Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho hay hiện chưa có phương án tái lập các chốt kiểm soát để kiểm tra di biến động dân cư, việc lập chốt sẽ là phương án cuối cùng. Hiện tại Công an TP tăng quản lý chặt người tạm trú, thường trú, lưu trú tại địa phương để giám sát gia đình có F0 và người cần tiêm vắc-xin COVID-19.
Tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, chiều 25/11, liên quan đến văn bản của UBND TP yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức phải tăng cường kiểm soát chặt di biến động dân cư, phóng viên đặt câu hỏi: “Thời gian tới, Công an TP.HCM có tái lập lại chốt kiểm soát kiểm soát di biến động dân cư hay không?”.
Đại diện Công an TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu nói Công an TP đã có Thông báo 2781 tăng cường biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự. Việc quản lý di biến động dân cư ở đây được hiểu là nắm chắc hộ, nắm chắc người, quản lý chặt số lượng người thường trú, tạm trú và lưu trú tại địa phương.
Việc này là để rà soát, cấp căn cước công dân gắn chip cho cư dân, thông báo mã số định danh, cập nhật dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hộ gia đình có F0, thống kê số người về TP từ các địa phương để tiêm vắc-xin bổ sung, ông Hà nói.
Đại diện công an TP khẳng định hiện nay, tuy số lượng các ca F0 có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của TP. “Hiện Công an TP.HCM chưa nhận được chủ trương nào tái lập chốt kiểm soát. Việc lập lại chốt kiểm soát là phương án cuối cùng”, ông Hà cho hay.
Nói rõ hơn về biện pháp, theo Vnexpress ngày 26/11, ông Hà cho hay TP sẽ không lập các chốt kiểm soát cửa ngõ như trước. Thay vào đó, Công an TP đưa thêm lực lượng xuống các quận huyện để nắm chắc số hộ, số người, phục vụ cho việc truy vết, điều trị, cấp cứu ca bệnh kịp thời hoặc hỗ trợ tiêm vaccine với người lao động trở lại TP.HCM làm việc.
Ghi nhận theo Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND một số quận, huyện ở TP.HCM, bản tin trên cho hay công an TP đang siết kiểm soát việc đi lại, lưu trú của người dân. Công an quận đang cho cảnh sát khu vực rà soát người đến, tập trung ở các khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh… để nắm số người đến thường trú, tạm trú.
Trong cuộc họp báo chiều 25/11, đại diện ngành y tế TP, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết TP đang ghi nhận F0 tăng sau thời kỳ mở cửa từ cơ sở sản xuất và các hoạt động, khẳng định “trước khi mở cửa, TP.HCM đã lường trước được”.
Bà Mai cho hay hiện tại hoạt động tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đang tiến hành rất nhanh, độ bao phủ rộng, tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng F0 có xu hướng gia tăng. Số F0 mắc mới liên tục ở 4 con số: ngày 21/11 là 1.547 ca, ngày 23/11 có 1.204 ca, ngày 24/11 là 1.066 ca và ngày 25/11 (ngày họp báo) là hơn 1.500 ca.
Bà Mai cho biết số F0 tăng nên số F0 tử vong cũng tăng. “Trước sự gia tăng của ca mắc mới, chúng ta cố gắng rất nhiều trong triển khai các biện pháp phòng ngừa, quản lý, điều trị F0. F0 tăng nên kéo theo số lượng người bệnh COVID-19 tử vong cũng tăng nhẹ. Theo thống kê, các trường hợp tử vong là người trên 65 tuổi và người chưa chích ngừa”, bà Mai nói.
Trả lời câu hỏi về việc các bệnh viện dã chiến hiện nay vừa tiếp nhận các bệnh nhân bệnh lý thông thường, vừa tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có dẫn đến quá tải hay không, bà Mai nói các bệnh viện hiện nay đã nhanh chóng trở lại công năng ban đầu và có thể khám, chữa bệnh các bệnh lý thông thường. Trường hợp bệnh nhân với bệnh lý thông thường nhưng đến bệnh viện dã chiến vẫn sẽ được tiếp nhận. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện có chức năng chữa trị phù hợp gần nhất. Do đó, các bệnh viện sẽ không bị quá tải.
Hiện tại, nhân viên y tế đã được điều động tăng cường đến các bệnh viện 3 tầng, trạm y tế lưu động và 1 số quận – huyện có F0 tăng nhanh; tiếp tục phối hợp với Hội Đông y TP HCM để bổ sung, cung cấp thuốc điều trị cho F0 tại nhà.
TP có 3 bệnh viện dã chiến là Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 đã chuyển đổi mô hình hoạt động 3 tầng. Các bệnh viện này tập trung sắp xếp số giường bệnh cũng như giường hồi sức theo 3 tầng để hỗ trợ cho người bệnh từ nhẹ, trung bình đến nặng.
Trước thông tin người bệnh phản ánh không tiếp cận được y tế địa phương trong trường hợp cần thiết, bà Mai cho biết Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản chấn chỉnh những trường hợp nhân viên y tế, cơ sở y tế không đáp ứng, hay không tiếp nhận bệnh nhân. Hiện TP đã lập 10 tổ đi kiểm tra tại các quận – huyện và TP Thủ Đức, củng cố đường dây nóng 1022 với sự tham gia của trên 200 bác sĩ để tư vấn cho F0 tại nhà, tái thiết lập lại mạng lưới thầy thuốc đồng hành…
Nguyễn Quân
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…