Giới chức y tế xác nhận biến chủng Ấn Độ B.1.617 và biến chủng Anh đã được ghi nhận trong một số ca bệnh mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) ở ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (T.Ư). Ngoài ra, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ thông báo hiện không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19.
Trong cuộc họp chiều 7/5, trả lời câu hỏi về nguồn lây của ổ dịch trong bệnh viện, ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho rằng nguồn lây bệnh ở viện là từ cộng đồng, vì qua rà soát, các khu điều trị COVID-19 được cách ly “rất chặt chẽ, không có người nhiễm”. Các ca bệnh ghi nhận vừa qua chủ yếu xuất hiện ở các khoa điều trị bệnh thông thường.
Qua giải trình tự gene một số bệnh nhân, bệnh viện này ghi nhận xuất hiện biến chủng Ấn Độ (B.1.617) và biến chủng Anh (B.1.17). Đây là các biến chủng có tốc độ lây lan rất nhanh, trong khi môi trường bệnh viện gây nguy cơ lây nhiễm càng cao do các bệnh nhân thăm khám liên tục di chuyển giữa các địa phương và bệnh viện. Nhiều người không có biểu hiện lâm sàng (như sốt, ho, khó thở, giảm vị giác…)…
Kể từ ca chỉ điểm là một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư có thông tin công bố vào tối 4/5, đến chiều 7/5, ổ dịch tại bệnh viện này đã ghi nhận 44 trường hợp mắc COVID-19 (10 trường hợp địa chỉ ở Hà Nội). Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có 10 ca đã thông báo vào buổi sáng, 1 ca vừa phát hiện trong buổi chiều, nâng tổng số lên 11 ca trong một ngày 7/5.
Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch lần này ở mức “báo động cao” vì đa nguồn lây, đa chủng virus, lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát; thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm các ổ dịch có nguồn lây chưa kiểm soát được. Do đó, theo ông Long, xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng là cách duy nhất để phát hiện nhanh, kịp thời khoanh vùng dập dịch.
Trong khi đó, nhận định chung về nguyên nhân của đợt tái bùng phát này, Phó Thủ tướng – ông Vũ Đức Đam cho rằng có tình trạng quản lý cách ly chưa nghiêm, khách sạn không lắp camera, người trong diện theo dõi vẫn đi liên hoan, hát karaoke. Gần 20.000 chuyên gia, lao động nước ngoài đã nhập cảnh, cách ly tại khách sạn trên cả nước nhưng nhiều tỉnh thành không có kế hoạch quản lý chặt nhóm người này.
Cũng trong chiều 7/5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – bà Trần Thị Nhị Hà cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư – cơ sở điều trị COVID-19 lớn nhất tại miền Bắc đã thông báo không còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân nữa. Trong 10 ngày tới, bệnh viện chưa thể giãn tải – theo tin từ ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Theo đó bà Hà yêu cầu ngay trong chiều 7/5, các bệnh viện tại Hà Nội phải báo cáo với Sở Y tế về năng lực xét nghiệm và tiếp nhận bệnh nhân; các trung tâm y tế báo cáo về năng lực lấy mẫu, đồng thời nhấn mạnh Hà Nội phải chuẩn bị cho kịch bản có 300 bệnh nhân.
Kịch bản có 300 bệnh nhân có nghĩa là đồng loạt các cơ sở y tế phải nâng cao năng lực thu dung bệnh nhân, nâng cao năng lực xét nghiệm, chuẩn bị đủ về kit test, sinh phẩm.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội – ông Hoàng Đức Hạnh cho biết tính trung bình cứ mỗi 100 ca dương tính thì cần 5.000 chỗ cách ly F1 và 100.000 – 200.000 mẫu xét nghiệm phải làm. Lần trước Hà Nội ghi nhận 64 ca bệnh thì đã phải làm trên 90.000 xét nghiệm.
Theo đó, kịch bản 300 bệnh nhân nghĩa là phải có chỗ cách ly cho 15.000 F1 và có năng lực xét nghiệm 300.000 – 600.000 mẫu. Hiện năng lực xét nghiệm của Hà Nội vào khoảng 15.000 mẫu nếu làm mẫu gộp 5, nếu làm mẫu gộp 10 có thể tăng lên gấp đôi là 30.000, nhưng con số này vẫn kém xa yêu cầu. Do đó, ông Hạnh cảnh báo các đơn vị phải tăng gấp đôi, gấp 3 năng lực, tăng mua hóa chất và tăng công suất xét nghiệm.
Trước mắt, ngành y tế Hà Nội cần lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 1.000 trường hợp tại huyện Thường Tín (ổ dịch với 10 bệnh nhân xuất hiện chỉ trong 1 ngày); có thể xét nghiệm toàn bộ người ra vào Khoa Gan-Tụy-Mật (Bệnh viện K) từ ngày 27/4 đến nay; rà soát, lấy mẫu xét nghiệm khu vực ngoài Bệnh viện K để đánh giá lây nhiễm cộng đồng… Với những người ra vào Bệnh viện K từ ngày 16/4 đến nay, giới chức TP sẽ yêu cầu cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe.
Với việc số F0 tăng rất nhanh, bà Hà đề xuất mở thêm một khu vực cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh, trước mắt thực hiện cách ly F1. Do nhu cầu xét nghiệm tăng đột biến nên TP sẽ phải xét nghiệm gộp mẫu, có thể gộp 5, 10 hoặc 16 mẫu để sàng lọc nguy cơ.
“TP sẽ mở thêm các khu cách ly tập trung ở Bệnh viện dã chiến Đông Anh và Sơn Tây, sẵn sàng cho phương án có 300 ca bệnh với 15.000 trường hợp phải cách ly”, bà Hà cho biết.
Số bệnh viện phải phong tỏa tăng caoTừ ba bệnh viện phải phong tỏa hôm 3/5 và 5/5, gồm Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư là bệnh viện “tuyến đầu” chuyên trị COVID-19, đến chiều 7/5, con số này đã nâng lên 9 bệnh viện phải phong tỏa, cách ly y tế do phát hiện có ca nhiễm hoặc nhiều F1. 9 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh (Hà Nội); Bệnh viện Phong da liễu trung ương Quỳnh Lập (Nghệ An); Bệnh viện Phổi Lạng Sơn (Lạng Sơn); Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình (Thái Bình); Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội); Bệnh viện K, cả 3 cơ sở (Hà Nội); Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP Đà Nẵng); Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng (Ba Đình, Hà Nội). Hiện dịch đã lan ra 19 tỉnh thành, với tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 176 ca, trong đó: Hà Nội 72 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ 41 ca, 11 ca ở Bệnh viện K), Vĩnh Phúc 26, Bắc Ninh 26, Hà Nam 15, Đà Nẵng 10, Hưng Yên 8, Thái Bình 5, Hải Dương 3, TP.HCM, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Nam Định, Phú Thọ mỗi nơi 1 ca. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…