Việt Nam

Bộ Công an đã lập bộ phận ‘An ninh mạng’ trên toàn quốc

Bộ Công an đã thành lập lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Công an các địa phương, 63 tỉnh, thành – Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang công bố.

Bộ trưởng Lương Tam Quang trả lời chất vấn, sáng 22/8. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Thông tin được ông Quang đưa ra trong buổi trả lời chất vấn vào sáng 22/8, trong khuôn khổ chất vấn và trả lời chất vấn do Uy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023, đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Vào chiều 21/8, đăng ký chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu vấn đề rằng tình hình tội phạm trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp.

“Đông đảo cử tri cho rằng, Chính phủ cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm trên không gian mạng nhiều hơn, bài bản, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm này” – theo lời ông Trí.

Trong phần trả lời, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an cho hay tội phạm mạng là thách thức phi truyền thống cả thế giới phải đối mặt. Hiện nay, Liên Hợp Quốc đang đề xuất Hiệp định tội phạm mạng quốc tế của Liên hợp quốc, Bộ Công an Việt Nam sẽ tham gia ký kết Hiệp định này.

“Loại tội phạm này có 3 đặc điểm dẫn đến khó phát hiện, xử lý là: không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao; hầu hết đời thực có cái gì thì trên mạng có cái đó, và đời thực chỉ có một thì trên mạng có thể nhân lên nhiều lần. Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù” – ông Quang nêu.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Công an nêu 3 nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, phát triển rộng ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân. Đây được xem là “căn cước trên không gian mạng” để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo, theo lời ông Quang.

Thứ hai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin, làm sạch tài khoản của ngân hàng, loại bỏ những tài khoản ảo, làm sạch tài khoản thuê bao di động, loại bỏ sim rác, qua đó hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.

Thứ ba, nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an.

Bộ Công an cho hay đã phát triển lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Công an các địa phương, 63 tỉnh, thành. Đây được xem là “lực lượng chủ công” cùng các lực lượng khác của Bộ Công an để “ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao theo hệ đối tượng đấu tranh của mình”, trích bản tin của Cổng thông tin Bộ Công an.

Bộ trưởng Quang dẫn Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị cho hay lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong 6 lực lượng phải “tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025”. Từ đó, ông Quang khẳng định cần huy động tiềm lực của các địa phương và các nguồn lực xã hội khác để phát triển lực lượng này.

Tổng số người dùng Internet tại Việt Nam qua các năm. (Biểu đồ: dcca.org.vn)

Cục An ninh mạng (Bộ Công an) được thành lập vào tháng 8/2014, hai tháng sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua (tháng 6/2014). Đến tháng 8/2018, Bộ Công an bỏ cấp Tổng cục. Cục An ninh mạng thuộc Tổng cục An ninh và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Tổng cục cảnh sát được sáp nhập thành Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực thuộc Bộ Công an.

Theo báo cáo của tổ chức Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA), vào đầu năm 2024, có 78,44 triệu người dùng internet tại Việt Nam , trong đó tỷ lệ truy cập ở mức 79,1% tổng dân số (tổng dân số 99,19 triệu người). Trong đó, tính riêng trong tháng 1/2024, 72,3 triệu người dùng mạng xã hội, tương ứng với 73.3% dân số cả nước.

Mục đích chính sử dụng Internet tại Việt Nam, nhóm từ 16-64 tuổi. (Biểu đồ: dcca.org.vn)

Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động hoạt động ở Việt Nam; con số này tương đương với 169,8% tổng dân số. Thời gian sử dụng Internet trung bình một ngày là 6 giờ 18 phút (trên tất cả các thiết bị). Trong đó, 96,6% người dùng truy cập qua điện thoại (tổng thời gian 3 giờ 30 phút).

Trong nhóm mục đích chính sử dụng Internet của nhóm người từ 16-64 tuổi, DCCA cho hay mục đích “giữ liên lạc với bạn bè, gia đình” đứng đầu với tỷ lệ 66,8%. “Tìm kiếm thông tin” và “Cập nhật tin tức và sự kiện” lần lượt xếp thứ 2 và 3 với tỷ lệ 63,7% và 59,6%.

Người dùng không mục đích – “Lấp đầy thời gian rảnh và trình duyệt web chung” chiếm tới 40,2%, cao hơn nhóm “Giáo dục và mục đích học tập” (37,6%) hay “Tìm kiếm liên quan đến kinh doanh” (32,7%).

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Dạy con bằng giọng điệu nhẹ nhàng là món quà quý giá nhất của cha mẹ

Dạy dỗ bằng giọng điệu nhẹ nhàng giúp nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin.

50 phút ago

Thi đánh giá năng lực, thí sinh phản ánh bị giám thị làm mất 20 phút làm bài

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ…

1 giờ ago

Thị trường toàn cầu đỏ lửa chờ đợi thuế quan

Hai ngày trước công bố thuế quan mới của Hoa Kỳ, các chính phủ chờ…

1 giờ ago

Bắc Bộ sắp đón không khí lạnh vào đầu tháng 4

Cơ quan khí tượng dự báo ngày 5/4, miền Bắc sẽ đón một đợt không…

3 giờ ago

Thẩm phán ngăn cản Tổng thống Trump sa thải nhân viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ

Một thẩm phán quận của Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm đối với nỗ…

3 giờ ago