Kết quả khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy đáy vùng biển được cấp phép nhận chìm vật chất nạo vét là vùng đáy mềm, bùn cát, có sự hiện diện của cả 4 nhóm động vật đáy.
Theo đề nghị của Bộ TN&MT, Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành đánh giá hiện trạng khu vực dự kiến nhận chìm bùn thải tại vùng biển xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) trong thời gian từ ngày 18 đến ngày 21/7/2017.
Theo kết quả sơ bộ được công bố, Viện Hải dương học đã thực hiện khảo sát bằng phương pháp đo sâu hồi âm bằng máy Lowrance 25 và định vị vệ tinh. Kết quả cho thấy địa hình đáy khu vực dự kiến nhận chìm (30 ha) khá bằng phẳng với độ sâu từ -35 m đến -36,8 m.
Viện Hải dương học cho hay mẫu trầm tích được thu bằng cuốc lấy mẫu “petite ponar” của Mỹ tại 9 điểm. Các mẫu thu được mô tả tại chỗ về các đặc điểm như: màu sắc, mùi, kiểu trầm tích, thành phần vật liệu và độ sâu thu mẫu, sau đó được mang về phòng thí nghiệm để xử lý, phân tích các chỉ tiêu cơ học trầm tích. Kết quả phân tích cho thấy thành phần vật liệu trầm trích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật, độ chọn lọc tốt.
Về sinh cảnh đáy, hai chuyên gia với sự hỗ trợ của thiết bị lặn SCUBA đã lặn quay phim nền đáy. Tại 5 khu vực, các thợ lặn bơi chậm cách đáy khoảng 1m theo 4 cạnh hình vuông với mỗi cạnh khoảng 10 m, vừa di chuyển vừa quay phim nền đáy. Tổng diện tích đánh giá tại mỗi trạm khoảng 80 m2. Theo kết quả xử lý tư liệu, đây là sinh cảnh đáy mềm, khá nghèo sinh vật đáy có kích thước lớn, có một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển và không phát hiện san hô và cỏ biển.
Về sinh vật đáy nhỏ trong trầm tích, theo kết quả được công bố, mẫu sinh vật đáy được thu bằng cuốc trầm tích tại 5 trạm, tại mỗi trạm thu 3 mẫu và mỗi mẫu thu một cuốc. Mẫu được rây qua lưới có kích thước mắt lưới là 0,5 x 0,5 mm để thu tất cả các nhóm sinh vật, sau đó mẫu được cố định bằng formalin 5% và chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích.
Kết quả phân tích sơ bộ sinh vật đáy nhỏ có trong mẫu trầm tích cho thấy có sự hiện diện của cả 4 nhóm động vật đáy chính gồm: giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác và da gai; Trong nhóm thân mềm đã ghi nhận một mẫu với kích thước nhỏ của loài móng tay – là loài được khai thác làm thực phẩm.
>> Hội nghề cá Việt Nam kiến nghị dừng thực hiện giấy phép đổ bùn thải xuống biển Bình Thuận
Trước đó, chiều ngày 25/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo về tình hình 6 tháng đầu năm 2017, trong đó có đề cập tới việc kiến nghị dừng dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Vĩnh Tân, gần Khu bảo tồn biển hòn Cau, thay bằng giải pháp lấn biển hoặc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho hay tỉnh đã có nhiều văn bản gửi một số cơ quan trung ương và Bộ TN-MT kiến nghị nên dừng việc nhận chìm vật chất nạo vét của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và đề xuất một số phương án xử lý.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, phương án được ưu tiên nhất là dùng vật chất này để lấn biển ở những khu vực dân cư bị sạt lở do triều cường, bằng cách xây kè bê tông rồi đổ bùn cát vào trong hoặc đề nghị xuất khẩu số cát, bùn nhiễm mặn này để thu ngân sách, không gây ô nhiễm môi trường biển.
Ông Hòa cũng cho hay một số tổ chức đã gửi đơn yêu cầu Bộ TN-MT rút giấy phép nhận chìm đã cấp cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Thủy Minh
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…