Ban đầu diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu bị chết tại Cà Mau được xác định khoảng 8ha, sau đó một nửa có dấu hiệu phục hồi, diện tích rừng chết thu hẹp còn 4 ha.
Đầu tháng 1/2017, Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (đơn vị thuê quản lý rừng phòng hộ (rừng mắm) kết hợp làm du lịch sinh thái tại Khu du lịch Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đề xuất tỉnh cho thu hoạch toàn bộ diện tích rừng mắm công ty thuê, quản lý để thay thế bằng rừng đước do cây mắm có sâu, gây ngứa cho khách du lịch.
Sau khi tiến hành khảo sát thực tế, cơ quan chuyên ngành xác định mật độ cây rừng hiện hữu là 2.800 cây/ha, sản lượng gỗ bình quân 61,94 m3/ha; đặc biệt cơ quan chuyên ngành ghi nhận có 8ha rừng tại đây là rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc cấp rừng phòng hộ rất xung yếu bị chết.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cây rừng bắt đầu chết từ tháng 10/2016 nhưng không được Công ty Công Lý và kiểm lâm khu vực báo cơ quan chức năng.
Trao đổi về nguyên nhân khiến rừng cây bị chết, ông Trần Văn Thức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết Công ty Công Lý được UBND tỉnh cho thuê hơn 32ha đất và khoảng 19,3 ha rừng phòng hộ rất xung yếu (loại rừng nghèo kiệt) để phục vụ công trình mở rộng điểm du lịch Lý Thanh Long II.
Chi cục Kiểm Lâm Cà Mau cho hay hiện tượng cây mắm bị chết tại đây không phải do tác động của con người mà do yếu tốkhách quan.
Cụ thể, vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 – thời điểm cây rừng chết, cây bị sâu gây hại, tổn thương nặng về mặt sinh học. Đây cũng là thời điểm mưa lớn kéo dài, triều cường trên các tuyến sông, rạch lên cao nên hệ thống bốn cống xả nước của Khu du lịch Khai Long không thoát nước kịp. Lượng nước ứ đọng trong rừng lâu ngày khiến cây bị chết cục bộ thành từng đám.
Được biết, tới ngày 20/2 vừa qua, nhiều khu vực rừng có dấu hiệu phục hồi, ra lá non, diện tích cây bị chết thu hẹp còn 4ha.
Về giải pháp khắc phục diện tích cây rừng bị chết, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất phương án cho doanh nghiệp tận thu toàn bộ cây chết, sau đó sẽ bỏ vốn ra để trồng lại cây trong năm 2017.
Liên quan đến việc xử lý các cá nhân chuyên trách, ông Lê Văn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho hay Chi cục đã kiểm điểm hai kiểm lâm viên là Trương Minh Nhựt và Kiều Minh Trung vì không báo kịp thời để hàng loạt diện tích rừng phòng hộ xung yếu bị chết.
Theo Quy chế Quản lý Rừng phòng hộ số 17/2015/QĐ-TTg, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển nhằm ngăn cản sóng, chống sạt lở, bảo vệ đê và các công trình ven biển, ven sông, duy trì diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái. Diện tích rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch theo quy định của Nhà nước nhằm mục đích chủ yếu là bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển đạt tiêu chuẩn định hình khi cây rừng đã khép tán, hệ rễ phát triển, rừng phát huy tác dụng chắn sóng, ổn định đất, tăng khả năng bồi lấp bờ biển, ngăn chặn hoặc làm giảm sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển, ven sông. |
Ngọc Linh
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…