Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ căn cước mới sẽ không còn mục quê quán, nơi đăng ký khai sinh, vân tay, đặc điểm nhận dạng…
Dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ Căn cước, mẫu giấy Chứng nhận căn cước đang được lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng, từ ngày 7/2.
Nếu thông tư được thông qua, thẻ căn cước mới sẽ được triển khai cấp từ 1/7, đúng với thời điểm Luật căn cước công dân (sửa đổi) có hiệu lực.
Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất 6 thay đổi về các trường thông tin trên bề mặt trước và sau của thẻ căn cước công dân gắn chip. Trong đó, tên gọi của thẻ sẽ là “Căn cước” thay cho dòng chữ “Căn cước công dân” đang được sử dụng.
Mục “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú”. Hai thông tin này cùng với mã QR Code đang ở mặt trước của thẻ song Bộ Công an đề xuất chuyển sang mặt sau.
Tại mặt sau của thẻ, dự thảo đề xuất đổi chữ ký của cơ quan cấp từ “Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội” thành “Bộ Công an”. Đặc điểm nhận dạng, hai vân tay của ngón trỏ trái và phải cũng được đề xuất bỏ.
Các thông tin khác như dòng MRZ, chip điện tử ở mặt sau và màu sắc, kích thước, chất liệu khác của thẻ sẽ giữ nguyên. Mặt trước in bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn họa tiết truyền thống trang trí. Mặt sau in các hoa văn được kết hợp với hình ảnh hoa sen và các đường cong vắt chéo đan xen.
Hiện Bộ Công an chỉ cấp một thẻ căn cước công dân duy nhất cho người từ 14 tuổi. Tuy nhiên, dự thảo đề xuất cấp hai loại là thẻ cho công dân 0-6 tuổi và thẻ cho người 6 tuổi trở lên.
Hai thẻ căn cước có nội dung, hình thức, thông tin, màu sắc như nhau. Tuy nhiên, thẻ cho người 0-6 tuổi sẽ không in ảnh công dân.
Trước đó, từ năm 2016, Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch in trên thẻ nhựa cứng, song song với việc cấp chứng minh thư nhân dân 9 và 12 số. Sau nhiều năm liên tục cải tiến, từ tháng 1/1/2021, thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp trên cả nước cho người từ 14 tuổi.
Tính đến cuối năm 2023, Bộ Công an đã hoàn thành cấp hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip.
Đại diện C06 Bộ Công an từng giải thích, việc thay đổi thông tin trên bề mặt thẻ nhằm phù hợp với quốc tế và tăng tính bảo mật thông tin cá nhân; hạn chế phải cấp đổi nhiều lần.
Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trong đó quy định giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước.
Cụ thể, Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định.
Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước được quy định là Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống.
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…