.
Nguyên nhân, theo ông Linh, là do hầu hết các trang trại chăn nuôi đều tồn tại trước khi UBND tỉnh ban hành quy hoạch chăn nuôi heo. Ngoài ra, một số địa phương chưa kiên quyết trong xử lý các cơ sở chăn nuôi xây dựng không phép; việc giám sát, kiểm tra, thanh tra xử lý các trang trại chăn nuôi chưa kịp thời, dẫn tới tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi kéo dài.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu UBND tỉnh phải tổng rà soát những trang trại heo vi phạm hành lang bảo vệ an toàn của hồ chứa nước sinh hoạt và dứt khoát đóng cửa những trang trại gây ô nhiễm chứ không thể phải “chờ cho đàn heo lớn”, “không thể để như câu chuyện Sông Đà vừa rồi xảy ra tại tỉnh”.
Đại biểu Bùi Chí Tình đã chất vấn Giám đốc Sở TN-MT về tình trạng ô nhiễm ở Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên rộng 100ha phát sinh mùi hôi, nước thải ra suối ảnh hưởng đến người dân.
Ông Tình cho biết: “Mỗi ngày tỉnh nhập 700-900 tấn rác thải công nghiệp chưa phân loại, trong đó 50% rác nhập ngoại tỉnh. Ai cho phép việc nhập rác thải công nghiệp để xử lý và nhập rác thải nguy hại để xử lý, bởi vì quy trình xử lý rác thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại khác với quy trình xử lý rác thải sinh hoạt thông thường?”.
Ông Linh Việc nhập rác ngoại tỉnh, liên tỉnh được thực hiện theo quyết định 491/2018 của Thủ tướng. Các đơn vị xử lý rác thải nguy hại đều có giấy phép do Bộ TN-MT cấp.
Ông Linh cho hay trên địa bàn tỉnh, ngoài dự án chôn lấp của Kbec Vina với công suất 900-1.000 tấn/ngày, tỉnh có 7 đơn vị xử lý chất thải nguy hại, trong đó có xử lý chất thải công nghiệp. Đối với rác thải không xử lý được, 7 đơn vị này sẽ chuyển qua Kbec để chôn.
Giám đốc Sở TN-MT cho biết đối với chất thải sinh hoạt cộng chất thải công nghiệp, hiện nay khu Kbec có hiện tượng quá tải. Ông Linh cho rằng đơn vị Kbec không nghiêm túc trong việc phân loại và xử lý chôn rác, song khẳng định “quy mô của các cơ sở xử lý chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường chưa vượt công suất”.
Về vấn đề xử lý rác thải tại Côn Đảo, đại biểu Nguyễn Hoàng Tùng cho biết huyện còn tồn đọng hơn 70.000 tấn ở khu vực Bãi Nhát, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo xử lý vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Đề nghị Sở TN-MT cho biết Sở đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết vấn đề này tới đâu? Lộ trình xử lý rác tại Côn Đảo như thế nào”, ông Tùng yêu cầu.
Ông Linh giải thích Sở KH-ĐT đã đề xuất triển khai đầu tư công nhà máy xử lý chất thải rắn tại Côn Đảo bằng công nghệ đốt tiên tiến. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên nhà máy chưa được đầu tư. Sau đó, tỉnh chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác tại Côn Đảo nhưng vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư và phương án phù hợp.
“Tỉnh đã xây dựng lộ trình xử lý rác tại Côn Đảo. Dự kiến trong năm 2020, tỉnh sẽ giải quyết xong bài toán xử lý rác cho Côn Đảo”, ông Linh khẳng định.
Tuy nhiên, đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc lo ngại: “Liệu lộ trình thu hút nhà đầu tư và xử lý rác cho Côn Đảo trong vòng một năm có khả thi không khi việc tìm quỹ đất, kêu gọi đầu tư và xây dựng nhà máy sẽ mất rất nhiều thời gian?”.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…