Việt Nam

Biệt thự 100 tuổi ở Đồng Nai có nguy cơ bị tháo dỡ

Dự án tuyến đường ven sông Đồng Nai đang được thi công khiến ngôi biệt thự cổ 100 năm ở phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có nguy cơ bị tháo dỡ.

Biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu ông Phủ) đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ. (Ảnh: nhandan.vn)

Biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh (còn gọi là nhà lầu ông Phủ), nằm tại khu phố 5, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa được xây dựng vào năm 1924, đến nay đã tròn 100 năm tuổi.

Biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh gồm 2 tầng, được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây.

Ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đồng Nai, cho biết loại gạch 2 tấc lát nền trong biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh được nhập từ Pháp về. Xi măng, sắt thép cũng được nhập từ Pháp về. “Kể cả thợ xây dựng ngôi nhà cũng không phải huy động người tại chỗ mà thuê thợ, trong đó có nhiều thợ là người Hoa có kinh nghiệm”, ông Toại nói.

Biệt thự cổ này cũng từng là phim trường cho bộ phim kinh điển “Người đẹp Tây Đô”.

Tuy nhiên, biệt thự cổ đang phải đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ để phục vụ cho dự án đường ven sông Đồng Nai.

Theo giới chức TP. Biên Hòa, qua khảo sát, khu vực quy hoạch để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai sẽ “lấn” vào công trình biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh khoảng 9m, tương đương với khoảng một nửa biệt thự này nằm trong phạm vi quy hoạch thực hiện dự án.

Mặc dù cơ quan chức năng định giá bồi thường biệt thự này số tiền gần 5,4 tỷ đồng, nhưng nhiều người cho rằng con số này không thể so sánh với giá trị lịch sử và văn hóa.

Bà Đặng Thị Linh Phương, 52 tuổi, sinh sống tại ngôi biệt thự cổ nói bà được cha kể lại, “nhà lầu ông Phủ” là nơi cưu mang hơn 100 người gần khu vực lánh nạn trên tầng 2 do nước lũ năm Thìn (1952).

Theo bà Phương, khi nghe thông tin giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường ven sông, gia đình có nguyện vọng được giữ lại ngôi nhà.

“Gần đây thấy công trình xây dựng đến sát nhà tôi cũng hoang mang, giờ cũng không biết như thế nào, chỉ mong muốn cơ quan chức năng xem xét có phương án giữ lại ngôi nhà”, bà Phương nói, theo báo Nhân Dân.

Báo Giao thông dẫn ý kiến từ Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có nhiều cách để chúng ta giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Thứ nhất có thể nhờ thần đèn di dời vào bên trong và dành quỹ đất biến thành điểm đến về văn hóa, du lịch.

Cách thứ hai là nắn lại tuyến đường lấn ra sông Đồng Nai một chút xíu để lại ngôi biệt thự cổ thì không có sao hết. “Tôi nghĩ rằng việc bảo tồn di sản này có ý nghĩa rất lớn. Bởi lẽ, với tuyến đường ven sông kết hợp công trình bản sắc lịch sử và những công trình mới, dần dần tạo thành cảnh quan hấp dẫn khách du lịch, mở ra tiềm năng lâu dài cho Biên Hòa phát triển đô thị hướng sông Đồng Nai”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, cho hay trong tuần tới, sẽ mời các chuyên gia, sở, ngành liên quan góp ý để tìm phương án tối ưu cho căn biệt thự này. Theo ông, cần có phương án tốt nhất để bảo tồn căn biệt thự có giá trị về kiến trúc, lịch sử của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

Trước thông tin căn biệt thự cổ có thể bị tháo dỡ, ông Martin Rama, cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới đã lên tiếng kêu gọi “giải cứu” công trình này.

Theo ông Martin Rama, ngôi biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh nổi bật không chỉ vì kiến trúc tráng lệ mà còn vì giá trị lịch sử.

“Ngày nay, căn nhà vẫn vững chắc và không có dấu hiệu xuống cấp. Thật không may, căn nhà này đã bị lên kế hoạch phá dỡ, như một phần của dự án đường ven sông Đồng Nai. Cùng chung số phận, ngôi miếu Ngũ Hành gần đó (được xây dựng vào năm 1848) và một bến đò cổ được người dân địa phương gọi là Bến đò Quan đã bị phá huỷ.

Việc phá dỡ ngôi nhà này có thể sẽ bắt đầu chỉ trong vài tuần nữa. Tuy nhiên, chỉ cần điều chỉnh một chút đối với bản quy hoạch sẽ có thể tránh được số phận đáng buồn cho căn nhà này. Nếu thu hẹp công viên ven sông và di dời phần đường tránh sang một bên thì căn nhà này sẽ không ảnh hưởng đến công trình.

Chúng ta hãy hy vọng rằng chính quyền tỉnh sẽ có tầm nhìn sáng suốt để kết hợp hiện đại hóa với bảo vệ di sản”, ông Martin cho hay.

Dự án đường ven sông Đồng Nai, dài 5,2km, nối từ cầu Hóa An đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, khởi công từ năm 2021 với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, UBND TP. Biên Hòa đã lên kế hoạch giải phóng mặt bằng, bao gồm khu đất nơi biệt thự cổ tọa lạc.

Đến nay, địa phương cũng mới giải phóng mặt bằng được khoảng 2/3 diện tích đất, tiến độ đạt gần 65%. Nhà thầu tập trung thi công lu nền đường, cấp phối đá dăm, thảm nhựa, gia cố bê tông, làm hệ thống thoát nước ở một số đoạn. Khi đi vào khai thác, tuyến đường này sẽ đảm bảo lưu thông từ Biên Hoà đi Vĩnh Cửu và một số địa phương khác, tạo cảnh quan đẹp, nổi bật cho khu nội ô của TP. Biên Hòa.

Minh Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Quảng Nam: Vùng miền núi đã sạt lở, cảnh báo xuất hiện lũ biên độ từ 2-4 m ở thượng lưu

Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến một số điểm ở huyện miền núi…

18 phút ago

Tổng thống Putin ký luật cấm ‘tuyên truyền tư tưởng không con cái’

Hôm thứ Bảy (23/11), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới cấm…

51 phút ago

Vụ tử vong nghi bị nhục hình: Một trung úy Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) bị bắt

Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…

2 giờ ago

Vi khuẩn đường ruột: Chìa khóa mới trong quản lý căng thẳng

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…

2 giờ ago

Ung thư sẽ nguyên nhân gây ra 1/4 số ca tử vong sớm ở Anh – Nghiên cứu

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…

2 giờ ago

Mỹ dự kiến ​​công bố hạn chế xuất khẩu mới, liên quan đến 200 công ty chip TQ

Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…

3 giờ ago