Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong ĐBQH chỉ rõ, còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đâu để ngành phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát “bắt mang đi tiếp”.
Chiều ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Liên quan đến ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề in và phát hành sách giáo khoa có lợi ích nhóm, ông Sơn cho biết trong vài năm qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều về vấn đề này.
Ông Sơn thừa nhận có một vài người liên quan đến việc tổ chức đấu thầu giấy, in, phát hành sách giáo khoa phạm pháp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết “những người này đều đã bị bắt mang đi rồi”.
“Chúng tôi mong đại biểu chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đâu để chúng tôi phối hợp với Bộ Công an và Viện Kiểm sát lại bắt mang đi tiếp”, ông Sơn nói.
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập, ông Sơn thừa nhận đây là vấn đề khó, vướng mắc đang có thực.
Theo ông Sơn, hiện cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD&ĐT, 526 trung tâm do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý.
Ông Sơn cho rằng, đây là về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng. Trong các văn bản quy định hiện nay, có Thông tư 39 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01 để làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Nhưng tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng…
Trước đó, nói về vấn đề in ấn sách giáo khoa, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho hay chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai thực hiện đã gần 4 năm. Tuy nhiên, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa còn nhiều hạn chế.
Hiện nay còn nhiều địa phương chưa in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương, học sinh được gửi bằng bản PDF trên thiết bị hoặc tự in từ bản PDF để học. Bà Luyến cho rằng nguyên nhân của vấn đề trên là do vướng mắc về xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành.
Đại biểu Luyến cho hay nội dung này đã được đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 chỉ ra và đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Theo đại biểu, để tháo gỡ khó khăn trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục, địa phương, cần một quy trình đơn giản cho các địa phương để triển khai thực hiện. Nếu cứ áp dụng các quy định của hệ thống luật, nghị định, thông tư thì trong nhiều năm tới vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc liên quan đến nội dung này.
Trước đó, cử tri tỉnh Hưng Yên cho biết mỗi năm các nhà xuất bản in ấn hàng trăm bộ sách giáo khoa cho các cấp học. Các bộ sách giáo khoa liên tục được thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và có những cuốn thuộc dạng không cần thiết.
Cử tri cho rằng việc này gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, chưa kể đến tình trạng in ấn, buôn bán sách giả tràn lan, giá cao.
Từ đó, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có chỉ đạo kịp thời để tránh việc in ấn, buôn bán sách giả, hạn chế cho xuất bản các cuốn sách không thực sự cần thiết.
Trả lời, Bộ GD&ĐT cho biết từ năm 2000, chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo Nghị quyết 40/2000/QH10 và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, sách giáo khoa được biên soạn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa yêu cầu của chương trình.
Thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Sơn cho hay mỗi môn học có một số sách giáo khoa và việc biên soạn sách giáo khoa thực hiện xã hội hóa, việc xuất bản sách giáo khoa được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ GD&ĐT, tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới thực hiện theo lộ trình năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết đến năm 2025 sẽ kết thúc chu kỳ thực hiện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục.
Theo ông Sơn, hàng năm, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các nhà xuất bản phối hợp với các cơ quan chức năng và cơ sở giáo dục để thực hiệu quả công tác phòng, chống in lậu, nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh; uy tín, chất lượng xuất bản của nhà xuất bản cũng như ổn định thị trường cung ứng sách giáo khoa.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…